Dân Việt

Là Cty cổ phần, VPF tập trung được trí tuệ nhiều hơn

05/11/2011 06:40 GMT+7
Dân Việt - Chiều 4.11, ông Nguyễn Trọng Hỷ-Chủ tịch VFF, ông Phạm Ngọc Viễn-Phó Chủ tịch VFF, ông Nguyễn Lân Trung-Phó Chủ tịch VFF đã chủ trì cuộc họp trao đổi thông tin với báo chí…

Điểm “nóng” thu hút được sự quan tâm chính là những khúc mắc xung quanh quá trình thành lập Công ty tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF):

“100% đại biểu đều ủng hộ việc ra đời của VPF-mô hình tích cực, giúp bóng đá VN phát triển. Thời gian qua, chúng tôi đã phải hoàn thiện, chỉnh sửa một loạt văn bản trình Bộ VH-TT&DL duyệt, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo. Hi vọng Bộ sẽ cho ý kiến trong ngày 7.11, trước khi hoàn thành mọi thủ tục cấp phép thành lập Công ty.

Thời điểm này, quá trình soạn thảo, bổ sung quy chế kỷ luật, khiếu nại… cũng phải tạm dừng lại để chờ VPF ra đời, rồi mới hoàn thiện cho phù hợp. Sự xuất hiện của VPF sẽ giúp VFF có thêm nhiều thời gian để làm những công việc khác: đối ngoại, đào tạo trẻ... vì sự phát triển của bóng đá VN”, ông Nguyễn Trọng Hỷ-Chủ tịch VFF nói.

img
Lãnh đạo VFF chủ trì Đại hội thường niên VFF. Ảnh: vff.org.vn

Liên quan tới việc lựa chọn mô hình Công ty cổ phần hay Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) cho VPF, ông Phạm Ngọc Viễn-Phó Chủ tịch VFF cho biết:

“Hội nghị BCH và Đại hội thường niên VFF đều thống nhất lựa chọn mô hình Công ty cổ phần với phương châm: “cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”.

So với mô hình Công ty TNHH chỉ có 1 người là Chủ tịch quyết định mọi vấn đề, thì mô hình Công ty cổ phần với Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị (9 thành viên, trong đó có 3 người của VFF, 4 người của các CLB ngoại hạng (trước đây là V.League), 1 đại diện của CLB hạng Nhất, 1 người thuộc các ngành nghề khác bên ngoài xã hội) sẽ tập trung được sức mạnh, trí tuệ tập thể nhiều hơn”.

Theo ông Viễn, để hạn chế những nhược điểm của Công ty cổ phần, trong điều lệ VPF sẽ ghi rõ các cổ đông không phải là cá nhân, mà phải là tổ chức thành viên của VFF. Không được phép chuyển nhượng cổ phần ra ngoài cho những người không hoạt động trong lĩnh vực bóng đá.

Theo lộ trình dự kiến, giữa tháng 11 sẽ hoàn thành thủ tục xin giấy phép thành lập VPF. Ngày 26.11 tiến hành Đại hội cổ đông tại Hà Nội. Một ngày sau sẽ thông qua về cơ cấu nhân sự của Công ty, đảm bảo có thể điều hành V.League 2012 diễn ra cuối năm nay.

img
Các đại biểu dự Đại hội thường niên VFF biểu quyết thông qua mô hình Công ty cổ phần VPF. Ảnh: vff.org.vn

Về vấn đề bản quyền truyền hình V.League, sau khi VPF ra đời, bản quyền truyền hình và những thương quyền khác về giải đấu sẽ được trao cho VPF. Nhưng mọi thứ vẫn phải đảm bảo tính kế thừa. Lãnh đạo VPF và AVG có thể ngồi lại với nhau bàn thảo lại một số vấn đề trên cơ sở lợi ích, sự đồng thuận của cả hai bên chứ không có chuyện “hủy bỏ” hợp đồng bản quyền truyền hình có thời hạn 20 năm mà VFF đã ký với AVG.

Cũng tại Hội nghị BCH VFF và Đại hội thường niên VFF 2011, các đại biểu đã đồng thuận việc “xóa sổ” Hội đồng trọng tài QG và thay thế bằng Ban trọng tài trực thuộc VFF. Ông Dương Vũ Lâm-người mới từ chức TTK LĐBĐ TP.HCM được bầu làm Trưởng ban trọng tài.

Thời gian tới, ông Lâm sẽ lựa chọn nhân sự cho ban mình (trong đó có 1 phó ban và một số ủy viên) trước khi trình Chủ tịch VFF ký bổ nhiệm: “Trưởng ban trọng tài cần có 4 tiêu chí: Phải là ủy viên BCH VFF theo quy định của FIFA, Phải am hiểu bóng đá. Có năng lực quản lý đội ngũ trọng tài. Không liên quan tới bất kỳ tổ chức thành viên nào của VFF. Xét theo đó, ông Dương Vũ Lâm đều đáp ứng đủ và đã được bầu chọn”, ông Phạm Ngọc Viễn khẳng định.