Dân Việt

Giữ nghề cho làng

06/11/2011 05:53 GMT+7
(Dân Việt) - Những đôi giày da khâu tay của thợ làng nghề thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, xã Phú Yên (Phú Xuyên, Hà Nội) rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, bản thân người dân làng nghề lại đang mong muốn được học nghề để phát triển sản xuất.

Trăn trở tìm chỗ đứng cho làng nghề

Toàn xã Phú Yên hiện có 1.100 hộ thì có tới 650 hộ làm nghề. Hàng năm, người thợ nơi đây sản xuất khoảng 6 triệu đôi giày.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - chủ cơ sở sản xuất giày da Hùng Hằng- một cơ sở sản xuất nổi tiếng trong làng cho biết: “Nghề giày da Phú Yên đã có từ lâu đời được truyền từ người này sang người khác chứ không qua lớp đào tạo. Hiện nay sản phẩm của chúng tôi vẫn là làm thủ công”. 

Trước kia, để làm được nghề, thợ phải học mất vài năm thì nay rút xuống chỉ còn vài tháng, do đó phần kỹ thuật không được dạy kỹ. Ngoài ra, lớp thợ trẻ ít quan tâm đầu tư chiều sâu cho nghề mà chủ yếu chạy theo bề nổi, bắt chước mẫu mã chứ không có sự sáng tạo.

“Do vậy, cái khó hiện nay là đào tạo sao cho lớp thợ trẻ đi sâu vào nghề để sản phẩm giày Phú Yên vừa giữ được nét truyền thống vừa đạt đến độ tinh xảo, để tạo nét đặc sắc, riêng biệt cho làng nghề”- anh Hùng trăn trở.

Được sự quan tâm của Hiệp hội Làng nghề thành phố Hà Nội, các cơ sở sản xuất giày da của Phú Yên đã tham gia khóa đào tạo nâng cao những kỹ năng cơ bản về phương thức làm giày, trao đổi với các nghệ nhân để học hỏi kinh nghiệm.

Anh Phùng Văn Đồng, một thợ trẻ của làng cho hay, những khoá học này đã giúp anh có thêm nhiều kỹ năng làm nghề, thay vì chỉ “làm tay quen” như trước kia.

Anh Hùng nói: “Những khoá học này rất tốt, nhưng chúng tôi mong muốn đào tạo chuyên sâu hơn nữa cho các lớp thợ trẻ những kiến thức, kỹ năng để làm nghề và theo nghề. Đối với nghề giày da đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên là phải có sức khoẻ, sự khéo léo. Người thợ phải làm “chuẩn” từ khâu chọn da pha cắt da, máy mũ, gò vào phom, ép đế… cuối cùng là trang trí để cho ra một thành phẩm đẹp, chiếm lĩnh được thị trường”.

Đầu tư để phát triển

Hiện nay, một số hộ sản xuất giày ở Phú Yên đã đầu tư hàng tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất bán công nghiệp, còn lại phần lớn vẫn làm thủ công nhưng có thêm máy móc phụ trợ như máy nén hơi, máy chặt, máy ép…

Tuy nhiên, dù đã có những bước phát triển vượt bậc trong nghề, nhưng làng nghề da giày Phú Yên vẫn chưa thoát khỏi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo anh Hùng, sản phẩm giày da của Phú Yên làm bán thủ công, kỹ thuật thấp nên chưa đạt được độ tinh xảo theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình sản xuất nhỏ nên không đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng trong nước cũng như một số mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài.

img Tới đây cơ sở sản xuất Hùng Hằng sẽ nhận 10 công nhân là các trẻ em khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội hỗ trợ. img

Anh Nguyễn Mạnh Hùng

Bên cạnh đó, các mặt hàng của Phú Yên vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường bởi chưa có nhãn mác, chưa có được sự quan tâm đáng kể. Nhiều thợ trẻ của làng xót xa khi sản phẩm của họ làm từ da thật (da bò), khâu thủ công rất chắc chắn, bền nhưng giá bán chỉ 200.000 -300.000 đồng/đôi, bằng 1/10 giá sản phẩm cùng loại có thương hiệu và chỉ bằng giá một đôi giày giả da chất lượng thấp của Trung Quốc. Anh Hùng nói:

“Tới đây, người làm nghề trong làng chúng tôi sẽ hoàn tất hồ sơ để đăng ký thương hiệu cho làng nghề, để Phú Yên phát triển bền vững trên thị trường. Nhưng mảng công việc này chúng tôi còn ít kinh nghiệm, cũng rất mong được học hành bài bản, được sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên về phát triển thương hiệu để giữ nghề bền vững cho làng”.