Gây nhiều bệnh nguy hiểm
Cách đây nửa năm, ông Cường, 62 tuổi, còn ở tại một căn nhà mặt tiền sát ngã ba Cách Mạng Tháng Tám và Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM. Ông thường xuyên bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng và bệnh ngày một nặng hơn. Ông nói: “Đi chữa bệnh, bác sĩ nói do tôi ở ngay giao lộ thường kẹt xe và ô nhiễm không khí nặng nên khuyên tôi chuyển đến nơi khác ở. Tôi nghe lời, lên Củ Chi sống với con gái, không khí thoáng đãng và không bị ô nhiễm, từ đó bệnh đỡ hẳn”.
Một nghiên cứu của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho thấy chất lượng không khí ở TP.HCM ngày một giảm.
Tại hội thảo “Những cảnh báo mới về an toàn hô hấp” do hội Tai – mũi – họng TP.HCM tổ chức, các chuyên gia cho biết bệnh nếu không khí bị ô nhiễm, tai, mũi, họng là những cơ quan bị tấn công đầu tiên, nhưng do nhiều người nghĩ đó là những bệnh đơn giản, không cần đi bác sĩ chữa dứt điểm, vì thế dễ dẫn đến mạn tính hoặc sinh ra nhiều bệnh khác.
Ông Cường may mắn vì còn có thể chuyển đi nơi khác có không khí trong lành, còn ông Mạnh, 58 tuổi, ngụ không xa ngã ba đường Trường Chinh – Lê Trọng Tấn, quận Tân Bình, thì vô phương. Sống ở đây 40 năm, nhưng ông cho biết tình trạng kẹt xe, xả khí ô nhiễm từ xe cộ, ở đây ngày một nặng.
Về nhà sau nửa tháng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong căn nhà nhỏ độ 12m2, ông tâm sự: “Cuộc sống của tôi và gia đình thật bế tắc vì nạn ô nhiễm không khí. Bác sĩ nói tôi phải đi sống ở một nơi không ô nhiễm thì bệnh mới giảm. Nhưng cả gia đình trông vào xe bán càphê ngay nhà, đi nơi khác không biết làm ăn được không. Mà muốn đi cũng không đủ tiền mua nhà mới để ở”.
Tại một hội thảo khoa học, PGS.TS Trần Văn Ngọc, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy, chủ tịch hội Hô hấp TP.HCM, cho biết: “Ô nhiễm không khí tấn công lên hệ hô hấp gây ra COPD, viêm phế quản, đặc biệt là ung thư phổi. Tuỳ cơ địa mỗi người và cường độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm mà các bệnh này xuất hiện sớm hay muộn mà thôi”.
Chẳng lạ khi lượng bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng và dị ứng rất phổ biến ở các bệnh viện lớn nhỏ của TP.HCM. PGS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hen – dị ứng – miễn dịch lâm sàng TP.HCM, từng gọi TP.HCM là “thủ đô hen suyễn châu Á” khi mỗi năm có khoảng 3.000 ca tử vong vì hen phế quản, bên cạnh yếu tố di truyền, nạn ô nhiễm không khí chính là thủ phạm dẫn đến căn bệnh này. PGS nói: “Hơn 7 triệu xe gắn máy xả thải thì không khí còn gì trong lành”.
Chất lượng không khí xấu dần
Một nghiên cứu của trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (Green ID) cho thấy chất lượng không khí ở TP.HCM ngày một giảm. Cụ thể, nếu trong sáu tháng đầu năm 2016 chỉ có 20,5% số giờ có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở nhóm không tốt cho sức khoẻ, thì sáu tháng đầu năm 2017 con số này là 28%. Tương tự, nồng độ bụi siêu mịn PM 2,5 của sáu tháng đầu năm 2016 đạt trung bình 26,6µg/m3, nhưng của sáu tháng đầu năm 2017 là 29,96µg/m3. So đường kính của một sợi tóc là 60µm, bụi siêu mịn PM 2,5 chỉ 2,5µm, nhỏ hơn 24 lần nên xâm nhập dễ dàng vào phổi, đi vào máu và tấn công nhiều bộ phận trong cơ thể. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp bụi này vào chất sinh ung thư nhóm 1 cho con người, nhóm nguy hiểm nhất trong số năm nhóm. Không chỉ thế, PM 2,5 còn gây đột quỵ não, bệnh tim mạch, thận, Alzheimer, sa sút trí tuệ, loãng xương…
Tại TP.HCM, bụi PM 2,5 là vấn đề đáng lo ngại. Kết quả quan trắc PM 2,5 tại điểm lãnh sự quán Hoa Kỳ của Green ID trong quý 3/2017, cho thấy chỉ số AQI ở mức độ trung bình, nồng độ bụi PM 2,5 đạt trung bình 24,45µg/m3. Theo cách tính này, số ngày vượt chuẩn quốc gia là 1, nhưng nếu dựa theo chuẩn WHO, số ngày vượt chuẩn là 39.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng, trưởng phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, viện Môi trường và tài nguyên (đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết điểm quan trắc ở trên không đại diện cho cả TP.HCM, nhưng đây cũng là nơi ít bị ô nhiễm không khí. Trong khi đó, theo TS Lê Việt Phú, giảng viên đại học Fulbright TP.HCM, những ước lượng dè dặt cho thấy vào năm 2013 có hơn hơn 40.000 người chết do ô nhiễm PM 2,5 tại Việt Nam, gấp 3 – 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Tại TP.HCM, con số này lên đến hơn 3.000 người!
5 giải pháp phòng tránh ô nhiễm không khí 1. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân và hạn chế phát thải. 2. Tránh lui tới nơi ô nhiễm không khí nặng. Không hít thở sâu khi đi sau ôtô, xe máy đang gây ô nhiễm. Tránh ra ngoài vào giờ cao điểm, nơi tắc nghẽn giao thông. 3. Chọn nơi ở có không khí trong lành, tránh xa nguồn gây ô nhiễm không khí lớn. 4. Tập thể dục đúng chỗ, xa nơi ô nhiễm không khí. 5. Sử dụng khẩu trang phù hợp. (Nguồn: Green ID) |