Dân Việt

Rung động trước vẻ đẹp sơn nữ

05/11/2011 06:21 GMT+7
(Dân Việt) - 51 người đẹp các dân tộc miền núi phía Bắc tụ về Hà Nội để thi tài đã không chỉ khiến khán giả ngất ngây vì vẻ đẹp sơn nữ mà còn chinh phục họ bởi bản sắc văn hoá mà các cô đem theo.

51 thí sinh đã trải qua các phần thi từ ngày 1 đến 4.11 để chọn 13 thí sinh xuất sắc nhất đi dự vòng chung kết toàn quốc. Ấn tượng để lại sâu đậm nhất là các người đẹp đã khiến khán giả hiểu được nhiều hơn về cái hay, cái đẹp trong văn hoá dân tộc mà họ làm đại diện.

img
Các người đẹp tham dự cuộc thi.

Hài lòng với thi ứng xử

Ở mỗi cuộc thi hoa hậu, phần thi ứng xử luôn là chủ đề “gai góc” nhất của các người đẹp. Tuy nhiên, với các câu hỏi có tiêu chí ngắn, gọn, bám sát thực tế địa phương, dân tộc… các thí sinh cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã thật sự thuyết phục được Ban giám khảo với những câu trả lời khá thông minh, dí dỏm…

Trong phần thi này, mỗi thí sinh sẽ có 2 phút để thể hiện khả năng ứng xử. Điểm thú vị trong cuộc thi hoa hậu các dân tộc là phần lớn các câu hỏi đều đi sâu khai thác nội tâm các thí sinh, gắn liền với những điều giản dị, gần gũi xung quanh mà thí sinh đã từng sống, từng gắn bó. Đó là có thể là một câu chuyện về tình nghĩa với cha mẹ, với xóm giềng; một nét đẹp truyền thống của quê hương; hay một nhân cách có ảnh hưởng nhất đối với cuộc đời mình.

Như thí sính Đỗ Ngọc Anh (Hà Nội) khi nhận được câu hỏi của NSND Lan Hương: Em hiểu thế nào về 2 câu ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Trả lời khá tự tin, Ngọc Anh khẳng định “Câu ca dao nói về tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Đất nước Việt Nam gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, tuy mỗi dân tộc có những bản sắc văn hoá riêng, nhưng cùng là con Lạc cháu Hồng, nên sẽ cùng chung tay phát triển đất nước Việt Nam”.

Còn với thí sinh Nông Vân Anh (dân tộc Tày), đến từ Hà Giang lại chọn cách giới thiệu về quê hương Bắc Mê nơi có con sông Gâm xanh biếc, núi rừng trập trùng, những bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo và đặc sắc. “Đến Bắc Mê bạn sẽ được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, danh lam thắng cảm như di tích Lòng Hồ. Hãy đến Bắc Mê để cảm nhận hết cái đẹp nơi đây”.

Đàn hay, hát giỏi

Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp ngoại hình, hầu hết các thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu các dân tộc lần này đều chứng tỏ được một năng khiếu được bồi đắp, rèn luyện trước đó từ nhiều năm trước đó. Mỗi thí sinh đều sinh ra và lớn lên trên mỗi quê hương khác nhau và họ đến với cuộc thi bằng vốn văn hóa đặc sắc của vùng quê đó. Chính vì lẽ đó mà mỗi lời ca, tiếng hát của các người đẹp trong cuộc thi đều góp phần tạo nên một bức tranh đủ các gam màu, âm thanh, sắc diện.

Hoa hậu Thế giới người Việt Lưu Thị Diễm Hương – thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Công tác tổ chức của Ban tổ chức rất chuyên nghiệp và nghiêm túc. Các thí sinh mặt bằng chung khá đồng đều, đẹp và duyên dáng, ứng xử thông minh, tự tin”.

Cũng chọn cách giới thiệu về quê hương mình, song thí sinh Nguyễn Thị Dương (dân tộc Mường) ở Hoà Bình lại thể hiện một bài hát ru thật ngọt ngào, đậm chất trữ tình bởi như Dương tâm sự, ngay từ khi em sinh ra đã được bà và mẹ ru vào giấc ngủ, và lời ru cũng đã theo trong những bước đường khôn lớn…

Diệp Hà (dân tộc Thái), đến từ Sơn La, lại thể hiện một làn điệu xoè trên sân khấu: “Điệu xoè, điệu xoè có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào?… Chân đi ngập ngừng mà tim bối rối…”. Hà tâm sự: “Em rất tự hào về dân tộc Thái của mình, và em quyết tâm sẽ động viên gia đình, bà con xóm giềng bảo tồn văn hoá dân tộc, giữ gìn những truyền thống của quê hương mình, và đặc biệt phải biết nói tiếng dân tộc mình!”.

Hà Thị Hằng (dân tộc Thái), cũng đến từ Sơn La, lại rất tự tin khi thể hiện bài hát “Inh lả ơi” và xoè điệu xoè của dân tộc mình trên sân khấu, nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của Ban giám khảo và khán giả. Thí sinh Bàn Thị Phương (dân tộc Dao) đến từ Bắc Kạn lại thể hiện bài hát ru bằng tiếng Dao rất chuẩn. Phương cũng rất tự tin khi khẳng định “Em hài lòng nhất về nụ cười của mình, đó là cách để em giao tiếp với mọi người”...