Dân Việt

"Từ thương vụ Sabeco, phải tính toán kỹ khi thoái vốn Nhà nước"

Thanh Xuân 15/01/2018 14:41 GMT+7
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành công thương sáng nay, 15.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ thương vụ của Sabeco, cần lưu ý các đơn vị còn lại như Habeco phải tính toán thật kỹ khi tiến hành thoái vốn thời gian tới đây.

img

Thủ tướng yêu câu, từ thương vụ của Sabeco phải tính toán thật kỹ khi tiến hành thoái vốn tới đây.  (Ảnh: IT)

Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày tại hội nghị cho biết, năm 2017, ngành Công thương đạt được những kết quả hết sức tích cực trên các mặt công tác. Với tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành Công thương đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt, đóng góp tích cực vào kết quả đạt được trong bức tranh kinh tế - xã hội chung của cả nước.

Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%, là mức tăng rất ấn tượng trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước. Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp tổng kết ngành Công Thương sáng nay. (Ảnh: VGP)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong hội nghị lần này, Bộ Công Thương đã mời các doanh nghiệp, hiệp hội để nghe được rất nhiều ý kiến, nhất là các ý kiến của các địa phương để từ đó có các giải pháp thực hiện tốt hơn. Thủ tướng cũng cho biết, năm 2017, nhiều yếu tố ảnh hưởng như Biển Đông, Hiệp định TPP bị trục trặc và khuyết điểm dự án thua lỗ trước đây làm nhột trí sự phát triển. Trong hoàn cảnh đó, ngành công thương đã đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn.

“Chúng ta vui mừng với những thành quả của ngành công thương đã đạt được, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc 2017. Hội nghị trước tôi đã nhắc Bộ Công Thương có vấp nhưng không ngã. Tới Hội nghị này thì Bộ Công Thương đã rất thành công, uy tín của ngành công thương được nâng lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho biết, trong ngành công thương, Tập đoàn Dầu khí quố gia hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước cho thấy đã có sự quyết tâm của tất cả các thành viên; Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam tuy gặp khó khăn nhưng nói chung là có lãi. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 4 đơn vị khó khăn, 18 đơn vị còn lại có lãi là điều đáng mừng. Đáng nói  nhất là dệt may Việt Nam, dù khó khăn nhưng tăng trưởng cao nhất, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tập đoàn Điện lực Việt Nam không những cung cấp điện đầy đủ cho quốc gia mà còn góp phần đưa chỉ số tiếp cận điện năng vượt 32 bậc…

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Bộ trưởng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự Hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đề ra 10 chữ: “kỷ cương, niêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”,  Bộ Công Thương nên thực hiện “đổi mới đối mới hơn nữa, quyết liệt quyết liệt hơn nữa, sáng tạo sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hiệu quả hơn nữa”.

Thủ tướng cũng cho biết, Tập đoàn Xăng dầu quốc gia cũng có lợi nhuận tăng mạnh, đặc biệt là cổ phiếu từ khi lên sàn đã tăng gấp đôi. Các doanh nghiệp khác như Tổng công ty thuốc lá, Habeco và đặc biệt là Sabeco là thương vụ lớn nhất, tiến hành cổ phần hóa thoái vốn đã bán được 110.000 tỷ đồng từ bán đấu giá.

Qua thương vụ này cũng cho thấy đã chống được tham ô, lãng phí, thất thoát hay chỉ nghe tư vấn một chiều khi tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước… Từ thương vụ của Sabeco, Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị còn lại như Habeco phải tính toán thật kỹ khi tiến hành thoái vốn thời gian tới đây.

Thủ tướng cũng cho biết, các doanh nghiệp tư nhân khác như Vingroup, Trường Hải… cũng đều đạt kết quả kinh doanh tốt. Qua đó cho thấy kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Thủ tướng cũng biểu dương mức tăng trưởng công nghiệp của rất nhiều địa phương trong năm 2017 rất cao như Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM…

“Phi công bất phú, không làm công nghiệp sao có thể giàu có được. Trước đây nhiều địa phương rất nghèo, khó khăn nhưng từ khi phát triển công nghiệp cùng dịch vụ đã vượt qua được khó khăn”. Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng khái quát các kết quả khác của Bộ Công Thương trong năm 2017 như, mạnh dạn đi đầu trong các bộ ngành cắt bỏ thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư kinh doanh; tích cực xử lý 12 dự án thua lỗ đồng thời triển khai tái cơ cấu bộ máy tổ chức, cắt bỏ 5, cục, vụ, đơn vị…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công Thương có sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rất tốt trong công tác điều hành, quản lý.

Vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn dài hạn. Kể cả cán bộ các cấp, các ngành cũng như ngay Bộ Công Thương, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, thậm chí biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Phải cụ thể hóa về thể chế, chính sách. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp. Chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tránh tình trạng "đẽo cày giữa đường", tránh tạo ra thói làm ăn chụp giật, phải tạo môi trường đầu tư ổn định, bền vững, thống nhất. Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương cần nhìn tấm gương đi trước của các nước công nghiệp phát triển để rút ra những bài học chiến lược của Việt Nam giai đoạn tới.

Yêu cầu tập trung phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng lưu ý “đừng để thua trên sân nhà”. “Nhân đây, tôi cũng nói về hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều đại biểu Quốc hội nói với tôi thế này, ông phải nâng cao tâm thế, uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường chứ không phải chỉ đơn giản yêu cầu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hoan nghênh ý tưởng của Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước để lắng nghe doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng.

Phải đẩy mạnh đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước, “đừng để giả dối chiến thắng chân chính”.

“Tôi đề nghị các đồng chí một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động sống động, quyết liệt sẽ đặt ra cho ngành Công Thương để hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu năm 2018, đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập phát triển đất nước. Các đồng chí lớn mạnh thì Chính phủ, đất nước lớn mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng vào ngành công thương.