Dân Việt

Phương pháp cực hay để loại bỏ những thói quen xấu của trẻ

Minh Châu (Theo askdrsears) 20/01/2018 02:55 GMT+7
Những thói quen xấu một khi đã hình thành thì rất khó để thay đổi, vậy nên ngay từ đầu, cha mẹ cần chú ý để ngăn chúng.

Hầu hết mọi đứa trẻ đều có những thói quen không tốt rất khó để thay đổi hay xóa bỏ. Để phá vỡ những thói quen này, cha mẹ cần phải kiên trì và có biện pháp phù hợp. Điều quan trọng là phải ngăn những tật xấu này trước khi chúng trở thành một phần tính cách của trẻ.

1. Cần tìm hiểu kỹ về thói quen của trẻ

Liệu thói quen này có cần phải xóa bỏ? Nếu chỉ là một thói quen nho nhỏ như nói mớ, vê vạt áo… thì bạn có thể không cần can thiệp hoặc đơn giản là chấp nhận chịu đựng, bởi các thói quen này có thể là cách thư giãn và sẽ tự biến mất khi trẻ không bị áp lực nữa. Nhưng nếu đó là những thói quen gây phiền toái cho con như mút ngón tay (có thể khiến răng bị hỏng, hoặc dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng), ngoáy mũi, ngồi rung đùi, ăn uống nhồm nhoàm, há miệng nhai lớn… thì cần phải có biện pháp để can thiệp.

img

2. Gỡ bỏ dần các thói quen

Những tác động nào khiến bé phải giật mình trong đêm, cắn móng tay, kéo tóc, đập đầu, ngoáy mũi hoặc nghiến răng? Trẻ chán nản, mệt mỏi, tức giận, khó chịu? Để ý và theo dõi kỹ các thói quen này càng nhiều càng tốt, điều chỉnh môi trường phù hợp cho con để loại bỏ dần các nguyên nhân. Nếu trẻ thường giật mình, nghiến răng, nói mớ ngay sau khi bạn chuyển trường hoặc thay bảo mẫu, cần chú ý và đánh giá lại sự lựa chọn của bạn. Nếu trẻ ngoáy mũi cần đưa trẻ đi khám tai, mũi, họng, có thể trẻ đang bị nhiễm khuẩn.

3. Đối phó với những thói quen xấu

img

Nếu bạn khẳng định đây là thói quen xấu cần được loại bỏ như mút tay, rung đùi, ngoáy mũi, nói leo… hãy làm cho con nhận thức được đây là những hành vi không tốt, nó sẽ liên quan và ảnh hưởng đến trẻ khi trưởng thành. Thảo luận với bé tại sao lại phải bỏ những thói quen này và cách bạn sẽ luôn đồng hành bên con để cùng xóa bỏ chúng. Nên thường xuyên động viên trẻ bằng những phần thưởng trong suốt quá trình cố gắng từ bỏ thói quen đó để khuyến khích tinh thần của bé.

4. Tự xem lại và sửa chữa những thói quen xấu của cha mẹ

Trẻ giống như bản sao bắt chước lại các hành vi của người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Bạn có thường cắn móng tay, ngồi rung đùi, cười to và nhai nhóp nhép không? Nếu có, hãy tự sửa chữa để làm gương cho con, đây cũng là một trong những cách “điều trị” thói quen xấu của bé hiệu quả nhất.

5. Tạo một môi trường thư giãn cho trẻ

Đôi khi các thói quen xấu ở trẻ có thể bắt nguồn từ những thời điểm căng thẳng như chuyển nhà, chuyển trường, cha mẹ ly hôn hoặc bất kỳ một sự thay đổi lớn trong thói quen của bé. Hãy tạo một môi trường thư giãn nho nhỏ như một khu vườn tại ban công, một cái lều chơi trong phòng ngủ của bé, một ngôi nhà búp bê, hoặc đơn giản là cuối tuần cả gia đình cùng đi công viên hoặc các khu vui chơi để giải trí và loại bỏ sự căng thẳng.

6. Mẹo giúp trẻ nhanh quên

Một cách hiệu quả để ngăn những thói quen xấu ở trẻ là tìm một mẹo để thay thế. Nếu các ngón tay đang bận rộn bóp một quả bóng, con sẽ quên việc ngậm tay. Ngay khi trẻ đang bắt đầu có hành vi xấu hãy tìm và chỉ ra cho bé thấy “con lại rung đùi kìa”, “con đang nhai nhóp nhép đấy”. Nhẹ nhàng nhắc nhở để trẻ nhận ra con đang có hành vi sai cần sửa lại ngay. Từ từ bé sẽ quên dần các thói quen không mong muốn này.

Phương pháp khơi dậy hứng thú học hành của con

Trẻ em đa phần không thích học. Điều mà các bậc phụ huynh cần làm thay vì trách mắng, la hét trẻ, là tìm ra các cách để...