Đánh bài bridge: Độc nhất, vô nhị
Lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games nói riêng và các đại hội thể thao nói chung, đánh bài được đưa vào danh sách các môn thi đấu chính thức. Thậm chí, tại SEA Games 26, đánh bài bridge có tới 9 bộ huy chương.
Đánh bài bridge (ảnh minh họa). |
Bấy lâu nay, dân Việt Nam ta rất khoái xem các phim “mì ăn liền” của Hongkong với các “thần bài” nổi tiếng trên màn bạc như Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát. Người ta hồi hộp đến phát nghẹn cơm với những ván bài trên phim.
Nhưng ở SEA Games 26, chẳng người Việt Nam nào thấy hồi hộp mà chỉ thấy hài hước khi đánh bài có trong chương trình thi đấu. Ở quán trà đá vỉa hè, nhiều người tếu táo: “Giờ có cái món này, khéo đến SEA Games nào Việt Nam tổ chức, ta đưa thêm đánh chắn, tá lả vào cho oách. Gì chứ mấy cái món phỏm, chắn cạ thì dân mình có khi vô đối”.
Có người lại bảo: “Thi bắn súng gọi là xạ thủ, bắn cung là cung thủ, đấu kiếm là kiếm thủ, đá bóng là cầu thủ, thế thì đánh bài gọi là gì? Không lẽ gọi là “bài thủ”? Đọc cứ ngang phè phè, chẳng chính xác và sướng lỗ nhĩ bằng từ “con bạc”. Nhưng trong đại hội thể thao, chẳng nhẽ lại gọi vận động viên là “con bạc”?
Ban đầu, Việt Nam đồng ý tham dự môn này (có lẽ là được chủ nhà Indonesia vận động chơi cho đủ số lượng quốc gia để đủ điều kiện tổ chức). Bộ môn Cờ (Tổng cục TDTT) được giao nhiệm vụ thành lập đội tuyển và tập luyện để tranh tài. Nhưng các “vận động viên” vốn là những cán bộ môn cờ của Tổng cục TDTT xin chịu thua, bởi môn bridge này quá khó học nên đành bó tay và rút lui, không thi đấu tại SEA Games nữa.
Không biết nên không chơi có khi lại… hay. Bởi ở Việt Nam, đánh bài ăn tiền ở mức độ nhất định sẽ bị coi là đánh bạc và đương nhiên vi phạm pháp luật. Thế nên, lỡ vận động viên Việt Nam tham dự và “chẳng may” giành Huy chương Vàng thì kể cũng kỳ kỳ. Rất hài hước khi nhà quán quân nghẹn ngào phát biểu: “Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi đánh bài thành công để mang vinh quang về cho Tổ quốc”.
Siêu đại kiện tướng bó tay
BTC SEA Games 2011 đưa vào một “món lạ” là cờ Đông Nam Á (ĐNA) khiến cả Siêu đại kiện tướng quốc tế Lê Quang Liêm cũng tỏ ra ngỡ ngàng… Trao đổi với NTNN sáng qua (4.11), Lê Quang Liêm cho biết: “Nói về cờ ĐNA thì tôi cũng mơ hồ như tất cả những người mới tập chơi thôi.
Tại SEA Games 2011, tôi không thi đấu cờ ĐNA nên cũng không có thời gian tìm hiểu môn này. Nghe sơ qua thì cách xếp quân của cờ ĐNA khác cờ vua ở chỗ hàng tốt (gồm 8 quân tốt) được xếp cao lên phía trên một hàng. Nước đi, ăn quân của quân xe thì vẫn như cờ vua. Nhưng quân tượng, hậu và tốt đều đi và ăn quân theo cách rất lạ nên cách tư duy cũng rất khác cờ vua”.
Tương tự như Liêm, hầu hết các tuyển thủ cờ vua VN đều có “hàm” đại kiện tướng: Trường Sơn, Thiên Hải, Anh Dũng, Thanh An, Bảo Trâm, Thảo Nguyên… đều lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về cờ ĐNA. Chỉ có kỳ thủ Nguyễn Huỳnh Minh Huy - người trực tiếp được giao nhiệm vụ tranh tài trên bàn cờ ĐNA là phải ngày đêm miệt mài tìm tài liệu, lên mạng tự luyện tập chứ không hề có thầy hướng dẫn.
Nói về môn cờ này, ông Đặng Tất Thắng - Trưởng bộ môn Cờ Tổng cục TDTT tâm sự: “Tôi cũng chưa biết chơi môn cờ này ra sao. Cũng chưa có sách nào nói. Việc đưa môn cờ ĐNA vào thi đấu ở SEA Games lần này mang ý nghĩa như một động thái giúp các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar... có cơ hội giành huy chương. Có thể tại SEA Games 2013, chủ nhà Myanmar sẽ đưa vào 5-7 bộ huy chương cờ ĐNA”.
Và khi SEA Games nào đó có tới gần chục bộ huy chương cờ ĐNA, thì chuyện Việt Nam phải bỏ tiền thuê chuyên gia cờ ĐNA từ Thái Lan, Campuchia sang huấn luyện không làm ai ngạc nhiên. Đương nhiên, việc một số kỳ thủ cờ vua, cờ tướng, cờ vây không phát triển được nữa được chuyển sang thi đấu cờ ĐNA (như cách VĐV bơi chuyển sang môn lặn) cũng rất… bình thường.
Tuệ Minh - Long Nguyên