Trong thông cáo báo chí liên quan đến vụ việc, Vietnam Airlines xác nhận chuyến bay xảy ra sự cố mang số hiệu VN970 của hãng cất cánh từ TP. Hồ Chí Minh ngày 25.4 và tới sân bay quốc tế Gimhae (Pusan - Hàn Quốc) ngày 26.4, khai thác bằng tàu bay Airbus A321 với 154 hành khách trên khoang.
Sau lần tiếp cận hạ cánh đầu tiên không thành công, cơ trưởng chuyến bay Vương Văn Mỹ đã thực hiện hạ cánh an toàn ở lần tiếp cận thứ hai. Như những chuyến bay thông thường khác, hệ thống quản lý an toàn phân tích dữ liệu bay sau chuyến bay của Vietnam Airlines đã phân tích và phát hiện sự việc này.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines cho rằng, sân bay quốc tế Gimhae (thành phố Pusan) đã được hãng này đưa vào danh mục sân bay khó mức độ B trong tài liệu hướng dẫn khai thác bay xét về cả địa hình và phương thức tiếp cận hạ cánh. Theo đó, người chỉ huy tàu bay phải tìm hiểu về sân bay trước khi thực hiện chuyến bay đến sân bay này. Trong công tác huấn luyện, Vietnam Airlines yêu cầu tất cả phi công phải hoàn thành các bài tập và kiểm tra trong buồng lái giả định với các sân bay có địa hình và phương thức tiếp cận hạ cánh phức tạp tương tự.
Vietnam Airlines cho biết, sau khi sự việc xảy ra, trước một số thông tin trong nội bộ, Vietnam Airlines đã yêu cầu tổ lái chuyến bay cung cấp tài liệu chứng minh kinh nghiệm và giờ bay thực tế. Riêng ông Kim Tae Hun – quốc tịch Hàn Quốc (cơ phó chuyến bay VN970 nói trên) xin phép quay trở lại hãng hàng không ở Indonesia, nơi ông công tác trước đây để bổ sung các xác nhận liên quan và không quay trở lại.
Toàn bộ sự việc nói trên đã được Vietnam Airlines báo cáo nhà chức trách hàng không Hàn Quốc và Việt Nam theo đúng quy định.
Trước đó, cơ quan chức năng quản lý về hàng không của Hàn Quốc cho rằng, phi công của Vietnam Airlines không thuần thục trong kỹ năng hạ cánh, một phi công quốc tịch Hàn Quốc của hãng này bị tình nghi sử dụng giấy phép lái máy bay không phù hợp và khai man về kinh nghiệm bay (phi công này khai đã bay 680 giờ nhưng thực tế chỉ có kinh nghiệm 1 giờ bay).
Bảo An