Dân Việt

Lặng người lời tỏ tình của chàng mù cao 1m7 với nàng ... 90cm

Đức Tuỳ 16/01/2018 12:45 GMT+7
"Mong em đồng ý làm người tri kỉ của anh, làm đôi mắt của anh, mình cùng nương tựa vào nhau sống đến cuối đời”, ông Phấn thuật lại buổi trò chuyện nên duyên.

Đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi được nghe câu chuyện tình cảm động về hai số phận đặc biệt là ông Lê Văn Phấn (80 tuổi, xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh), cao 1m7, bị mù hai mắt bẩm sinh và bà Đào Thị Lành (72 tuổi, quê huyện Kim Động, Hưng Yên), người chỉ cao 90cm.

Chúng tôi đến đúng lúc bà Lành đang dắt ông Phấn đi cơm trưa về. "Hơn 15 năm nay, hai chúng tôi đi đâu, làm gì đều có nhau. Từ đưa ông ấy đi ăn, đi dạo, đến chia sẻ những tâm sự hàng ngày. Có lẽ đến giờ tôi mới hiểu cuộc sống thật giản đơn và ông trời cũng không lấy đi của ai mọi thứ bao giờ", bà Lành tâm sự.

img

Vợ chồng ông Phấn, bà Lành chia sẻ câu chuyện với PV Báo GĐ&XH. Ảnh: Đ.Tuỳ

Khi mới sinh ra, bà Lành đã bị dị tật bẩm sinh, lúc được khoảng gần 2 tháng tuổi thì mẹ qua đời và bà ở cùng bố. Biết con kém may mắn và thiệt thòi, cho nên bà luôn được bố yêu thương hết mực. Tuy nhiên, năm bà vừa tròn 18 tuổi, thì bố cũng mất vì tai nạn.

Một năm sau khi bố qua đời, bà được người bác họ đón về chăm sóc. Và đến lúc xế chiều, do không muốn làm phiền người thân, năm 2003, bà xin vào Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh. Chính từ đây đã giúp bà có mối lương duyên gặp ông Phấn để tìm thấy tình yêu, hạnh phúc lúc tuổi già.

img

Trong khi ông Phấn cao 1m7 thì bà Lành chỉ có 90cm. Ảnh: Đ.Tuỳ

"Hôm đó là 1.7.2003, tôi đến Trung tâm buổi sáng thì buổi chiều ông Phấn cũng được người nhà đưa vào. Hai chúng tôi quen nhau lúc làm thủ tục nhận phòng. Đến lúc này, cũng không hiểu sao tôi và ông ấy lại có tình cảm với nhau nữa", bà Lành cho biết.

Tiếp lời bà Lành, ông Phấn kể, khi mới sinh đôi mắt của ông đã mù. Sau đó, mẹ ông mất sớm, bố ông đi bước nữa. Khi đến tuổi trưởng thành, ông được mai mối cho một người phụ nữ đã có một đời chồng và một người con riêng.

Sống với nhau được vài chục năm thì vợ ông qua đời và lúc này ông ở cùng con trai. Mặc dù không có công sinh thành nhưng người con trai ấy luôn chăm sóc ông tận tình, chu đáo. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy trống vắng của tuổi già. Sau đó, ông được gia đình chuyển vào Trung tâm và hàng tháng, con trai vẫn đến thăm nom và chăm sóc ông.

img

Từ sự sẻ chia và tâm sự đã gắn kết ông Phấn, bà Lành với nhau. Ảnh: Đ.Tuỳ

Vào Trung tâm không lâu, ông Phấn và bà Lành thường xuyên chia sẻ, nói chuyện về hoàn cảnh gia đình. Từ những chuyện nhỏ, chuyện lớn đều được ông bà mang ra tâm sự và những câu chuyện đó là sợi dây vô hình gắn kết hai số phận lại với nhau.

Bây giờ nghĩ lại, cả hai ông bà không tin mình lại có được người chồng, người vợ để nương tựa, bầu bạn lúc về già và được sống dưới mái nhà ấm áp của trung tâm.

Nhớ lại lúc ngỏ lời yêu, ông Phấn kể, hồi đó, ông có biết tỏ tình là thế nào đâu, cứ nghĩ gì là nói vậy. Thậm chí, khi ông nói xong bà Lành còn không hiểu lời ông nói là như thế nào. Bởi lẽ, ở độ tuổi của ông bà thì không thể có tình yêu. Trong khi bản thân ông Phấn mù hai mắt và hơn bà Lành gần chục tuổi.

img

Bức ảnh kỷ niệm 15 năm ngày cưới của hai ông bà. Ảnh: Đ.Tuỳ

Hơn 15 năm chung sống với nhau, bà Lành lúc nào cũng chăm sóc ông Phấn chu đáo, còn ông luôn nhẹ nhàng đỡ đần bà những việc nặng và chưa khi nào thấy hai ông bà to tiếng hay cãi vã nhau. Thậm chí, ngay cách xưng hô hàng ngày "anh, em" ngọt ngào khiến nhiều người ghen tị.

img

Nụ cười hạnh phúc viên mãn của hai số phận kém may mắn khi ở tuổi xế chiều. Ảnh: Đ.Tuỳ

Bà Lành tâm sự: "Chúng tôi đến với nhau cũng chỉ để bù đắp những khuyết điểm của bản thân. Tôi như đôi mắt của ông ấy. Còn ông ấy giúp tôi làm những việc mà tôi không thể. Đặc biệt, lúc ốm đau thì cả hai đứng ngồi không yên. Nhiều khi, tôi có việc về quê là ông ấy lại thơ thẩn và nhờ người gọi điện bằng được để nghe giọng của tôi cho đỡ nhớ"

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Phạm Thị Thanh Ngoan - Trưởng phòng quản lý tư vấn (Trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh) cho biết: "Từ nhỏ đến giờ tôi chưa được chứng kiến câu chuyện tình yêu nào về người già lại cảm động như bà Lành, ông Phấn. Tôi nghĩ, bao nhiêu sự khổ hạnh và biến cố của cuộc đời hai ông bà bây giờ mới được đền đáp và chúng tôi cảm thấy ấm lòng".