Dân Việt

Ngân hàng áp cách tính lãi theo 365 ngày: Người gửi thiệt, người vay được lợi

Quốc Hải 16/01/2018 13:28 GMT+7
Hàng loạt ngân hàng như Eximbank, ACB, BIDV, VIB… đã thông báo về việc thay đổi cách tính lãi đối với người gửi tiết kiệm và vay tiền kể từ đầu năm 2018 theo 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây. Với cách tính này, người gửi tiền sẽ chịu thiệt đôi chút, nhưng người đi vay sẽ bớt áp lực trả lãi.

Sự thay đổi này nhằm tuân thủ Thông tư số 14/2017 ban hành ngày 29.9.2017 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Theo đó, với các khoản gửi có kỳ hạn trước ngày 1.1.2018, các ngân hàng thực hiện cách tính như cũ cho đến khi hết hạn. Riêng tiền gửi không kỳ hạn sẽ được áp dụng ngay theo quy định mới.

img

Từ 1.1.2018, cơ sở tính lãi sẽ thay đổi thành 365 ngày/năm thay vì 360 ngày/năm như trước đây (Ảnh: IT)

Trước đó, đa phần các ngân hàng vẫn tính lãi (cho vay và gửi) với cách quy ước trên hợp đồng là 360 ngày, trong khi số ngày thực tế trong năm là 365 hoặc 366 ngày. Điều này dẫn đến khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trên hợp đồng về lãi suất ngày thì tính trên số ngày quy ước là 360 ngày, sẽ xảy ra vướng mắc khó giải quyết, thậm chí khiếu nại kéo dài giữa khách hàng và ngân hàng về việc áp dụng số ngày trong một năm để tính, thu, trả lãi...

Với cách tính lãi mới này, người gửi tiền và người đi vay sẽ chịu tác động như thế nào. Theo LS.TS Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, tính toán người gửi tiền sẽ chịu thiệt đôi chút và người đi vay sẽ bớt áp lực trả lãi.

Ví dụ người gửi tiền gửi 220 triệu đồng, kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 8,8%/năm gửi ngày 07.07.2017, đáo hạn là 07.08.2018. 

Với cách tính theo 360 ngày theo công thức: [số tiền gửi thực tế x lãi suất tính lãi (%/năm) x số ngày thực gửi]/360 thì số tiền lãi sẽ được tính như sau: tiền lãi = [220.000.000 đồng x (365 + 31) x 0.088]/ 360 = 21.296.000 đồng. Cùng số tiền này và công thức này áp cho 365 ngày, người gửi tiền sẽ nhận được lãi thực lĩnh là 21.004.273 đồng. Như vậy, số tiền lãi thực lĩnh sẽ giảm 292 nghìn đồng và người gửi tiền bị thiệt mất 5 ngày tính lãi. 

"Như vậy,  số tiền lãi thực chất được lĩnh giảm tương đương với 0,13% trên số tiền gửi. Với  ví dụ trên thì lãi suất thực lĩnh của người gửi tiền cho kỳ hạn 13 tháng giảm đi 0,13%, tức nếu gửi với lãi suất là 8,8%/năm thì lãi suất thực gửi so với trước chỉ còn 8,67% , giảm không đáng kể và được xem như không thay đổi”, ông Tín tính toán.

Cùng số tiền 220 triệu đồng,kỳ hạn 13 tháng, lãi suất 8,8%/năm gửi ngày 07.07.2017, đáo hạn là 07.08.2018 nhưng là tiền vay thì lại khác.

Cũng với công thức: Tiền lãi phải trả cho món vay = [số tiền vay thực tế x lãi suất tính lãi (%/năm) x số ngày thực vay]/365 thì người đi vay phải trả lãi ít hơn so với cách tính 360 ngày. 

“Theo đó, tiền lãi vay sẽ giảm đi mức 0,13% trên dư nợ, tức lãi suất vay sẽ giảm đi khoảng 0,13% cho ví dụ trên và người vay sẽ được hưởng lợi”, ông Tín thông tin.

Như vậy, với cách tính lãi mới là 365 ngày thay vì 360 ngày như trước đây, người gửi tiền sẽ nhận lãi ít hơn, còn người đi vay phải trả ít lãi hơn.