Phấn đấu đạt huyện NTM vào năm 2018
Ông Trần Đức Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết, về kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến hết năm 2016 toàn huyện có 15/22 xã đạt chuẩn, năm 2017 phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM. Tính đến tháng 12.2017 vừa qua, theo kết quả thẩm định của tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM thành phố, cả 6 xã còn lại đều đạt từ 95 điểm trở lên, đủ điều kiện đề nghị thành phố xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng quy mô lớn áp dụng công nghệ cao tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất (Hà Nội).
ảnh: Hải Đăng
Theo đánh giá chung, qua 7 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong huyện được nâng lên rõ rệt, hạ tầng kỹ thuật - kinh tế, hạ tầng xã hội được đầu tư quan tâm đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, khang trang hơn. Thu nhập của người dân năm 2017 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,18%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85%, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.
"Trong xây dựng NTM, huyện Thạch Thất đã tập trung chỉ đạo quyết liệt theo 5 nhóm, 19 tiêu chí xây dựng NTM. Cùng với nâng cao đời sống nhân dân, huyện đã tạo diện mạo mới cho nông thôn khang trang, sạch đẹp, đặc biệt là các xã thuộc tỉnh Hòa Bình trước kia. Với thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, Thạch Thất được đánh giá là huyện thuộc nhóm địa phương có thu nhập cao của thành phố" - ông Nguyên khẳng định.
Cũng theo ông Nguyên, trong năm 2018, toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất tăng 14,5% so với năm 2017, trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn, được ưu tiên phát triển, phấn đấu đưa huyện trở thành địa phương đạt chuẩn NTM.
Nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao
Tổng kết quả huy động nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn từ 2011-2017 của huyện Thạch Thất là 1.526 triệu đồng, trong đó huy động nhân dân đóng góp là 90.073 triệu đồng (gồm ngày công, hiến đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất vườn). |
Theo ông Nguyên, trong năm 2017, tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn huyện Thạch Thất đạt 16.518.270 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 14,8% so với năm 2016. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn với 68,2%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 604.278,9 triệu đồng, bằng 301% dự toán thành phố giao.
Ông Nguyên cho hay: Xác định lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là mũi nhọn cho nên công tác quản lý nhà nước được huyện tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển. Việc thành lập các cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng, Dị Nậu, Hương Ngải, mở rộng cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn đã kết thúc giai đoạn lập hồ sơ, báo cáo thành phố thông qua.
"Huyện Thạch Thất hiện có 50/59 làng có nghề, trong đó 10 làng được công nhận là làng nghề theo tiêu chí của thành phố. Đặc biệt, có những nghề rất phát triển như cơ kim khí, ngành mộc... Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề về ô nhiễm môi trường, hoàn thiện quy hoạch, tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh" - ông Nguyên chia sẻ.
Là huyện có nhiều dấu ấn trong phát triển mô hình ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, đến nay huyện đã có nhiều mô hình hiệu quả như mô hình nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con) kết hợp nuôi giun quế (10.000m2) và trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng (12ha) ở xã Yên Bình; mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi diện tích 1.000m2 ở xã Đại Đồng; mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở thôn Trại Mới xã Tiến Xuân (trứng gà chống ung thư, tảo xoắn, trồng rau thủy canh siêu sạch theo công nghệ Nhật Bản…).