Ngày 16/1 vừa qua, Toyota tuyên bố đã dừng việc sản xuất các sản phẩm nằm trong kế hoạch xuất khẩu sang Việt Nam. Những mẫu xe này gồm bộ đôi Fortuner - Hilux, hatchback hạng B Yaris và toàn bộ các dòng xe sang thuộc thương hiệu Lexus. Lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia và Nhật về Việt Nam chiếm khoảng 20% số xe bán ra trên thị trường của Toyota, tương đương 1.000 xe mỗi tháng.
Trả lời báo Nikkei tại Bangkok, ông Michinobu Sugata - Chủ tịch Toyota Thái Lan - cho biết: "Thị trường ô tô Việt Nam năm 2017 đã giảm sút về doanh số vì người tiêu dùng chờ đợi tác động từ mức thuế mới và trì hoãn việc mua xe". Theo thống kê từ VAMA, doanh số bán ô tô ở Việt Nam giảm 10% so với 2016. "Chúng tôi dự kiến tăng trưởng mạnh trong năm nay, nhưng với những quy định mới vừa được áp dụng, chúng tôi không thể xuất khẩu xe đến Việt Nam nữa", ông Sugata chia sẻ.
Nghị định 116, ban hành ở Việt Nam vào cuối tháng 10/2017, yêu cầu mỗi lô hàng xe nhập khẩu đều phải lấy ra một xe để kiểm định. Trước đây, chỉ phải kiểm định lô hàng đầu tiên trong mỗi dòng xe nhập về nước.
Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, một lần kiểm định khí khải có thể phải mất 2 tháng và tiêu tốn 10.000 USD. "Điều đó gây ra sự lãng phí to lớn về cả thời gian và tiền bạc". Trên thực tế, thời gian xe từ hãng đến đại lý rồi giao cho khách hàng cũng sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, các hãng xe cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới (VTA) do nước ngoài cung cấp. Nhiều nước trên thế giới không cung cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu, tương tự như Cục đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm định cho xe lưu hành trong nước, không có thẩm quyền cấp cho xe xuất khẩu. Do đó, yêu cầu này bị xem là bất khả thi.
Từ khi nghị định được ban hành, chính phủ của những thị trường xuất khẩu xe hơi lớn như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại rằng họ sẽ không thể bán sản phẩm ở Việt Nam.
Không chỉ Toyota, nhiều hãng xe khác cũng gặp khó khăn. Honda từng tự tin với kế hoạch nhập nguyên chiếc mẫu crossover CR-V thế hệ mới từ Thái Lan về Việt Nam nhằm tận dụng ưu thế về thuế suất thuế nhập khẩu nội khối ASEAN 0% bắt đầu từ 2018 (trước đó, mẫu CR-V cũ được nhập linh kiện từ Thái Lan và hoàn tất lắp ráp ở Việt Nam). Tuy nhiên, trước Nghị định 116, mọi thứ thay đổi và hiện nay việc sản xuất CR-V cho Việt Nam đã bị ngưng.
Honda từng kỳ vọng nhập khẩu 10.000 chiếc CR-V trong năm 2018, tăng 70% so với sản lượng sản xuất tại Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt khi dòng CR-V này là thế hệ hoàn toàn mới, có nhiều cải tiến vượt trội. "Dòng CR-V mới rất được ưa thích và chúng tôi đã nhận 200 đơn đặt hàng. Nhưng xe sẽ không về thêm nữa, sớm nhất phải đến tháng 4 mới biết được", một chủ đại lý kinh doanh ô tô Honda ở Hà Nội cho biết.
Đại lý này bắt đầu trưng bày mẫu CR-V thế hệ mới vào đầu tuần này, nhưng đây là một trong số ít những chiếc thuộc lô nhập khẩu đầu tiên từ Thái Lan vào cuối năm 2017. Honda đã phải chịu thuế suất nhập khẩu 30%, trái với dự kiến ban đầu, nhưng nếu không nhập thì những khách hàng đặt mua sớm sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn nữa.
Mitsubishi cũng đã ngưng hoạt động sản xuất xe Pajero Sport ở Thái Lan dành cho thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Ford Thái Lan, đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất các xe Ranger và Everest cho toàn khu vực Đông Nam Á, cho biết nếu xe từ Thái Lan không thể xuất sang Việt Nam thì cũng không quá đáng ngại, bởi bấy lâu nay lượng xe xuất khẩu sang Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng của các hãng. "Thay vì phân phối xe đến Việt Nam, chúng tôi có thể tăng lượng xe đến Indonesia hay Philippines".
Trái với các hãng xe Nhật và Mỹ, những thương hiệu xe châu Âu như Mercedes-Benz, BMW hay Porsche lại không mấy lo lắng và cho rằng hoàn toàn có thể cung cấp loại giấy VTA như chính phủ Việt Nam yêu cầu.