Dân Việt

"Không thể để tình trạng 2 thủ trưởng trong cùng 1 đơn vị"

Phi Long 17/01/2018 14:42 GMT+7
Việc cùng một lúc tồn tại tới 2 vụ trưởng ở Vụ Kinh tế đối ngoại (cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư) được các chuyên gia nhận định là sai về mặt nguyên tắc và cần phải sớm có cách giải quyết phù hợp.

img

Giải quyết thực trạng một vụ có  hai vụ trưởng có nên “oản tù tì”? (Ảnh: IT)

Sai về nguyên tắc

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đình Hương – nguyên Phó trưởng Ban tổ chức T.Ư đánh giá, về nguyên tắc một đơn vị không thể có chế độ 2 thủ trưởng được nên việc cùng một lúc có 2 vụ trưởng ở Vụ Kinh tế đối ngoại của Bộ KHĐT là hoàn toàn sai nguyên tắckhông đúng.

“Với câu chuyện này, Bộ KHĐT cần phải xem xét lại. Theo tôi biết là do trước đó có việc gộp 2 vụ lại với nhau. Tuy nhiên, sau khi gộp lại thì cần có bố trí, sắp xếp nhân sự thỏa đáng chứ không thể tồn tại cùng một lúc 2 vụ trưởng”, ông Hương nói.

Cùng chung nhận định trên, ông Lê Quang Thưởng - nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh: Lý do mà đại diện Bộ KHĐT giải thích là vụ này đông người, có tới 30 người đồng thời giao cho mỗi vụ trưởng quản lý một lĩnh vực riêng là không hợp lý.

“Theo tôi biết, hiện nay, không chỉ ở Bộ KHĐT mà nhiều nơi cũng có cả vụ trưởng và hàm vụ trưởng. Không những thế, đã có 3-4 vụ phó nhưng vẫn có 3-4 người hàm vụ phó. Ban Tổ chức T.Ư cũng đã trình Bộ Chính trị đề xuất xóa bỏ các chức danh "hàm" nên tôi tin việc xử lý tồn tại một vụ có nhiều vụ trưởng và hàm vụ trưởng sẽ được triển khai sớm trong thời gian tới”, ông Thưởng nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá, đây là câu chuyện “nhạy cảm” và về nguyên tắc thì cần phải giải quyết chứ không thể để tồn tại cùng một lúc 2 thủ trưởng ở một đơn vị. Theo ông Phong, việc giải quyết có thể chỉ cần làm nội bộ, "trước tiên là có thể giải quyết theo hướng hai vụ trưởng “oẳn tù tì” với nhau", ông Phong nói vui.

Do lịch sử để lại

Trước đó, theo phản ánh của báo chí, Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KHĐT) đang có 2 Vụ trưởng là ông Lưu Quang Khánh và ông Trần Nhật Thành. Trong đó, ông Khánh được phân công phụ trách chung còn ông Thành phụ trách Ban Hợp tác Lào - Campuchia.

Khi phóng viên Dân Việt hỏi trực tiếp ông Trần Nhật Thành về việc cùng lúc có 2 vụ trưởng thì công việc của Vụ có xảy ra tình trạng chồng chéo, dẫm chân lên nhau hay không, ông Thành cho biết: “Theo quy chế phát ngôn thì vấn đề này phải hỏi người phát ngôn của Bộ”.

Tuy nhiên, khi PV trao đổi với ông Trần Quốc Phương – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân - người phát ngôn của Bộ KHĐT thì ông Phương cho biết, vấn đề này không phải ông phụ trách nên PV phải gửi công văn sang.

img

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".(Ảnh: IT)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên Cổng thông tin của Bộ KHĐT cũng cho thấy, hiện nay Vụ Kinh tế đối ngoại còn có tới 6 vụ phó, trong khi tiêu chuẩn là chỉ có 3 vụ phó.

Trước đó, vào giữa năm 2017, trả lời báo Tiền Phong về vấn đề này, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vụ Kinh tế đối ngoại có số lượng vụ trưởng, vụ phó đông như vậy là do lịch sử để lại. Theo ông Dũng, để tinh gọn đầu mối quản lý và tinh giản biên chế, Vụ Hợp tác Lào - Campuchia đã sáp nhập vào Vụ Kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên việc sáp nhập 2 vụ đã khiến số lượng vụ trưởng, vụ phó đông như vậy.

Không chỉ có tình trạng thừa lãnh đạo mà trong công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán Nhà nước vừa công bố đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. 

Ông Dũng khẳng định, tinh thần của Bộ KHĐT là phải sắp xếp các chức danh Vụ trưởng, Vụ phó cho phù hợp nhưng chưa xử lý xong. Đặc biệt việc sắp xếp không đơn giản vì liên quan đến đào tạo, năng lực, sở trường, sở đoản của từng cá nhân.

"Những cục, vụ khác đã đầy đủ chức danh, nên không thể điều chuyển sang các cục, vụ khác. Hơn nữa, họ không bị kỷ luật nên không thể cắt chức vụ trưởng, vụ phó”, ông Dũng khẳng định.

Còn ông Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Tổ chức T.Ư - khi trả lời báo chí cũng cho rằng, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên. Cụ thể, theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, thế nhưng sau 2 năm thực hiện thì thực tế lại tăng lên 96.000 người.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, và việc bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương cũng còn nhiều. Cụ thể, cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng.