“Giết” công viên để hốt bạc
Nhắc đến công viên Phú Lâm, người dân Sài Gòn nghĩ ngay đến câu lạc bộ Phú Lâm, quận 6, TP.HCM, mà thực chất là trung tâm hội nghị, tiệc cưới đi kèm bãi giữ xe lớn. Nhắc đến công viên Gia Định, ai cũng nghĩ đến cái rạp xiếc nằm chình ình ở nơi này từ vài ba năm qua. Hay nhắc đến công viên 23.9, quận 1, người dân sẽ nghĩ ngay đến khu B với nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên như nhà hàng, quán càphê và quán nhậu.
Công viên 23/9 là một trong những không gian công cộng thường xuyên trở thành nơi tổ chức hội chợ.
Ở công viên 23.9, nổi bật nhất là sân khấu Sen Hồng, nhưng lại có cả quán càphê GM bên trong, tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hoá lợi nhuận. Kế đến, phía trên trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được khai thác triệt để, với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden. Ở khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời… Với những hoạt động như vậy nên công viên 23.9 thường xuyên biến thành chợ hơn là dành cho người dân đi dạo, tận hưởng không khí thoáng mát vốn có.
“Công viên biến thành nơi kiếm tiền kiểu “1 vốn 4 lời” của những người, những doanh nghiệp quen biết rộng rồi mấy chú ơi. Toàn là vị trí đẹp, thuê mướn rẻ bèo như cho không, kiểu này ai làm mà không hốt bạc hả chú”, ông Tánh, một người dân sống gần công viên Kỳ Hoà, quận 10, nói như trách móc.
Theo ông Tánh, bây giờ nhắc đến công viên Kỳ Hoà, ít người biết nhưng nhắc đến quán nhậu Kỳ Hoà, ai cũng biết. Đúng thật, thử đi tìm cái bảng đề tên công viên Kỳ Hoà, khá khó. Bản thân chúng tôi, vốn không lạ gì khu vực quận 10, nhưng đi quanh khu đất trước đây là công viên Kỳ Hoà, cũng phải mất gần 20 phút mới xác định được, bởi công viên này giờ toàn bảng hiệu nhà hàng, quán nhậu bao vây tứ bề. Chưa hết, địa chỉ của công viên Kỳ Hoà là số 16 Lê Hồng Phong, nhưng đến đúng địa chỉ này lại bắt gặp một cổng chào ghi rõ: “Trung tâm hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hoà”. Bên hông chỉ dẫn thông tin tên văn phòng, quán nhậu, cửa hàng, quán càphê. Đi sâu vào trong, cái công viên bự sự này giờ chỉ còn một cụm với mấy chiếc ghế đá và con đường nội bộ hướng từ Lê Hồng Phong sang Sư Vạn Hạnh. “Ở đây, từ sáng sớm đến khuya là nơi hoạt động của quán xá, chứ không phải là nơi dành cho người già tản bộ, trẻ em nô đùa. Bởi không ai vào công viên để nghe âm thanh chát chúa hay ngửi mùi khói thuốc, bia rượu quyện vào không khí cả”, ông Tánh nói, và cho biết thêm ông rất buồn vì những chỉ đạo của thành phố hình như không ngăn được những nhóm người cố tình trục lợi từ công viên. Hồi đầu năm 2013, UBND TP.HCM đã có những chỉ đạo chấm dứt việc cho thuê kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán xá trong công viên, nhưng từ đó đến nay, tình trạng này không giảm mà còn nở nồi!
Sở GTVT cũng muốn chiếm công viên
Song song với chỉ đạo dẹp quán xá giành lại công viên cho người dân thành phố vui chơi, tập thể dục, chủ tịch UBND thành phố còn “bất ngờ” bác đề xuất phương án xây dựng bãi đậu xe cao tầng lắp ghép tại năm khu đất phần lớn là… công viên. Đó là ở khu C công viên 23.9; khu vực công trường Lam Sơn, sau Nhà hát thành phố; khu vực công viên Lê Văn Tám, đường Hai Bà Trưng; công viên Tao Đàn, đường Trương Định, đều ở quận 1; phía trước sân vận động Thống Nhất, đường Lý Thường Kiệt, quận 10…
Đây là đề xuất của sở GTVT TPHCM. Đã có không ít các ý kiến phản bác của chuyên gia khi sở GTVT “nương theo” ý định của nhà đầu tư làm tham mưu và trình UBND đề xuất này, nhưng sở này vẫn giữ quan điểm cho rằng “do thiếu nơi đỗ xe ôtô khu trung tâm trầm trọng nên…”.
Việc UBND TP.HCM bác đề xuất trên của sở GTVT đã được các chuyên gia đánh giá là đúng đắn, vì nếu xây dựng thêm các bãi đậu xe ở trung tâm, tình hình ùn tắc trong nội thành có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Thêm nữa, diện tích công viên của thành phố vốn đã ít ỏi, nếu cho xây thêm các bãi đậu xe sẽ khiến người dân thêm bức xúc. Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng không nên bỏ tiền, bỏ đất ra để phục vụ lợi ích của một nhóm người. Bằng chứng là hiện tại, ở khu trung tâm thành phố nhiều toà nhà ỷ lại không xây tầng hầm hoặc xây với số lượng hạn chế, để tối đa hoá lợi nhuận. Rồi khi khách đến không có chỗ đậu xe, tài xế buộc phải đậu ngoài đường. Do đó, thành phố cũng cần có những ràng buộc đối với các toà nhà, cao ốc mới xây dựng phải đảm bảo đủ chỗ đậu xe cho chính toà nhà đó và dôi dư ra cho xe bên ngoài. Đó là cách hay nhất để giải quyết bài toán thiếu chỗ đậu xe ở khu trung tâm trong tình hình hiện tại.