Dân Việt

Đột phá liên Triều: Mỹ lộ mặt thật?

Kim Hoa 18/01/2018 18:30 GMT+7
Song song cuộc đàm phán liên Triều, đồng minh Mỹ lựa chọn phương án gây sức ép Triều Tiên.

Liên Triều hòa thuận

Yonhap thông tin, hai miền bán đảo Triều Tiên ngày 17.1 đã tổ chức cuộc họp ở làng đình chiến Panmunjom bàn bạc về việc Triều Tiên tham gia vào Thế vận hội mùa Đông diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng 2 tới.

Tại vòng đối thoại thứ 3 này, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng và Seoul đã thống nhất 2 đội tuyển khúc côn cầu trên băng sẽ diễu hành chung dưới một “lá cờ thống nhất”.

img

Đoàn thể thao Triều Tiên và Hàn Quốc cùng tham dự Thế Vận hội tại Hy Lạp năm 2004.

Theo kết quả đàm phán, Triều Tiên sẽ gửi đội cổ vũ gồm 230 thành viên và 30 vận động viên môn taekwondo biểu diễn.

Hai nước còn thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung để tham gia Thế vận hội. Các vận động viên trượt tuyết của hai bên sẽ cùng huấn luyện tạikhu nghỉ dưỡng Masikryong ở Triều Tiên trước khi đại hội thể thao bắt đầu.

Đại diện từ hai nước cũng sẽ tổ chức một sự kiện văn hóa chung ở đó.

Diễn biến này được đánh giá là bước đột phá chưa từng có trong lịch sử giao lưu thể thao giữa hai nước, là dấu hiệu "tan băng" trong quan hệ song phương đáng khích lệ.

Mỹ tổ chức cuộc họp khác tăng trực phạt

Tuy nhiên, khi cuộc đàm phán liên Triều đang diễn ra suôn sẻ, phía Mỹ đã có một động thái tỏ rõ thái độ không mấy đồng thuận khi tổ chức cuộc họp với 18 quốc gia khác ở Canada.

Quân đội Mỹ đã điều động thêm tài sản quân sự tới khu vực, và tại hội nghị quốc tế về Triều Tiên ở Vancouver, Canada, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã lên tiếng cảnh báo về sự tự mãn.

"Chúng tôi đã thảo luận về việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao và chuẩn bị cho triển vọng đàm phán. Nhưng đàm phán hiệu quả đòi hỏi một đối tác tin cậy. Triều Tiên vẫn chưa thể hiện mình là một đối tác đáng tin cậy" - Ngoại trưởng Tillerson nói.

Ông Tillerson bổ sung, Washington đã gửi thông điệp rõ ràng đến Bình Nhưỡng là "sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, nhưng Triều Tiên phải dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân để chứng tỏ nước này thực sự muốn theo đuổi một giải pháp ngoại giao hòa bình".

Còn Ngoại trưởng Nhật Taro Kono kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hiểu rõ động cơ của Triều Tiên khi tham gia đối thoại với Hàn Quốc và đề nghị đề cao cảnh giác.  

"Tôi biết một số người lập luận rằng vì Triều Tiên đã tham gia đối thoại nên chúng ta cần tưởng thưởng cho họ bằng cách dỡ bỏ trừng phạt hoặc cung cấp hỗ trợ. Thành thực mà nói tôi cho đây là điều ngây thơ. Tôi tin là Triều Tiên đang câu giờ để tiếp tục chương trình tên lửa hạt nhân của mình" - BBC dẫn lời ông Kono nói. "Giờ chưa phải lúc nới lỏng sức ép đối với Triều Tiên".

Trong tuyên bố chung của hội nghị nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát hàng hải nhằm ngăn ngừa việc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, trong đó có các biện pháp ngăn việc trao đổi hàng hóa giữa các tàu một cách bất hợp pháp.

Trước đó, khi cuộc đối thoại liên Triều diễn ra, cả Mỹ và Nhật Bản thậm chí còn đã phát đi một tín hiệu nhầm: Triều Tiên phóng tên lửa.

Đài truyền hình nhà nước Nhật Bản NHK đã phải lên tiếng xin lỗi chỉ vài phút sau đi phát đi cảnh báo Triều Tiên vừa phóng tên lửa và yêu cầu người dân tìm nơi trú ẩn.

"Dường như Triều Tiên vừa phóng một tên lửa... 'Di chuyển vào trong các tòa nhà hoặc xuống dưới mặt đất': chính phủ", báo động được gửi qua ứng dụng trên thiết bị di động tới người dân Nhật.

Tại Hawaii cũng xảy ra một vụ báo động nhầm tên lửa. Giới chức Mỹ đã phải mất đến 40 phút mới nhận ra sai sót do nhân viên ấn nhầm nút khi đổi ca trực.

img

Hội nghị Vancouver tỏ rõ ý đồ quân sự về tình hình Triều Tiên bất chấp đối thoại đột phá của liên Triều.

Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích hội nghị do Mỹ và Canada tổ chức, song song với đối thoại liên Triều đã quá tập trung vào trừng phạt, thay vì tìm cách hạ nhiệt thông qua đối thoại.

Trên thực tế, tính chất của hội nghị đã cho thấy một cách rõ ràng nhất về phương án ngoại giao mà Mỹ đã tuyên bố sẽ để ngỏ cho Triều Tiên. Thay vào đó, Mỹ lại gia cường sức ép trước việc Bình Nhưỡng nỗ lực đàm phán liên Triều.

Bị tạm dừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, Mỹ lại đưa các phương tiện kỹ thuật quân sự tới nước láng giềng Nhật Bản và Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung của hội nghị 20 quốc gia đồng nhất thực hiện trừng phạt Triều Tiên đã cho thấy sự lựa chọn của Mỹ nghiêng hẳn về các phương án quân sự, bất chấp các nỗ lực liên Triều đang ươm những trái ngọt.