Hồi 7 giờ sáng 5.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10-12 độ vĩ Bắc, 113-115 độ kinh Đông, dự báo trong khoảng 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây tây bắc, có khả năng mạnh thêm.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, nên khu vực giữa và nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam), vùng biển ngoài khơi các tỉnh nam Trung Bộ có mưa rào và giông diện rộng. Tầm nhìn xa giảm mạnh trong mưa, trong cơn giông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Vì vậy, tàu thuyền đang còn nằm trong các vùng biển trên cần nhanh chóng thoát ra để đảm bảo an toàn. Cần chú trọng theo dõi hướng di chuyển, sự phát triển của vùng áp thấp này trong thời gian tới.
Trên đất liền do ảnh hưởng của nhiễu động đới gió đông trên cao hoạt động mạnh dần lên, ngày và đêm 4.11, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa thu được tính từ 7 giờ ngày 4.11 đến 7 giờ ngày 5.11 phổ biến từ 50-100mm. Các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng mưa nhiều hơn 100-150mm. Một số nơi mưa đặc biệt lớn như Thượng Nhật 353mm, Nam Đông mưa nhiều nhất 471mm.
Mưa diện rộng đã sinh ra một đợt lũ lớn ở các địa phương trên. Lúc 7 giờ ngày 5.11, các trạm thuỷ văn trong khu vực quan trắc được mực nước trên các sông như sau: sông Bồ tại Phú Ốc mực nước lên tới 2,97m, xấp xỉ mức báo động I; sông Hương tại Kim Long mực nước lên đến 2,73m, trên cấp báo động II là 0,73m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 6,92m, trên báo động I là 0,42m.
Dự báo do mưa vẫn còn tiếp diễn nên lũ trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi vẫn tiếp tục dâng cao. Đến 19 giờ ngày 5.11, mực nước các sông khả năng lên mức như sau: sông Bồ tại Phú Ốc đạt mức 4m, dưới cấp báo động III là 0,5m; sông Hương tại Kim Long lên tới 3,8m, trên báo động III là 0,3m; các sông Quảng Nam và Đà Nẵng mực nước lên gần mức báo động II.
Người dân khu vực miền núi tại các địa phương trên cần đề phòng mưa lớn sinh lũ quét, sạt lở đất đá bất ngờ gây thiệt hại về người và tài sản.
Lưu Minh Hải