Trên một chuyến tàu đi Vinh, một bác nông dân ngồi cùng khoang khoe với tôi: “Năm nay tôi đã gần 80 tuổi nhưng lũ trẻ ở nhà vẫn phong tôi là anh hùng về chăn nuôi”. Hỏi ra mới biết, ông nuôi thỏ. Ông nuôi có lúc lên tới 150 con mà không phải nhờ ai phụ giúp. Ông bảo: “Cỏ chúng nó trồng sẵn, chuồng trại lại dễ làm, kỹ thuật nuôi quá đơn giản, mẫu chuồng kiểu mới nên dọn vệ sinh cũng nhẹ nhàng...”.
Thỏ hiền lành, sạch sẽ, dễ thương. Nó là loài gia súc nhỏ, không mất nhiều diện tích để nuôi. Thức ăn của thỏ lại dễ kiếm và rất sẵn quanh nhà. Các loại lá, củ, quả, các loại phụ phẩm trong nông nghiệp nó đều ăn được. Cơm, canh thừa của người nó cũng ăn ngon lành. Khi thiếu thức ăn, nó không la hét như lợn và không tranh giành như các loài khác.
Thỏ lại rất mắn đẻ. Người ta tính, một thỏ cái một năm có thể đẻ từ 30-36 con. Bọn này lớn rất nhanh. Nó cho ta lượng thịt khoảng 60-70kg thỏ hơi, tương đương với 30-35kg thịt thỏ móc hàm. Thịt thỏ lại rất ngon. Nó nạc nhiều hơn mỡ, lượng cholesterol lại thấp, giàu khoáng chất nên rất được ưa chuộng. Người già, người bị béo phì, bệnh nhân tim mạch càng nên ăn thịt thỏ. Tại sao ta không nuôi để gia đình mình mỗi tuần thịt lấy vài con?!..
Người già, trẻ em đều có thể tham gia nuôi thỏ. Công việc nhẹ nhàng và đơn giản nhưng lại giúp ta có được những khoản tiền kha khá. Các gia đình nghèo càng nên nuôi thêm thỏ.
Nếu nuôi, bà con phải chọn giống. Hiện có nhiều giống thỏ khác nhau. Bước đầu, ta nên nuôi loại thỏ có tầm cỡ trung bình (3-4kg/con. Khi nuôi quen, ta có thể đưa các giống có năng suất cao vào nuôi (như giống New Zealand, giống California). Chúng có thể đạt 7-8kg/con. Ta cứ ghép 1 đực với 2 cái. Nó đẻ nhanh lắm!
Nuôi thỏ, bận nhất lại là việc... đóng chuồng. Nó đẻ có khi ta không kịp đóng chuồng. Tuy chuồng thỏ rất đơn giản nhưng phải đóng cho đủ để kịp đưa các lứa con mới vào. Ít nhất ban đầu phải có 5 ô để cho 1 con đực, 2 con cái và 2 ổ thỏ con mới sinh ra. Sau đó thì... tha hồ mà đóng chuồng!
Chuồng phải có mái che, để chỗ thoáng mát, sạch sẽ nhưng tránh gió lùa. Đáy chuồng có thể làm bằng lưới hoặc bằng nan để thoát phân được dễ dàng. Chuồng có máng ăn, máng uống riêng biệt. Đến lúc thỏ đẻ, phải đưa thêm ô để làm bằng gỗ vào cho nó nuôi con.
Thức ăn của thỏ chủ yếu là các chất thô xanh (như rau, lá, cỏ non, thân cây họ đậu, thân lá ngô, thân lá mía, các loại củ, quả...). Vào mùa lạnh, khi khó kiếm thức ăn xanh, ta có thể cho nó ăn thêm các loại cỏ khô, bã chè xanh, ngô, đậu, khô dầu... và cả cơm nguội nữa. Xin lưu ý, mỗi khi thay đổi thức ăn, ta phải thay từ từ để nó quen dần. Hết sức tránh để thỏ ăn phải các thức ăn ôi, mốc hoặc có độc tố (như lá khoai tây, lá cà chua, vỏ sắn, củ khoai tây mọc mầm...).
Ta cho thỏ ăn 2 bữa vào sáng sớm và chiều tối. Đối với thỏ có chửa, ta cần cho nó ăn nhiều hơn và đủ chất. Thỏ cái hậu bị được 4-4,5 tháng và thỏ đực được 5-5,5, tháng là đã trưởng thành. Nếu thấy động dục, ta cho con cái vào lồng của con đực. Chúng cũng dễ phối. Thỏ cái mang thai 1 tháng là đẻ. Mỗi lứa thường được 6-8 con.
Ta nhớ lót ổ cho chúng bằng các vật liệu mềm mại, sạch sẽ, và khô ráo. Phải cho nó đủ nước uống. Thiếu nước, đôi khi thỏ mẹ ăn cả thỏ con. Thỏ mẹ chỉ nuôi con 5-6 tuần là cai sữa rồi. Mỗi năm nó đẻ 6-7 lứa...
Nếu đủ thức ăn và giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ thì thừa sức nuôi thỏ thành công.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng