Dân Việt

Vụ nổ khí gas làm 2 trẻ tử vong: Công tác cứu nạn yếu kém?

05/11/2011 06:27 GMT+7
(Dân Việt) - Dư luận đang lên án công tác cứu hộ, cứu nạn vụ nổ khí gas, làm sập nhà 2 tầng khiến 2 cháu bé tử vong ở phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Có đúng là công tác cứu hộ yếu kém?

Phóng viên NTNN đã trao đổi với đại tá Tô Xuân Thiều – Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội.

Thưa đại tá, vụ nổ khí gas sập nhà hai tầng ở ngõ 22 phố Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa) khiến 2 cháu bé tử vong, nhiều người dân cho rằng công tác cứu hộ, cứu nạn là quá chậm, ông có ý kiến gì?

- Nói quá chậm là không đúng, gần 6 giờ chúng tôi nhận được tin, ngay lập tức chỉ đạo lực lượng xuống hiện trường cứu hộ. Sau 5 phút, chúng tôi đã điều 3 xe cứu hộ cùng 80 cán bộ chiến sĩ. Ngoài ra còn có hàng trăm cán bộ các cấp ngành liên quan đến hiện trường cũng phối hợp cứu hộ nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.

img
Lực lượng chức năng đang nỗ lực đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ nổ.

Nhưng theo chứng kiến của người dân thì công tác cứu hộ diễn ra rất khó khăn?

- Đúng vậy. Ngôi nhà bị nổ sập ở trong ngõ sâu, vì vậy các thiết bị hiện đại phục vụ cứu hộ, cứu nạn không thể mang vào được. Khi đến hiện trường, lực lượng PCCC đã gặp bức tường bao cách phía sau căn nhà 10 tầng. Xử lý xong chướng ngại vật này chúng tôi lại gặp một bể nước rất to ở dưới sàn sân.

Nếu xe chở các phương tiện cứu hộ chạy qua sẽ sập, nên buộc phải sử dụng các thiết bị cứu hộ cứu nạn cầm tay, như: Máy khoan cắt bê tông cầm tay. Khi cứu hộ lại gặp trường hợp rất khó là phần khung tầng 1 vẫn còn, toàn bộ tường tầng 2 đổ sập đè lên 2 cháu bé.

Ông Hoàng Khắc Nghĩa - Tổ trưởng tổ dân phố 52, phường Bách Khoa nói: "Chứng kiến lực lượng cứu hộ dù đã rất nhiệt tình, nhưng phải nói thực là họ làm rất thiếu chuyên nghiệp. Mọi thứ đều rất bị động".

Ông Nguyễn Đức Thảo - Tổ trưởng tổ dân phố 51 cũng nói: "Khi lực lượng cứu hộ làm, tôi cũng có mặt ở đó và chứng kiến. Thực sự, tôi thấy họ làm chậm quá, mấy chiếc máy khoan thì giật cả tiếng đồng hồ không nổ để mà phá bê tông".

Vì vậy, để an toàn cho nạn nhân, chúng tôi không thể áp dụng các biện pháp cắt bê tông thông thường mà phải dùng biện pháp đục nhảy. Ngay cả máy cắt bê tông thủy lực cũng không dám sử dụng vì sợ sẽ ảnh hưởng đến nạn nhân nằm bên dưới. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới đưa các cháu bé ra được.

Sau 6 tiếng cứu hộ, 2 cháu bé mới được tìm thấy. Rất nhiều người bức xúc về công tác cứu hộ, đại tá nghĩ sao về việc này?

- Việc không cứu được 2 cháu bé là hết sức đau thương nên người dân sẽ có ý kiến này ý kiến khác. Nhưng chúng tôi đã áp dụng các biện pháp tốt nhất.

Thực tế lực lượng PCCC thủ đô trước kia chỉ làm trách nhiệm cứu hộ cứu nạn trong các vụ cháy nổ. Gần đây được giao trách nhiệm cứu hộ cứu nạn hàng ngày, nên không tránh khỏi có sự lúng túng. Nhưng chúng tôi đã áp dụng các biện pháp cấp thiết nhất trong vụ này.

Nếu tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn nhà cao tầng bị sập như vụ vừa rồi thì thiết bị cứu hộ cứu nạn của lực lượng PCCC thủ đô như hiện nay liệu có đáp ứng được công tác cứu hộ cứu nạn?

- Sắp tới Sở Cảnh sát PCCC sẽ làm văn bản kiến nghị cấp trên trang bị các thiết bị cứu hộ cứu nạn tiên tiến nhất để phòng trường hợp khi các vụ cháy nổ, sập nhà lớn hơn mới đảm bảo được công tác cứu hộ cứu nạn. Hiện tại chúng tôi chưa được trang bị cũng là một khó khăn.

Xin cảm ơn đại tá!

Ngôi nhà bị sập được xây không phép

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng (Sở Xây dựng, Hà Nội) cho biết ngôi nhà rộng chưa tới 15m2 bị sập vốn được xây dựng trên đất lấn chiếm, không có giấy tờ hợp pháp. Ông cho rằng tầng 1 ngôi nhà bằng khung bê tông cốt thép, tầng 2 bằng tường gạch, nếu không có lực tác động thì có thể đảm bảo chất lượng ở.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, trên địa bàn đã có nhiều vụ nổ khí gas mà không gây sập nhà, song ngôi nhà tại phường Bách Khoa bị sập vì tầng 2 không có kết cấu khung bê tông, được xây tạm bợ. Những ngôi nhà kiểu này đều có nguy cơ sập nếu xảy ra cháy nổ.