Dân Việt

VKS đối đáp lời tự bào chữa của ông Đinh La Thăng ra sao?

Lương Kết 15/01/2018 09:14 GMT+7
Sáng nay (15.1), phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã đối đáp với phần bào chữa của các luật sư (LS) cho các bị cáo trong vụ án, cũng như đối đáp với phần các bị cáo tự bào chữa.

Theo đại diện VKS, về vấn đề chỉ định thầu, tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai PVN chỉ định thầu với Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) tại dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, xuất phát từ chủ trương theo Kết luận số 41 năm 2016 của Bộ Chính trị liên quan đến chiến lược phát triển PVN năm 2015 tầm nhìn 2025, chỉ thị của Bộ Chính trị về người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương của Chính phủ…

img

img

Đại diện VKS đối đáp tại tòa. (Ảnh: TTXVN).

“Tuy nhiên, Kết luận số 41 của Bộ Chính trị khóa 10 đưa ra chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015, ngành kinh tế quan trọng bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến... xây dựng PVN vững mạnh, kinh doanh trong nước, quốc tế… Như vậy, Kết luận 41 của Bộ Chính trị không đưa ra các quy định cụ thể, không đề cập đến dự án NMNĐ Thái Bình 2 và càng không đề cập đến việc chỉ định thầu cụ thể” - vị đại diện VKS nói.

Vẫn theo vị đại diện VKS, công văn của Chính phủ trả lời văn bản của PVN do bị cáo Đinh La Thăng ký về việc đề xuất cho PVC làm tổng thầu dự án thông báo ý kiến của Thủ tướng cho thấy, Thủ tướng chỉ đạo PVN lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện, có hồ sơ mời thầu, đảm bảo tiến độ.

“Như vậy có đủ cơ sở khẳng định, Chính phủ không có bất cứ văn bản nào đồng ý cho PVN lựa chọn PVC làm nhà thầu như một số LS đề cập, mà Chính phủ yêu cầu phải chọn nhà thầu có đủ kinh nghiệm, năng lực”, vị đại diện VKS nói thêm.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị cáo Đinh La Thăng trong quá trình thực hiện dự án NMNĐ Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Sau đó, bị cáo Đinh La Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Với hành vi nêu trên, bị cáo Đinh La Thăng bị đại diện VKSND TP.Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đề nghị xử phạt mức án 14 - 15 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.