Liên quan đến việc vay tiền tại 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) gây thất thoát cho VNCB số tiền lên đến 6.126 tỷ, bị cáo Phạm Công Danh nhận phần sai của mình. Bị cáo Danh trình bày về hoàn cảnh dẫn đến việc thực hiện hành vi sai phạm.
Theo đó, khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn, đến nay tài sản ấy vẫn chưa lấy lại được. Trong đó có khoản tiền hơn 3.600 tỷ trả cho bà Hứa Thị Phấn, hơn 2.360 tỷ trả lãi ngoài cho một doanh nghiệp khác. Liên tục trong các năm 2012 – 2014 áp lực đè nặng lên ông. Ông Danh phải tìm mọi cách giữ thanh khoản cho ngân hàng… Đến đây, HĐXX yêu cầu bị cáo Phạm Công Danh phải dừng lại, không trình bày lại lý do bởi giới hạn xét xử, không trình bày nội dung ngoài vụ án.
Bị cáo Phạm Công Danh (Ảnh: CTV)
Trong phần trả lời liên quan đến việc vay của Sacombank 1.800 tỷ đồng, bị cáo Phạm Công Danh thừa nhận hành vi này nhưng do lâu quá không nhớ dùng số tiền này cụ thể vào mục đích gì, chỉ nhớ rằng có trả cho BIDV. Tại tòa bị cáo Phạm Công Danh cho rằng một số vấn đề trong cáo trạng chưa chính xác, từng yêu cầu gặp VKS trình bày nhưng không được, trong đó có yêu cầu lấy tài sản để khắc phục thiệt hại…
Một lần nữa, chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo Phạm Công Danh ngưng phát biểu, bởi các vấn đề này đã được ông nói nhiều lần tại phiên tòa giai đoạn 1, và các nội dung này đã được xem xét trong bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Cũng liên quan đến nội dung cáo trạng xác định Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 của vụ án, nhiều bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh đã phủ nhận điều này. Trong đó bị cáo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương cho rằng trên thực tế vẫn còn tài sản để khắc phục hậu quả. Đó là số tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ ngân hàng VNCB cấn trừ vào và một số khoản tiền khác, bởi số tiền 4.500 tỷ này đang nằm tại ngân hàng và hòa vào dòng tiền chung của VNCB (nay là CB). Tuy nhiên HĐXX cho rằng thực tế không còn số tiền đó, vì Phạm Công Danh và các bị cáo đã sử dụng hết vào mục đích cá nhân.
Hiện phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng.
Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty. Từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6.126 tỷ đồng.