Dân Việt

Muộn phiền muôn cách "săn" vé xe dịp tết

Thảo Vy 16/01/2018 06:30 GMT+7
Tết Nguyên đán sắp đến cũng là lúc những người con xa quê khấp khởi, trông mong từng ngày để về nhà. Chính vì thế, trong dịp này vé xe tết đang là thứ được nhiều người quan tâm, săn đón để không bị lỡ cái tết với gia đình. Thế nhưng, mua được tấm vé của hãng xe chất lượng, uy tín không phải là điều dễ dàng đối với nhiều người.

“Săn vé” hàng ngày

Theo khảo sát của PV với nhiều sinh viên Nghệ An, Hà Tĩnh đang học tại Hà Nội, hầu hết các em đều cập nhật thông tin liên tục thông qua các kênh như trang bán vé điện tử, mạng xã hội Facebook hoặc gọi điện trực tiếp nhằm nắm bắt thông tin kịp thời cho việc săn vé.

img

Có được tấm vé tốt là công sức cả buổi sáng đến đăng ký, chờ đến lượt mua. Ảnh: T.V

Đặc biệt, nếu muốn mua được vé tốt vào ngày mở bán, hành khách còn phải canh me hàng giờ. Anh Trần Trung Quân (Hà Tĩnh) khi đang chờ đợi mua vé xe chia sẻ: “Tôi ra phòng bán vé từ lúc 4 giờ sáng đã thấy rất nhiều người đứng chờ trước đó. Đến khi được phát số thứ tự lại phải canh cho đến lượt mình, nếu để qua lượt sẽ rất khó mua vé đúng ngày mình cần”.

Cứ mỗi dịp tết về, những người con xa quê lại phải đối mặt với cuộc chiến săn vé xe bởi ai cũng muốn có được chỗ ngồi, chỗ nằm đàng hoàng trên xe. Không ai muốn cái cảnh bị nhồi nhét trên những chiếc xe chật ních người trên đường về quê ăn tết – một tình trạng năm mà nào cũng có.

Những chuyến xe “dở từ A đến Z”

“Năm ngoái mình đặt mua vé sớm, cầm chiếc vé xe trên tay với thông tin ghế/giường rõ ràng nhưng khi lên xe mình phải ngồi trên lối đi suốt cả 7 tiếng. Trên xe thì chật chội, hôi hám, bí bách bởi nhà xe cố nhét khách như thùng chở hàng, về được đến nhà mệt không tả nổi”, chị Nguyễn Vân Anh (Nghệ An) ngao ngán khi nhớ lại chuyến xe về quê cách đây 1 năm trước. Câu chuyện của chị Vân Anh cũng là hoàn cảnh của rất nhiều người khác khi gặp phải những nhà xe kém chất lượng.

img

Lần lượt đăng ký tên và số điện thoại để mua được vé xe tốt. Ảnh: T.V

Tình trạng bị nhồi nhét vẫn luôn là là vấn đề gây bức xúc nhất của hành khách trong các dịp lễ, dịp tết. Song khi được góp ý, phản hồi thì nhà xe lại làm lơ hoặc tỏ thái độ hách dịch còn khách hàng đành chịu thiệt cho qua để về nhà càng sớm càng tốt.

Bác Đặng Hữu Sơn (Hà Tĩnh) cũng là người từng một lần gặp phải chuyến xe mà bác đánh giá là “dở từ A đến Z”. Khi nói về tình trạng này, bác cho biết: “Khi khách mua vé và ngồi trên xe, nhà xe tự cho mình quyền nắm đằng chuôi, bởi vé khách đã mua, tiền họ đã thu và họ nắm tay lái. Khách mặc dù khổ sở nhưng phải tặc lưỡi bỏ qua, nghĩ rằng chịu khó ít tiếng là thoát nạn. Tôi đã từng như vậy, tâm lý của nhiều người cũng vậy thôi”.

Thậm chí, ngoài chất lượng phục vụ kém, một số nhà xe còn gian dối về thời gian, địa điểm xe với khách hàng nhằm kiếm thêm lợi nhuận. Chị Phan Thị Minh (Thanh Hóa) kể lại rằng: Có năm trước khi ra bến xe, chị đã gọi điện kiểm tra lại số xe, thời gian xuất hành và điểm dừng và nhà xe cũng xác nhận thông tin chắc như đinh đóng cột. Tuy nhiên khi đến bến, đúng là có xe của hãng ở đó nhưng không đúng số xe, tài xế bảo chị phải đi chuyến khác. Hóa ra dịp tết khách nhiều, hãng tăng cường bằng cách cho xe đỗ ở ngoài bến. Thế là chị đành phải chấp nhận tay xách nách mang, quay ra khỏi bến xe và cuốc bộ thêm đoạn đường nữa để lên đúng xe của mình.

Khi mà vào dịp tết, muôn chuyện thở dài xoay quanh tấm vé xe, có thể thấy nhu cầu của người dân về việc đi lại vẫn chưa được đáp ứng thỏa đáng. Thực tế là số lượng xe dịch vụ tốt dường như vẫn ít, khiến cho người người vẫn phải đi săn vé, nhà nhà vẫn phải lo lắng trước đủ thứ “trò đùa” mà hãng xe kém chất lượng bày ra.

Chờ mong vé tốt

Hơn bao giờ hết, những người xa quê luôn mong muốn không phải lo chuyện vé xe mỗi dịp tết đến xuân về. Trên thực tế, có những hãng xe uy tín, chất lượng, không tăng giá vé vào dịp lễ đã được rất nhiều người tin dùng, gắn bó năm này qua năm khác. Khi mà nhà xe cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, xem khách hàng là thượng đế, thì mặc dù phải chờ đợi, khách cũng vui vẻ và mãn nguyện – đôi bên cùng có lợi.

Song tại sao vẫn còn những tồn tại, bất cập trong câu chuyện vé xe tết? Có lẽ, với những hãng xe làm mất lòng khách, họ chưa hiểu trọn bài học kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong các dịp lễ, họ chỉ thấy những chiếc xe đầy khách, nghĩa là có lợi nhuận mang về chứ không hiểu rằng, khách chỉ chọn mình khi không còn cách nào khác. Nếu cải thiện chất lượng cũng như văn hóa, thái độ phục vụ, hành khách sẽ tự đến với nhà xe chứ không cần phải vẫy gọi, chèo kéo như trước nữa.

Cầu lớn hơn cung và ai cũng mong vé tốt, tại sao các nhà xe không thể “làm mới” chính mình?