Dân Việt

Chiến lược “vừa đánh vừa đàm” của Miền Bắc

PV 23/01/2018 16:30 GMT+7
Trong cuộc gặp, Tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với việc tiến hành “những trận đánh lớn” nhằm giành thắng lợi, nhưng nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công vào các thành phố cần được khởi đầu bằng những tấn công quân sự nhỏ.

50 năm trước, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1968 đã làm rung chuyển miền Nam Việt Nam và cả nước Mỹ. Cú đánh chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam khiến cho quân Mỹ phải thay đổi chiến lược chiến tranh tại Việt Nam, từ “tìm và diệt” sang “quét và giữ”, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và góp phần dẫn tới Hiệp định Paris năm 1973, khi người Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam. 50 năm qua, nhiều nhà nghiên cứu Mỹ đã dày công tìm hiểu về cuộc tấn công chiến lược này. Một trong số đó là cuốn sách “Tiến trình bí ẩn của cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968” của tác giả Merle L. Pribbenow, một nhà báo, được xuất bản tại Mỹ năm 2008. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu tới bạn đọc phần trích lược từ cuốn sách này.

Vào khoảng mùa hè năm 1966, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở vào tình thế một cuộc phòng thủ chiến lược trong ít nhất là một năm khi phải nỗ lực cung cấp quân lính và quân trang vào miền Nam để chống lại cuộc đổ quân ồ ạt của các lực lượng chiến đấu Mỹ. Đây không phải là một tình hình dễ chịu cho những người Cộng sản, những người, cũng giống như tất cả các nhà Mác-xít chân chính, tin rằng điều cốt yếu là phải giữ vững được lập trường ban đầu và cố gắng giành lại thế tấn công ban đầu.

Giữa tháng Sáu năm 1966, tiểu ban của Bộ Chính trị chuyên trách cuộc chiến tranh ở miền Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn đứng đầu và Tướng Nguyễn Chí Thanh (người đã có mặt ở Hà Nội với vai trò cố vấn), đã gặp Quân ủy Trung ương tại Hà Nội. Cuộc gặp nhằm bàn bạc về kế hoạch chiến dịch “Đông-Xuân” 1966-1967 cho Bộ Tổng Tham mưu. Mục đích của chiến dịch ghi trên kế hoạch là “giành một thắng lợi mang tính quyết định” trước Việt Nam Cộng hòa trong năm 1967.

img

Thanh niên Hà Nội hăng hái lên đường chi viện cho miền Nam trong chiến dịch Mậu Thân.

Một cuốn sách của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu tóm tắt kế hoạch như sau: “Chúng ta sẽ sử dụng 4 khối chủ lực tiến công địch trên 4 chiến trường: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên; kết hợp với tiến công và khởi nghĩa ở 3 thành phố lớn Saigon, Đà Nẵng, Huế, tiêu diệt và đánh tan rã chủ lực quân ngụy, đánh thiệt hại nặng quân Mỹ, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967.”

Theo các ghi chép từ cuộc gặp, Tướng Nguyễn Chí Thanh ủng hộ ý tưởng tìm kiếm một “thắng lợi mang tính quyết định” trong năm 1967. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng vì trong dịp Đông-Xuân sắp tới các lực lượng Trung ương Cục miền Nam sẽ phải tập trung vào các hoạt động phòng thủ nhằm đánh thắng “cuộc phản công chiến lược” mùa khô 1966-1967 của Mỹ. Điều đó có nghĩa là các lực lượng sẽ phải tiếp tục chiến đấu trong mùa hè thay vì có đợt ngừng chiến như thường lệ để nghỉ ngơi và củng cố lực lượng.

Trong cuộc gặp, Tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với việc tiến hành “những trận đánh lớn” nhằm giành thắng lợi, nhưng nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công vào các thành phố cần được khởi đầu bằng những tấn công quân sự nhỏ. Sau đó dần dần tiến tới bước “nổi dậy” tại một số vùng và thành phố đặc thù, khi mà các lực lượng cộng sản đã chiếm được quyền kiểm soát ở những vùng đó.

Cuộc thảo luận tháng Sáu năm 1966 về kế hoạch cho một “thắng lợi mang tính quyết định” hẳn đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc nổi dậy của Phật giáo và biến động ở miền Trung nửa đầu năm 1966,. Đây là dấu hiệu mà miền Bắc cho rằng, quân đội Việt Nam Cộng hòa và chính phủ miền Nam bắt đầu sụp đổ. Tuy nhiên, có vẻ sẽ đúng hơn nếu nói rằng, nó phản ánh quyết định của Bộ Chính trị cuối cùng sẽ được chính thức hóa vào tháng Giêng 1967. Trung ương Đảng sau đó đã thông qua Nghị quyết hội nghị XIII, kêu gọi việc thực hiện một chiến lược “vừa đánh vừa đàm” và khởi đầu các cuộc thương thuyết với Mỹ.

Trong các trình bày riêng biệt tại cuộc tranh luận về Nghị quyết 13, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Tổng Tham mưu trưởng, tướng Văn Tiến Dũng, cho rằng cả hai phía trong cuộc chiến tranh đều đang rất bế tắc. Người Mỹ đang phải đối diện với một lựa chọn giữa ba chiến lược có thể có cho tương lai: Mở rộng chiến tranh thông qua mở rộng ném bom và xâm lấn VN Dân chủ Cộng hòa; Gửi thêm rất nhiều quân và quân trang để chiến đấu và tìm cách chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài tại miền Nam; Nỗ lực để giành thắng lợi quân sự quan trọng trong năm 1968 rồi sử dụng ưu thế này để tìm kiếm một giải pháp chính trị, một giải pháp có thể vẫn cho phép giữ lại chính quyền “tân thực dân” ở VN Cộng hòa.

img

Bác Hồ cùng các ủy viên Bộ Chính trị họp bàn Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Những lựa chọn đó mang lại cho những người Cộng sản không chỉ một mối đe dọa nguy hiểm mà cả một cơ hội nữa. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, bởi có bất ổn ngay trong lòng nước Mỹ, và đặc biệt là tác động của cuộc chiến lên kỳ tranh cử tổng thống năm 1968. Một cuộc tranh luận nảy lửa đang nổ ra bên trong giới chức Mỹ giữa phe “diều hâu”, những kẻ ủng hộ hành động mạnh mẽ hơn chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và phe “bồ câu”, những người ủng hộ thương thuyết để chấm dứt chiến tranh nhưng vẫn giữ lại một miền Nam VN độc lập.

Người đứng đầu bộ ngoại giao nói rằng, chưa chắc chắn Tổng thống Lyndon B. Johnson sẽ làm gì nhưng nghiêng về giải pháp thứ ba, tìm kiếm một chiến thắng nhanh chóng về quân sự, và sau đó là một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước khi diễn ra bầu cử, nhằm được tiếp tục tại vị.

Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đề xuất Trung ương thông qua chiến lược do Bộ Chính trị đề ra, sử dụng “củ cà rốt” thương thuyết và một “chiến lược vừa đánh vừa đàm” nhằm tận dụng mong muốn của Johnson trong việc thực hiện một thỏa thuận thông qua thương thuyết trước kỳ bầu cử 1968. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh nói rằng Bộ Chính trị đã đặt ra hai mục tiêu chính cho các thương thuyết. Mục tiêu thứ nhất là làm cho nước Mỹ ngừng ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và mục tiêu thứ hai là buộc Mỹ rút quân khỏi miền Nam.