Sáng 14/1, tại chương trình giao lưu “Chuyện được kể từ Harvard” ở Hà Nội, chị Hồ Thị Hải Âu - tác giả sách “Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu” chia sẻ với hàng trăm độc giả câu chuyện về phương pháp dạy con do bản thân đúc kết, “không nhìn sang Đông cũng chẳng ngoái sang Tây”.
Cuốn sách được bà mẹ đơn thân viết trong hai năm, từ lúc con gái Lã Hồ Minh Khuê nhập học tại Harvard được bốn tháng. Hiện Minh Khuê đã là sinh viên năm 4, có mặt trong buổi giao lưu để cùng mẹ kể lại hành trình bước ra thế giới.
Làm bạn của con, không làm người quản lý
Trở về nước trong kỳ nghỉ cuối cùng của thời sinh viên, Minh Khuê chia sẻ thích tâm sự với mẹ về chuyện tình yêu, bên cạnh những câu chuyện quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như lúc trước. Cô sinh viên 21 tuổi giải thích giữa hai mẹ con từ bé đến lớn gần như không có khoảng cách.
“Mẹ là người rất tâm lý, luôn hiểu con gái cần những gì. Một người phụ nữ hiện đại phải có sự nghiệp thành công, biết giao tiếp tốt, có nhiều bạn, chăm lo chồng con nhưng vẫn phải đẹp. Mẹ hiểu điều đó rất thấu đáo và ủng hộ em ăn mặc đẹp, chăm chút ngoại hình”, Khuê kể.
Để gần gũi với con, chị Hải Âu luôn cố gắng trẻ hóa bản thân, khuyến khích con nói chuyện bằng khẩu ngữ với mẹ như với bạn bè cùng trang lứa. Trái với những ông bố bà mẹ luôn giám sát và đề phòng mọi thứ, chị tin rằng chúng ta không thể thay đổi cuộc sống nhưng có thể thay đổi bản thân.
Chị Hồ Thị Hải Âu được con gái xem là bạn thân. Ảnh: Thùy Linh
“Hôm nay bạn là mẹ của một đứa con hai tuổi, nhưng 10 năm sau bạn sẽ là mẹ của một đứa con 12 tuổi. Bạn không thể mang tâm lý của một người mẹ có con hai tuổi mãi được mà hãy trưởng thành lên. Tuy nhiên, tâm hồn bạn cũng phải trẻ trung như lứa tuổi của con để có cơ hội được con chia sẻ. Nếu muốn làm một người quản lý, kiểm soát và dè chừng thì bạn sẽ không thành công”, chị Hải Âu bày tỏ quan điểm.
Cách tiếp cận này không đồng nghĩa với việc hai thế hệ luôn đồng quan điểm và vui vẻ với nhau. Khuê ngày bé cũng phải chịu sự uốn nắn của mẹ và nhiều lúc ấm ức khi cảm thấy mẹ không hiểu mình. Tuy nhiên, tác giả cuốn sách dạy con được tái bản lần thứ bảy chỉ sau hơn hai năm ra mắt, khẳng định điểm mấu chốt trong quan hệ gia đình là phải biết chấp nhận khác biệt giữa các thành viên.
“Các thế hệ mãi mãi không bao giờ có thể hiểu nhau. Chúng ta cần đặt điều đó sang một bên, đừng phán xét nó. Đừng trách móc tại sao mẹ không hiểu con, tại sao con không hiểu mẹ. Hãy nhìn vào ánh mắt, niềm đam mê và khát vọng của con, nếu cảm thấy bản chất của việc đó là thiện lương, hãy ủng hộ bằng tất cả trái tim và trí tuệ của mình”, chị Hải Âu nói.
Chị lưu ý rằng dù không áp đặt con nhưng khi con chưa đủ tuổi thành niên, có những việc bố mẹ phải đứng ở vị trí là người quyết định. Biết nhu biết cương, bạn mới không sa vào tình yêu con mù quáng.
Không dạy con học giỏi để kiếm nhiều tiền
Nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó sẽ dừng cuộc hành trình với con, chị Hải Âu cố gắng yêu thương con trong sự nghiêm khắc, chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết để tự mình đương đầu với cuộc sống.
Cho con học piano, học vẽ, bơi lội, ngoại ngữ từ khi còn bé, chị bị nhiều người đặt câu hỏi: “Học nhiều thế thì sau này làm gì?”. Áp lực vô cùng lớn, từ việc tự mình nuôi con cho đến việc kinh tế không dư giả, con không có nhiều biểu hiện của năng khiếu bẩm sinh, gia đình không có truyền thống nghệ thuật, chị vẫn quyết tâm mua đàn, thuê thầy piano giỏi cho Minh Khuê.
“Một người nghệ sĩ biểu diễn bản nhạc trên sân khấu cần mất 14-18 năm khổ luyện, mỗi ngày 6-10 tiếng. Khi con tôi học đàn, nó biết yêu và cảm thụ cái đẹp, hiểu về sự nhẫn nại và giá trị của lao động đích thực”, bà mẹ một con cho biết, đồng thời lý giải mục đích cuối cùng của việc dạy dỗ không phải để con kiếm được nhiều tiền. Việc làm quen với nghệ thuật giúp Minh Khuê vui vẻ, trở thành người hạnh phúc và giảm bớt được những áp lực khác trong cuộc sống.
Là một trong 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Harvard, Minh Khuê không bị cuốn theo lịch học dày đặc. Ngoài các môn trí tuệ, Khuê vẫn chơi đàn và vẽ, dự triển lãm tranh ở trường và mở rộng các mối quan hệ.
Video chị Hải Âu chia sẻ tại buổi giao lưu.
Khuê khẳng định sai lầm của nhiều học sinh khi chọn trường đại học là bị ảnh hưởng bởi danh tiếng, thứ hạng của trường, chỉ mong có được tấm bằng tốt, tìm được một công việc lương cao, làm hài lòng bố mẹ. Mục tiêu này sẽ làm mất đi vẻ đẹp và ý nghĩa của việc học tập.
Nếu ai muốn nghiên cứu nghệ thuật hoặc kỹ sư, Harvard có thể không phải là nơi có thế mạnh. Bạn cần tìm hiểu những trường chú trọng vào lĩnh vực mình đam mê, dù danh tiếng có thể không bằng. Chỉ khi tìm đúng môi trường để phát triển, bạn mới có chỗ đứng trong cộng đồng, được mọi người công nhận.
Theo học triết và tâm lý, Khuê bị nhiều người nghi ngại về tương lai sau khi ra trường. Họ cho rằng học kinh tế mới có thể kiếm tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, trường Harvard đã cho em cách suy nghĩ cần thả lỏng bản thân, làm đầy tri thức theo đúng hướng đi mình mong muốn.
“Sau khi tốt nghiệp, em sẽ tiếp tục học để thực hiện ước mơ trở thành luật sư. Trong thời gian đó, em vẫn theo đuổi nghệ thuật, giao lưu bạn bè, đi du lịch khắp nơi. Đại học chỉ là một phần rất bé của cuộc sống, không phải một cột mốc để mình dừng lại, bị hẫng rồi tự hỏi bây giờ bản thân phải làm gì”, Khuê nói.
Tự giáo dục bản thân trước khi làm cha mẹ
Giáo dục sớm đang là xu hướng tại Việt Nam. Nhiều người cho con đi học tiếng Anh khi còn rất nhỏ. Chị Hải Âu không phản đối cách làm này, nhưng theo chị, giáo dục sớm nhất là phụ huynh phải tự giáo dục bản thân trước khi làm cha mẹ. “Thế giới phát triển rất nhanh chóng, nếu bố mẹ không có khả năng tự học hỏi trên tinh thần khiêm nhường và cầu thị thì chúng ta rất khó dạy con tốt hơn”, chị lý giải.
Muốn con giỏi tiếng Anh, chị Hải Âu chú trọng cả về tư duy ngôn ngữ. Theo chị, trước khi thành thạo một ngôn ngữ thứ hai, trẻ phải giỏi tiếng mẹ đẻ, có vốn từ tiếng Việt phong phú, biết cách truyền đạt diễn cảm.
Năm Khuê 4 tuổi, rất thích vầy nước, chị Hải Âu nắm bắt cơ hội này để cho con học bơi, một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Chị nghĩ trẻ nhỏ chưa ý thức hết về hiểm nguy, không biết sợ nên dễ tiếp thu hơn người lớn. Tuy nhiên, khi đưa con đi tìm lớp, các huấn luyện viên đều từ chối với lý do trẻ phải biết nghe mệnh lệnh, hiểu khái niệm thì mới dạy được.
Chị thuyết phục một huấn luyện viên dạy bằng trực quan sinh động, cùng nín thở và nghịch nước với Khuê. Kết quả, chỉ trong 5 ngày, Khuê đã bơi được 12 vòng liền ở bể 50m, sâu 5,8m của người lớn. “Trước khi muốn giáo viên hiểu con thì bạn phải hiểu chúng trước đã”, chị kết luận.
Chị Hồ Thị Hải Âu và bạn Lã Hồ Minh Khuê được nhiều phụ huynh và học sinh xem là tấm gương về phương pháp nuôi dạy con. Ảnh: Thùy Linh
Trong gần 21 năm, tuy bất đồng nhiều về quan điểm với con nhưng sâu trong lòng chị Hải Âu tự hào về điều đó, bởi Minh Khuê dần trở nên độc lập và có thể sống trong một xã hội rộng lớn hơn trước đây.
“Làm cha làm mẹ là luôn phải nỗ lực, không ai khác hành động thay bạn. Người hành động nhiều là người mắc sai lầm nhiều nhất. Nhưng điều khiến chúng ta sáng suốt hơn chính là lòng bao dung, tình yêu thương con vô điều kiện", chị chia sẻ.