Tự tử live stream để làm gì?
Ngày 16.1 mới đây, cư dân mạng xã hội không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến cảnh tượng một người đàn ông trong chiếc áo khoác màu đen và quần Jean màu xanh đang dùng dây treo cổ trong căn phòng bếp. Điều đáng nói, trước khi thực hiện hành động treo cổ, người đàn ông này đã đùng điện thoại livestream trực tiếp trên trang facebook cá nhân của mình để mọi người vào bình luận.
Anh H.M.A 34 tuổi, ngụ tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cấp cứu tại bệnh viện sau tự tử. Ảnh: I.T
Theo các chuyên gia tâm lý, sau mỗi livestream phản cảm, người đăng tải sẽ chịu hậu quả rất lớn. Bởi lẽ, mạng xã hội có tốc độ lan truyền kinh khủng. Khi hình ảnh của họ bị phát tán, không chỉ những người xa lạ, mà bạn bè, người thân, bố mẹ của người đó cũng sẽ tiếp nhận được. |
Người đàn ông này sau đó được xác định là anh H.M.A 34 tuổi, ngụ tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy và đang làm ăn buôn bán tại xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Vì cảnh treo cổ được truyền hình trực tiếp nên người thân đã phát hiện và báo cho hàng xóm đến cứu kịp thời. Anh H.M.A sau đó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum để cấp cứu nên đã qua khỏi.
Được biết vợ chồng H. M. A hiện có 3 người con (2 trai, một gái và cháu trai đầu 8 tuổi, cháu nhỏ nhất 2 tuổi). Nguyên nhân dẫn đến hành động này có thể do A nợ nần cờ bạc với số lượng lớn, nên nghĩ quẩn tìm đến cái chết. Trước đó, đã nhiều lần anh A phàn nàn vì mê cờ bạc làm khổ vợ con.
Đây không phải lần đầu tiên một vụ tự tử được truyền hình trực tiếp trên mạng xã hội. Trước đó vài ngày (11.1) dân mạng cũng “bất đắc dĩ” phải chứng kiến “màn” livestream tự sát bằng dao của một nhân vật đình đám với những chiêu trò tạo scandal để nổi tiếng – “Công chúa Thủy tề Tùng Sơn”.
Cụ thể, sau những “lùm xùm” về mối tình đồng tính với bạn trai bị tan vỡ, ngày 11.1, Tùng Sơn (tên thật là Sơn Chanh Ny, sinh năm 1995, ở Trà Vinh) đã livestream thể hiện sự đau khổ và “bóc phốt” bạn trai lừa gạt tình cảm của mình. Sau khi khóc lóc, xin lỗi bố mẹ, gia đình, nhân vật này đã dùng dao thái đâm vào bụng của mình để tự tử trước sự chứng kiến trực tiếp của hàng nghìn lượt người xem.
Sau một thời gian ngắn đăng tải, clip này đã bị xóa vì hình ảnh có tính chất bạo lực, máu me và phản cảm. Chưa biết thực hư câu truyện tự tử là thật hay chỉ là trò câu view nhưng việc livestream trực tiếp cảnh thực hiện cái chết đã khiến cho không ít người phải rùng mình.
Chưa biết nguyên nhân dẫn đến tâm lý và những suy nghĩ lệch lạc của những người muốn mang mạng sống của mình ra để “câu like” là gì nhưng những cái chết một cách… trực tiếp như trên đã khiến cho cộng đồng phải… sợ hãi. Nhiều người cho rằng, nó còn đáng sợ hơn việc ép người ta xem một bộ phim bạo lực, kinh dị, giết chóc… Bởi lẽ, phim chỉ là giả, còn sau livestream tự sát là những sự việc thật, cái chết thật sự.
Trào lưu “câu like” đến… mất trí
Không chỉ muốn cộng đồng nhìn thấy mình chết một cách… trực tiếp, sự phát triển của mạng xã hội hiện nay còn khiến cho một bộ phận giới trẻ có cái nhìn rất lệch lạc. Những việc làm trái pháp luật lẽ ra phải được giấu kín thì nay lại có xu hướng công khai trên mạng.
Điển hình nhất là vụ việc diễn ra vào tối 29.12.2017. Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video dài hơn 4 phút ghi lại hình ảnh về một nhóm thanh niên vác theo nhiều hung khí và quay video nói thẳng: “Đây là các thanh niên đang đi xin tiền”. Nhóm thanh niên đứng chặn trên đường quốc lộ, khi thấy xe ôtô đi qua đã vẫy lại để “xin đểu”, một số tài xế đã phải đưa tiền cho họ để được đi qua.
Bên cạnh đó, nhóm thanh niên còn buông lời lẽ tục tĩu, chửi bới thách thức cư dân mạng, thậm chí là thách thức cả việc gọi công an tới trong lúc quay livestream, những thanh niên này “nổ” địa chỉ cho biết mình đang ở đoạn IC8 cao tốc Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Một thanh niên trong nhóm còn xòe một tập tiền và khoe đã xin được số tiền hơn 3 triệu đồng, sau đó nhóm này tiếp tục chờ “con mồi” tới để xin tiếp.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã vào cuộc và xác định được 11 đối tượng liên quan, trong đó có 8 đối tượng trú tại địa bàn xã. Công an huyện Phù Ninh sau đó đã triệu tập các đối tượng để làm rõ. Được biết, các đối tượng trên còn rất trẻ, mới 15 - 17 tuổi. Theo chính quyền địa phương, các đối tượng trú tại xã đã bỏ học, sống lêu lổng, không có công ăn việc làm ổn định, một số thi thoảng đi làm nhưng chủ yếu vẫn "ăn bám" bố mẹ. Những đối tượng này sau đó đã nhận được hình phạt đích đáng của pháp luật.
Những vụ livestream lột đồ đánh ghen, làm nhục, tấn công tình địch bằng vũ khí cũng xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội. Mới nhất là vụ đánh ghen tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) ngày 10.11.2017, người vợ tên T.B sau khi phát hiện chồng mình cặp bồ tại nhà nghỉ đã đến vừa đánh ghen vừa livestream gần 20 phút. Sự việc này khiến Công an phường Đội Cấn phải vào cuộc yêu cầu các đối tượng tường trình về hành vi dùng dao đe dọa người khác của cô vợ.
Một vụ nghiêm trọng hơn xuất hiện vào ngày 18.1.2017. Một clip đánh ghen được livestream trên mạng, trong clip, một cô gái trẻ bị 3 cô gái xông vào đánh đập dã man ở khu vực nhà vệ sinh. Đỉnh điểm của màn đánh ghen là 3 người cùng nhau lột quần áo của nạn nhân ngay tại quán cà phê và tiếp tục đánh khiến cô gái bị trầy xước khắp người. Sau clip này, công an huyện cũng đã phải vào cuộc điều tra, các đối tượng thực hiện hành vi đánh đập người khác cũng nhận được hình phạt đích đáng.
Theo các chuyên gia tâm lý, sau mỗi livestream phản cảm, người đăng tải sẽ chịu hậu quả rất lớn. Bởi lẽ, mạng xã hội có tốc độ lan truyền kinh khủng. Khi hình ảnh của họ bị phát tán, không chỉ những người xa lạ, mà bạn bè, người thân, bố mẹ của người đó cũng sẽ tiếp nhận được.
“Họ sẽ đau lòng như thế nào khi nhìn cảnh con mình tự tử, ăn cướp, bị làm nhục, bị đánh đập? Họ sẽ sống tiếp thế nào với sự dị nghị, bình phẩm của những người xung quanh về người thân của mình? Có thể, những người thực hiện các livestream phản cảm trên mạng chỉ do một vài phút bốc đồng, không kiểm soát được hành vi, cảm xúc, nhưng sau khi bình tĩnh lại họ sẽ nhận ra họ đã mất rất nhiều thứ và khó mà có thể lấy lại được” – một chuyên gia tâm lý nhận định.
Ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena nhận định, hệ lụy từ việc “câu like” qua các livestream rất nghiêm trọng. “Khi livestream người thực hiện sẽ không kiểm soát được hình ảnh của mình, rất có thể, hình ảnh đó sẽ bị người khác lưu lại, chụp lại rồi sử dụng với các mục đích khác nhau, trong đó không kể đến những mục đích xấu. Không những thế, có nhiều đoạn livestream nhạy cảm bị kẻ xấu lợi dụng tung lên các trang mạng “đen” để câu lượt xem. Sau khi lượt xem tăng lên họ sẽ cài mã độc độc ở ngay trong video đó và khi người xem kích vào, mã độc sẽ phát tán đến máy nạn nhân và họ sẽ xâm nhập vào máy nạn nhân để lấy các dữ liệu nội bộ hoặc thông tin cá nhân” – ông Thắng nhận định.