Dân Việt

Nhôn Mai 4 không

07/11/2011 19:46 GMT+7
(Dân Việt) - Không điện lưới, không đường bộ, không chợ, không sóng điện thoại là nguyên nhân khiến bà con các dân tộc vùng biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Nhôn Mai có 12 bản (2 bản dân tộc Thái, 3 bản dân tộc Mông, 7 bản dân tộc Khơ Mú) với hơn 2.500 nhân khẩu. Nhôn Mai là một trong những xã nghèo đứng đầu tỉnh về tỷ lệ hộ nghèo, với con số trên 90%.

img
Cảnh trọ học của học sinh Trường THCS Nhôn Mai.

Thiếu đủ thứ

Là xã thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ nhưng Nhôn Mai vẫn chưa có điện lưới. Thiếu điện là trở ngại của bà con trong việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật nên đàn trâu, bò của xã thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh. Trận dịch năm 2010, xã bị chết hàng trăm con trâu, bò.

Để giao lưu với bên ngoài, người dân Nhôn Mai gần như chỉ có duy nhất một con đường là đi xuồng qua lòng hồ Bản Vẽ. Cước phí từ đây ra đến bến Thượng Lưu (gần thủy điện) trên dưới 100.000 đồng/người/lượt, nên có việc gì thật sự cần thiết bà con mới ra trung tâm huyện, thậm chí có những người hàng năm không đi khỏi địa bàn xã mình. Từ trung tâm xã đến các bản không có cách nào khác là cuốc bộ. Có những bản xa như Huồi Cọ, Thăm Thẩm, Piêng Luống... phải mất 6- 8 giờ đi bộ.

Địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn còn là lực cản lớn đối với việc học tập của các em học sinh. Để có cái chữ, nhiều em phải dựng lều tạm gần trường để trọ học; trèo đèo lội suối để đến lớp. Đây cũng là nguyên nhân nhiều em phải bỏ học giữa chừng.

Hiện nay, số học sinh toàn xã tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT có thể tính được trên đầu ngón tay, số học sinh theo học đại học, cao đẳng và các trường chuyên nghiệp càng ít.

Thực ra, tuyến đường nối các huyện miền tây Nghệ An từ Kỳ Sơn, qua Tương Dương đến Quế Phong đã bắt đầu thi công đến địa phận xã Nhôn Mai nhưng do địa hình hiểm trở, thời tiết không thuận lợi nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, trong một vài năm tới, Nhôn Mai có thể vẫn chưa có đường bộ.

Đói nghèo

Cư trú trên địa hình đồi núi cao vùng biên giới, lại cách xa trung tâm huyện, việc đi lại gặp nhiều khó khăn nên sản xuất của bà con các dân tộc ở Nhôn Mai vẫn là tự cung, tự cấp. Không có chợ, các sản phẩm bà con làm ra không có nơi tiêu thụ, còn đem ra thị trấn bán thì không đủ tiền xuồng, mà cũng không có ai đến đây để thu mua sản phẩm. Gần đây, trên địa bàn xã đã xuất hiện một số mô hình trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc, nhưng đa số bà con vẫn chưa dám và nhân rộng mô hình vì không có nơi tiêu thụ sản phẩm.

Trở lại Nhôn Mai sau 4 năm, cảm nhận của chúng tôi là xã chẳng mấy đổi thay, ngoại trừ nước lòng hồ thủy điện đã dâng lên tận trung tâm xã nên không phải cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ như trước và một vài đoạn đường đang thi công dang dở.

Đến Nhôn Mai, ngoài nỗi e ngại đường xa, còn có nỗi e ngại không liên lạc được với bên ngoài, bởi cánh sóng của các "nhà mạng" chưa tới nơi vùng cao, biên giới này.

Ngoài thư từ qua đường bưu điện và nhắn tin qua người đi xuồng, cách liên lạc nhanh nhất là phụ thuộc vào chiếc máy điện thoại vệ tinh chạy bằng năng lượng mặt trời đặt tại trụ sở UBND xã. Nếu thời tiết nắng ráo, chiếc điện thoại này còn có thể liên lạc được, vào những ngày trời âm u, mưa gió, máy không đủ năng lượng để hoạt động.

Ông Vi Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thông tin liên lạc cũng là một trở ngại rất lớn trong công tác điều hành, lãnh đạo và chỉ đạo cơ sở cũng như tiếp nhận chủ trương của cấp trên". Tâm sự với chúng tôi, ông Kha Dương Tiến - Bí thư Đảng ủy xã bảo: "Nhôn Mai rất mong Nhà nước sớm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng”.

Rời Nhôn Mai, chúng tôi băn khoăn, khi nào nơi đây mới xóa được "4 không"? .