Một người dân buôn bán ở đường Lê Thánh Tôn, sau lưng chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) khi được hỏi việc ông Đoàn Ngọc Hải từ chức kể đã buôn bán ở đây từ trước ngày giải phóng. Hồi đó, cảnh sát cũng đi dọn dẹp trật tự ở vỉa hè nhưng không được. “Cảnh sát đi rồi người ta lại bày hàng ra. Hình ảnh dọn dẹp trật tự lòng lề đường mà những người trước ông Hải, rồi đến ông Hải làm đã có từ lâu”- ông này nói.
Dẫn lời một nhân chứng để thấy rằng cách tiếp cận và giải quyết vấn đề trật tự đô thị mà quận 1 thực hiện dường như chưa thật đúng. Ở mọi thời, mọi chế độ, đô thị mà chênh lệch giàu nghèo quá lớn thì luôn sinh ra nhu cầu tận dụng vỉa hè để kiếm sống, mưu sinh. Đó là vấn đề mấu chốt.
Những ước muốn đó có chính đáng hay không? Nếu chính đáng, chính quyền cần xem xét lại giữa nhu cầu mưu sinh của dân nghèo thành thị và nhu cầu đảm bảo trật tự vệ sinh tối thiểu cho đường phố ở khu vực trung tâm.
Nhắc lại những điều này để hình dung tại sao chuyện dẹp loạn vỉa hè chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.
Chỉ khi cuộc sống được nâng lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, ý thức xã hội dần nâng lên ở mặt tự giác giữ gìn trật tự xã hội chung thì hẳn nhiên tình trạng lấn chiếm mua bán trên vỉa hè sẽ giảm xuống.
Và đặc biệt, việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường cần tập trung hơn vào những chủ thể kinh doanh lớn, vì lòng tham mà bành trướng cơ sở, lấn chiếm thêm vỉa hè, lòng đường. Đây là đối tượng cần xử lý nghiêm khắc với mức phạt nặng.
Tôi không tán đồng cách so sánh hình ảnh ông Hải giành lại vỉa hè chỉ là “cánh chim đơn độc” vì ông vẫn phải thông qua cơ chế làm việc tập thể. Mọi việc ông làm đều phải báo cáo và được thông qua.
Tuy nhiên, bao nhiêu lực lượng, bao nhiêu chi phí đã bỏ ra và bao nhiêu than phiền của người dân? Rốt cuộc, kết quả được gì hay trở về như cũ? Trong đơn của ông Hải đã trả lời rất rõ. Có lẽ chính ông cũng cảm thấy những nỗ lực vừa qua là kém hiệu quả. Chính quyền cấp trên chắc cũng có chung nhận định như vậy.
Lá đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải. Ảnh: Q.K
Chính sách dọn dẹp vỉa hè vừa qua kém hiệu quả do không giải quyết được mâu thuẫn nội tại giữa trật tự tối thiểu của một đô thị văn minh với một bên là nhu cầu kiếm sống của quá đông dân nghèo thành thị. Chính ông Hải đã không tìm được lời giải đúng cho mâu thuẫn này nên các giải pháp mang tính cưỡng chế hoặc tuyên truyền phiến diện đều tỏ ra kém hiệu quả.
Tôi cũng không dám tin hoàn toàn việc ông Hải từ chức chỉ đơn thuần vì lời hứa “cởi áo từ quan khi không hoàn thành nhiệm vụ”. Khi chưa tìm được giải pháp phù hợp, tương thích, việc ông từ chức cũng bộc lộ sự bất lực của chính ông dù có đủ quyền lực trong tay, muốn dẹp thì dẹp, muốn cẩu thì cẩu.
Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc ông từ chức. Mong rằng sẽ có thêm nhiều quan chức như vậy, không làm được việc thì tự xin về, để người khác có thể làm tốt hơn mình. Tôi ủng hộ một người dân tốt hơn một ông quan bất tài. Có thêm một người dân tốt vẫn hơn có thêm một ông quan không làm được việc gì.n