Tiểu phẩm hài với tựa đề “Kiếp lông bông” là do anh viết kịch bản và thủ vai chính. Với tiểu phẩm mới này, anh sẽ mang tiếng cười gì đến khán giả?
- “Kiếp lông bông” được tôi lấy chủ đề về những người nông dân và những biến đổi của đời sống nông thôn. Tôi sẽ hóa thân thành Đô- một anh chàng nông dân lười nhác và vướng vào “bệnh” nghiện lô đề. Lấy một cô vợ cũng “ngơ ngơ” nên anh nông dân càng thêm nặng gánh.
Hai vợ chồng lên phố làm nghề xe ôm thì ngay “cuốc” đầu tiên đã bị lừa mất sạch. Bị gia đình xua đuổi, hai vợ chồng anh Đô, chị Sòn bỏ nhà ra đi kiếm sống và gặp bao nhiêu những tình huống bi hài trong xã hội.
Tôi rất tâm đắc với kịch bản này và nghĩ đây là câu chuyện khá phổ biển ở những làng quê khi trên đồng ruộng mọc lên những khu công nghiệp và cuộc sống của những người dân thôn quê bị xáo trộn, thay đổi.
Qua tiểu phẩm này, anh gửi gắm điều gì đến cho khán giả?
- Tôi muốn gửi đến khán giả thông điệp cũ nhưng luôn có giá trị: Hãy sống lành mạnh và lao động nghiêm túc thì mới có cuộc sống giàu có, hạnh phúc. Đừng bao giờ trông chờ vào những vận may và càng không bao giờ có những của cải từ trời rơi xuống.
Chiến Thắng trong đĩa hài Tết 2012 “Kiếp lông bông”. |
Có thể thấy trong các tiểu phẩm của anh, hình ảnh nông thôn được anh khai thác triệt để, vì sao vậy?
- Sở dĩ tiểu phẩm của tôi chỉ thấy nói về nông thôn là bởi tôi muốn người thành thị biết được cuộc sống nông thôn như thế nào. Từ những khó khăn vất vả của người làm ruộng mà thu nhập thì lại thấp, đến thời công nghiệp hóa, người nông dân không còn ruộng nhiều để cấy cày, cầm trong tay khoản tiền đền bù họ cũng không biết sẽ tiêu vào việc gì. Đó là những vấn đề bức thiết trong xã hội và tôi cũng nhìn thấy trong đó có sự hài hước.
Nghệ sĩ Chiến Thắng
Việc anh luôn quan tâm đến vấn đề của nông thôn, nông dân hẳn có lý do đặc biệt?
- Bởi mẹ tôi xuất thân từ nông thôn, nghèo khổ đi lên. Tôi biết ơn mẹ nhiều lắm, mẹ nuôi tôi ăn học, khôn lớn. Tuổi thơ tôi gắn liền với ruộng đồng, với cánh diều, với lũy tre và những tháng ngày nhọc nhằn vất vả của mẹ. Cho đến khi tôi trưởng thành lấy vợ sinh con ở Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) nên tôi càng hiểu được cái khổ của người nông dân thế nào. Cái chất nông dân đã ngấm vào từng mạch máu, thớ thịt tôi rồi.
Thanh Hà (thực hiện)