Học sinh nghẹn ngào khi nghe thầy giáo nói về lời xin lỗi Trong tiết chào cờ sáng 8/1, khoảng 900 học sinh trường THCS Nhật Tân, Hà Nội, xúc động vì những lời chia sẻ của thầy Nguyễn Thành Nhân khi bạn trẻ vô tâm với bố mẹ.
"Tại những ngôi trường tôi đến lần đầu tiên, khi thầy cô mới giới thiệu, học sinh nói chuyện rất nhiều. Tuy nhiên, sau ít phút, những tiếng xì xào, cười đùa thưa thớt dần, thay vào đó là những giọt nước mắt", TS Nguyễn Thành Nhân - người xuất hiện trong video nói về giá trị của lời xin lỗi khiến học sinh trường THCS Nhật Tân, Hà Nội, nghẹn ngào - tâm sự.
Buổi nói chuyện trên diễn ra vào tiết chào cờ sáng 8/1, TS Nhân nói về “cách ứng xử với cha mẹ, thầy cô”. Nhiều học sinh xúc động, không cầm được nước mắt.
Ông Nhân cho rằng nhiều trẻ em thiếu kỹ năng trong cuộc sống, cần sự quan tâm định hướng của người lớn.
Khơi gợi tình cảm để tác động học trò
TS Nhân cho hay trong chuyến công tác ở miền Bắc kéo dài 6 ngày này, ông có 15 buổi làm việc tại Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng và Nam Định. Ngoài cách ứng xử trong gia đình, ông còn đề cập nhiều chủ đề khác với học sinh như "Vô cảm" và "Sống 3 trách nhiệm: Trách nhiệm với xã hội - trách nhiệm với bản thân - trách nhiệm với cộng đồng".
Trong đó, chủ đề "Sống 3 trách nhiệm" được ông đề cập trong buổi nói chuyện sáng 11/1 tại trường THPT An Lão, TP Hải Phòng. Ông bảo trong số hơn 1.000 học sinh, nhiều em rơi nước mắt, dù đó không phải bài giảng cảm xúc.
Người cố vấn về giáo dục và tâm lý cho biết thậm chí, chính các em là người đã tạo cảm xúc cho ông trong buổi nói chuyện đó.
"Sau những buổi trao đổi như vậy, thái độ của trẻ có thể thay đổi 30%-40%. Tuy nhiên, nếu có thêm sự chia sẻ từ phía phụ huynh, con số có thể tăng lên 60%-70%", ông nói.
TS Nhân nhấn mạnh quan trọng nhất vẫn là sự thay đổi trong hành vi, rèn luyện thói quen và ý thức trách nhiệm của các bạn nhỏ. Tổng hòa những yếu tố đó mới tạo ra sự thay đổi tích cực bền vững trong các em.
TS Nhân hy vọng những bài học của ông sẽ góp phần thay đổi cuộc sống của các bạn trẻ, khiến họ trở nên hạnh phúc và thành công hơn trong tương lai.
Bên trong mỗi đứa trẻ là một thiên thần
TS Nguyễn Thành Nhân cho rằng bên trong mỗi đứa trẻ đều có cảm xúc nhưng từ lâu không ai nhắc đến. Do đó, khi có người chạm tới, cảm xúc trỗi dậy mạnh mẽ.
Ông cho hay tại hàng trăm ngôi trường ông đặt chân tới, khoảng 90% học sinh thừa nhận yêu cha nhất trên đời và 95% dành tình cảm cho mẹ. Tuy nhiên, khi được hỏi bao nhiêu người đã khiến cha mẹ tổn thương, ở nhiều trường, số cánh tay giơ lên là 100%.
"Phần lớn thanh thiếu niên sống hướng thiện. Các em có những tình cảm tốt đẹp dành cho ba mẹ và người thân. Chỉ là đôi khi, những cảm xúc đó ngủ quên trong vòng xoáy của đời sống hiện đại với quá nhiều cám dỗ và những trào lưu chưa tốt", người đàn ông này nhận định.
Chia sẻ về bí quyết có thể chạm vào trái tim của những cô, cậu bé ở lứa tuổi khó bảo, TS Nhân cho biết trong mỗi buổi nói chuyện, ông luôn cố gắng nói bằng cả tấm lòng. Trẻ dễ nhận ra lỗi của mình, chỉ cần người lớn khéo léo một chút. Nếu làm căng, cái tôi của trẻ sẽ trỗi dậy, dẫn đến hành động phản kháng.
Cha mẹ nào cũng thương con nhưng cách thể hiện khác nhau. Cuộc sống hiện đại ngày càng khó khăn và áp lực, điều quan trọng nhất vẫn là phải làm chủ cảm xúc. Cả cha mẹ và con đều mất bình tĩnh, sẽ không có bài học nào cả.
Nếu ba mẹ giúp con ý thức được rằng phê bình của mình là nhằm vào hành động chưa đúng, chứ không phải phê bình con người của trẻ, không phải “dán nhãn” những điều tiêu cực vào chúng, ba mẹ vẫn luôn thương yêu con vô điều kiện, mối quan hệ và tương tác giữa hai bên sẽ ổn hơn rất nhiều.
TS Nguyễn Thành Nhân từng tham gia chương trình đào tạo Lãnh đạo trẻ Teen Leaders (tuyển lựa những bạn trẻ xuất sắc và giúp các bạn phát triển năng lực qua việc học với các chuyên gia, trải nghiệm và rèn luyện tại các trường đại học ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu); Hành trình ước mơ (định hướng và phát triển nghề nghiệp cho teen); Sống mạnh mẽ... Ông còn tham gia biên soạn bộ sách Sống có giá trị (NXB Trẻ), Chìa khóa của thành công, Dạy con thời hiện đại, Cha là bóng cả đời con, Vì con cần có mẹ (NXB Đại học Sư phạm TP.HCM). |