Dân Việt

Không cần phải ra Luật Nhà văn

06/11/2011 06:39 GMT+7
(Dân Việt) - Sau đề xuất đưa Luật Nhà văn vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh Quốc hội khóa XIII, có nhiều ý kiến phản biện khác nhau từ dư luận.
img
 

Phóng viên có cuộc trao đổi với nhà thơ - luật sư Nguyễn Minh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Sáng kiến lập pháp là quyền hiến định của các tổ chức và cá nhân, việc một ai đó đưa ra sáng kiến xây dựng Luật Nhà văn là một điều bình thường, không có gì phải ngạc nhiên cả, cũng như bất kỳ ai, chẳng hạn người thích câu cá, hoặc thích quản lý việc câu cá, cũng có thể đưa ra sáng kiến về luật câu cá.

Cuộc sống cần luật pháp, điều ấy đương nhiên như hơi thở của con người. Nhưng vấn đề là sáng kiến – sở thích ấy phải phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của cuộc sống. Cuộc sống chưa cần hoặc chưa đặt ra những vấn đề bắt buộc phải điều chỉnh bằng luật thì việc đưa ra sáng kiến này chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời của chủ thể.

Tôi tin QH, mặc dù rất tôn trọng quyền này của chủ thể, nhưng sẽ không đưa sáng kiến này vào Chương trình xây dựng luật chính thức, bởi QH còn phải lo bao trọng trách khác trong hoạt động lập pháp, những bộ luật đã đưa vào chương trình theo đòi hỏi của cuộc sống mà đến nay vẫn chưa làm được…

Là một luật sư nhưng cũng là nhà thơ, cá nhân ông thấy việc làm thơ, viết văn có cần phải chịu sự điều chỉnh của một đạo luật?

- Nói thật, nếu buộc tôi phải làm thơ theo luật nào đó thì tôi bó tay. Thơ là tiếng nói tâm tình của người làm thơ đối với cuộc đời, là sự thăng hoa của cảm xúc. Chẳng có tâm tình, thăng hoa nào phải cần đến luật pháp cả.

Tôi cứ thử hình dung, khi có Luật Nhà văn thì trước khi cầm bút, nhà văn, nhà thơ phải kiểm tra xem các quy phạm pháp luật đã điều chỉnh việc làm thơ, làm văn của mình như thế nào, điều gì được phép, điều gì cấm.

Chỉ riêng việc tập trung trí não vào sự săm soi kiểm tra ấy thôi thì cảm xúc đã chết rồi, làm sao còn viết văn, làm thơ được nữa. Nói như thế không có nghĩa là thơ không cần đến luật, đó là luật của thơ, chứ không phải luật của người làm thơ.

Viết văn, làm thơ là tạo ra tác phẩm. Để tác phẩm của mình đến với công chúng, Nhà nước đã có Luật Xuất bản; để bảo vệ bản quyền của tác giả, đã có luật về bản quyền, không có gì lo đến mức phải ra một Luật Nhà văn để làm điều này.

Có ý kiến cho rằng cần phải tập trung xây dựng và sửa đổi những bộ luật, luật quan trọng, cấp thiết hơn cho đời sống xã hội và phát triển đất nước?

- Nền kinh tế - xã hội nước ta đang đặt ra những vấn đề bức xúc đòi hỏi phải điều chỉnh bằng luật, chẳng hạn như vấn đề chủ quyền biển đảo của quốc gia, vấn đề khiếu kiện đông người, vấn đề tạo chuẩn mực cho sự đồng thuận xã hội, quyền chủ thể tuyệt đối của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, vấn đề bình đẳng thực sự trong kinh doanh giữa các thành phần kinh tế đã được Hiến pháp thừa nhận…

Đó là những vấn đề nóng bỏng đang đặt ra trong hoạt động lập pháp của QH hiện nay. Chỉ những đạo luật nào đáp ứng được sự đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, lòng mong đợi của nhân dân thì đạo luật ấy mới thực sự có hiệu lực trong lòng người, mới thúc đẩy xã hội phát triển.

Xin cảm ơn ông!