Ngày 19.1, Ban Tổ chức Trung ương (Ban Tổ chức) tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 với hai nội dung chính về "Tình hình, kết quả công tác tổ chức Xây dựng Đảng năm 2017" và chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Văn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Phạm Minh Chính cho biết hội nghị năm nay có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng thời gian qua và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2018 và các năm tiếp theo, tạo tiền đề, cơ sở từng bước chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.
Với nhiệm vụ nặng nề như vậy, người đứng đầu ngành Tổ chức đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của mình thẳng thắn, nghiêm túc, tập trung trí tuệ phân tích, đánh giá về một số vấn đề quan trọng.
Cụ thể hội nghị phải đánh giá đầy đủ những mặt được, chưa được của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong năm qua, cùng với đó, đánh giá nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phương pháp, phong cách, lề lối làm việc cần điều chỉnh thế nào; giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của các cấp uỷ Đảng, tạo đột phá trong việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, trong đó có nghị quyết về tinh giản bộ máy, biên chế.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung dành thời gian cho ý kiến về mục tiêu, quan điểm, giải pháp để kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức chạy quyền trong công tác tổ chức cán bộ.
Trình bày báo cáo công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, phương hướng và nhiệm vụ công tác năm 2018, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết năm 2017 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, quốc phòng an ninh, đối ngoại được tăng cường, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định.
Đáng chú ý, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực; không khí dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và nâng cao.
Tuy nhiên, Ban Tổ chức cũng nhìn nhận kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, vấn đề môi trường còn nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp, khó lường.
Đáng nói là tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ có nơi, có lúc còn lỏng lẻo, sơ hở, hạn chế, yếu kém...
Trước tình hình này, với tinh thần chủ động, quyết liệt, lấy đổi mới, sáng tạo là trung tâm, lấy tư duy, tầm nhìn chiến lược làm đột phá, lấy hiệu quả là thước đo đánh giá, ngành tổ chức đã bám sát Nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng... để khắc phục khó khăn, đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt công việc được giao.
Bầu, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự
Một nội dung đáng chú ý là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Tổ chức đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ.
Theo đó, ngành Tổ chức đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ nhân sự, tham mưu sắp xếp, bố trí cán bộ các cấp một cách kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch.
Điểm mới là lãnh đạo cơ quan tổ chức cấp uỷ các cấp nghiên cứu kỹ, cân nhắc toàn diện, tham khảo nhiều kênh thông tin để đánh giá cán bộ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trước khi thực hiện quy trình cán bộ.
Năm 2017, đã tham mưu luân chuyển 471 cán bộ, điều động, biệt phái 1.467 cán bộ đối với cấp tỉnh; luân chuyển 2.378 cán bộ, điều động biệt phái 3.500 cán bộ đối với cấp huyện.
Riêng ở cấp Trung ương đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự, trong đó có 5 Ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư; 3 Bộ trưởng và tương đương; 6 Trưởng Ban cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương; 8 Bí thư tỉnh, thành và Đảng uỷ trực thuộc Trung ương...
Với việc rà soát, quy hoạch cán bộ, cấp trên cơ sở đã quy hoạch 44.017 cán bộ trong giai đoạn 2015-2020 và 48.913 cán bộ trong giai đoạn 2020-2025, đưa ra khỏi quy hoạch 8.185 cán bộ giai đoạn 2015-2020, 1.395 đồng chí giai đoạn 2020-2025.
Bên cạnh đó, ngành Tổ chức đã từng bước đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ và quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện chủ trương "thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng".
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, ngành Tổ chức xây dựng đảng đã giảm biên chế liên tục trong 3 năm. Năm 2017, tổng số thực tế hưởng lương ngân sách của các ban tổ chức tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương là 2.044 người (89,53% so với tổng biên chế được giao); các ban tổ chức cấp uỷ cấp trên cơ sở là 5.371 người ( 92,38% so với tổng biên chế được giao).
Về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức đã rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 1.122 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó loại bỏ 47 trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Cùng với đó, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, nhạy cảm, phức tạp nhiều năm băn khoăn, trăn trở, đến nay mới từng bước được nhận diện tháo gỡ. Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức triển khai sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức.
Toàn ngành đã tích cực, chủ động đổi mới hiệu quả, đoàn kết thống nhất, kiên quyết chống tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hình ảnh người cán bộ "gương mẫu, trong sáng, tinh thông" gắn với đổi mới phong cách làm việc theo nội dung "4 hoá" đạt được kết quả bước đầu quan trọng.
Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tổ chức Nguyễn Thanh Bình cho rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chi ngân sách thường xuyên tăng và đang ở mức cao 65%.
"Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp uỷ Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, thường vụ cấp uỷ và bí thư cấp uỷ các cấp"- ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Giải thích về nguyên nhân của những hạn chế này, Phó trưởng Ban Tổ chức cho rằng nhận thức và vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của một số cấp uỷ, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa ngang tầm, chưa thật sự quan tâm thích đáng cho công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Các quy định, quy chế về tổ chức xây dựng Đảng đã bổ sung hoàn thiện nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như việc kiểm soát quyền lực và phòng chống tệ quan liêu, tiêu cực trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.