Dân Việt

Tự tử, đánh ghen, cướp giật livestream rất dễ lây lan

Minh Nguyệt (thực hiện) 20/01/2018 06:40 GMT+7
PV Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất về một số vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện đại như đánh ghen, cướp giật livestream..

img

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất.  Ảnh: I.T

Thưa ông, nguyên nhân nhiều người ngày càng có hành vi lên mạng livestream tự tử, đánh ghen thậm chí cướp giật bắt đầu từ đâu?

- Ông Nguyễn An Chất: Có thể nói facebook hiện nay như một món ăn tinh thần của nhiều người. Ăn người ta cũng lướt mạng, ngủ người ta cũng lướt mạng… Vì thế không có gì khó hiểu giờ đi ăn trộm, thậm chí là tự tử người ta cũng giơ mặt ra để livestream. Việc lên mạng livestream gần như một trào lưu của giới trẻ. Nhiều người xem đó như một trò chơi, giải khuây, trọc cười và câu like. Là trào lưu nên nó dễ ảnh hưởng và lôi kéo những người khác làm theo.

Sở dĩ con người ta có những hành động kỳ cục, vừa muốn chết, vừa muốn quảng cáo cho cái chết của mình như vậy là bởi rất nhiều người rơi vào trạng thái “nghiện facebook”. Bởi vì nghiện nên suy nghĩ cũng lệch lạc, hành động thiếu suy nghĩ.

Vậy theo ông, làm sao để có thể sớm nhận diện những lệch lạc trong nhận thức của những con người này?

- Tôi cho rằng không khó để có thể nhận diện điều này. Một số công dân bây giờ có suy nghĩ lệch lạc, nhận thức lạ trong cuộc sống hiện tại. Điều này cũng dễ hiểu thôi, môi trường cuộc sống luôn luôn tác động vào ý thức con người. Ý thức con người thay đổi theo môi trường cuộc sống. Kiến thức trong môi trường mạng thay đổi và được cập nhật liên tục. Bản tính của con người lúc nào cũng thích đổi mới, thử nghiệm mình, khẳng định mình. Một số người tuổi trẻ thích đổi mới thử nghiệm và luôn luôn muốn khẳng định mình. Có những người nghĩ sáng chế có ích cho đời, cho bản thân và nhân loại, nhưng có người lại ngược lại. Họ chỉ thích hành động kỳ quặc để nổi tiếng. Những hành động trên chính là thể hiện sự lệch lạc trong nhận thức của con người.

Thưa ông, ngoài việc tạo sự ồn ào trên mạng xã hội thì những hành động livestrem câu like này còn để lại những hậu quả gì?

- Ngoài việc tạo nên những ồn ào không đáng có, những vụ việc này còn vô tình tạo nên một “làn sóng” lây lan căn bệnh sống ảo trên mạng xã hội. Nhiều người sẽ nghĩ rằng những hành động đó là hay, là giảm căng thẳng, để chia sẻ, tạo sự đồng cảm… Rõ ràng nó sẽ tác động rất tiêu cực tới suy nghĩ của những người cùng sống trong một cộng đồng mạng xã hội. Khi con người ta buồn chán vì việc gì đó, không tìm được cách chia sẻ, giải quyết thì người ta cũng sẽ học theo, làm theo y như vậy.

Theo ông cần phải làm gì để ngăn chặn những hành động lệch chuẩn này?

- Muốn ngăn chặn hành động này cần nhiều giải pháp. Theo tôi, trước hết cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan như Bộ Thông tin- Truyền thông, Hội Liên hiệp Thanh niên… cần phải có những tuyên truyền giáo dục cho người trẻ nắm được những kiến thức cần thiết khi tham gia giao tiếp trên mạng xã hội.  Cơ quan quản lý cũng cần tạo những sân chơi cho người trẻ giải toả căng thẳng, giúp họ tránh xa những suy nghĩ tiêu cực, khi gặp khó khăn thì có nơi để được tư vấn, hỗ trợ giải quyết.

Bản thân những người tham gia cộng đồng mạng cần phải thật tỉnh táo, biết lựa chọn những thông tin hữu ích. Thêm vào đó, cũng cần có kiến thức trong việc đưa thông tin. Không phải thông tin nào cũng quăng lên, hay chia sẻ trên mạng xã hội.

Xin cảm ơn ông!