Dân Việt

Người làm chính trị liệu có đủ sức quản lý tài sản 5 triệu tỷ đồng?

Hoàng Thắng - Quốc Hải 20/01/2018 07:49 GMT+7
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, vừa có cuộc trò chuyện với mục "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt xung quanh quyết định thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng việc ra đời của “siêu uỷ ban” này chỉ là giải pháp tốt thứ nhì, tốt nhất chính là cổ phần hoá và băn khoăn về người đứng đầu uỷ ban lại là một người xưa nay làm chính trị.

“Siêu Uỷ ban” chỉ là giải pháp tốt thứ nhì

Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các DN?

Tôi cho rằng sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các DNNN chỉ là lựa chọn tốt nhất thứ nhì. Bởi lựa chọn tốt nhất là cần phải cổ phần hóa các DNNN đó. Nhà nước không có lý do lý thuyết hay thực tiễn nào để nắm giữ các DNNN. Song sự do dự, dùng dằng lợi ích và mong muốn níu kéo các đặc quyền khiến tiến trình cổ phần hóa luôn bị chậm trễ.

img

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

Chúng ta cần nhìn nhận thực tế, tình hình quản lý vốn và tài sản trong các DNNN đang gặp nhều trục trặc, không hiệu quả. Tổng tài sản của các DNNN hiện nay khoảng 5 triệu tỷ đồng, con số này tương đương với mức dư nợ trong nền kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, 5 triệu tỷ đồng dư nợ trong nền kinh tế tính ra khoảng 135% GDP có một phần là khu vực Nhà nước và một phần vào khu vực tư nhân. Giả sử, 5 triệu tỷ đồng của DNNN được phân bổ cho khu vực tư nhân quản lý và sử dụng sẽ là một nguồn lực lớn cho quốc gia.

Gần đây, khi Chính phủ liên tục thúc ép, việc cổ phần hóa đã có kết quả bước đầu. Điển hình là trường hợp của Sabeco, Vinamilk, Bình Sơn… và một loạt DNNN chuẩn bị cổ phần hóa hoặc tiếp tục thoái vốn.

Nếu chúng ta làm việc này thực sự tốt, sự ra đời của Ủy ban sẽ là không cần thiết. Nhưng vì sự dùng dằng lợi ích, chúng ta vẫn cần tới Ủy ban như lựa chọn tốt nhất thứ nhì.

Vậy sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN có bóc tách được chức năng quản lý và chức năng sở hữu, quản lý DN tại các DNNN?

Có một thực tế, DNNN hiện đang tồn tại 3 trong 1 chức năng: đại diện sở hữu, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp. Ba chức năng này cùng nằm trong một DNNN nhưng mâu thuẫn với nhau, dẫn tới tình trạng khuyến khích độc quyền, từ đó nuôi dưỡng yếu kém.

Về chức năng đại diện sở hữu, Nhà nước đại diện sở hữu trong DNNN, có vị trí đại diện sở hữu của Nhà nước như Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT. Thậm chí, Tổng giám đốc tập đoàn cũng do Nhà nước bổ nhiệm. Như vậy Nhà nước vừa nắm quyền sở hữu, vừa trực tiếp điều hành DN.

Ngoài ra, DNNN trực thuộc các Bộ, ngành trong khi Bộ, ngành lại thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực được giao. Như vậy, dẫn tới mâu thuẫn là các DN này biến quy hoạch phát triển ngành thành chiến lược phát triển của DN.

Ví dụ, Bộ Công Thương phải hoạch định chính sách cho một ngành cụ thể là điện hay lọc hóa dầu… Song với vai trò của DNNN trong ngành do Bộ trực tiếp sở hữu và quản lý sẽ dẫn tới việc Bộ quy hoạch phát triển cho riêng DN của Bộ chứ không phải cho toàn ngành.

Khi xây dựng chính sách cho ngành điện, lọc hóa dầu… Thường là chính sách do các DNNN soạn, hoặc có vai trò quyết định của họ. Khi để cho các DNNN soạn thảo, trình Bộ chủ quản, chắc chắn họ sẽ đưa vào đó những lợi ích của họ. Chính sách sau đó sẽ được trình lên Chính phủ, Chính phủ phê duyệt xong quay về thực hiện lại giao cho các tập đoàn, DNNN thực thi. Đó là mâu thuẫn.

Khi chúng ta quy hoạch chiến lược phát triển của một ngành thì kèm theo đó là huy động và phân bổ nguồn lực. Khi chiến lược phát triển ngành trở thành chiến lược phát triển của một DNNN thì hầu hết nguồn lực sẽ được giành cho DNNN đó. Điều này vô hình chung sẽ đẩy các DN tư nhân ra ngoài lề của các chiến lược phát triển đó.

Đây là lý do lớn nhất để Chính phủ thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Các DNNN đang nằm dưới sự quản lý của các Bộ, ngành sẽ thu về một đầu mối quản lý là Ủy ban. Ủy ban sẽ bóc, tách chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sở hữu, quản lý DNNN.

“Sự ra đời của Ủy ban không hoàn toàn xóa bỏ sự trục trặc lớn nhất mà chúng ta đã nhận diện là trục trặc 3 trong 1. Một nhánh trong đó bị làm mờ đi, còn 2 nhánh còn lại vẫn hiện hữu”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Song tôi cho rằng sự ra đời của Ủy ban vẫn không giải quyết tận gốc vấn đề bởi cuối cùng Nhà nước vẫn sở hữu DNNN. Thay vì thuộc Bộ quản lý thì giờ là “Siêu ủy ban”, tình trạng 3 trong 1 chuyển thành 2 trong 1, vẫn duy trì chức năng sở hữu Nhà nước và quản trị DN.

Ngoài ra, vẫn còn một chức năng mờ khác là quản lý ngành. Vì trong đại diện của Ủy ban vẫn còn đại diện của các Bộ, ngành trong đó.

Một vấn đề là chúng ta chưa nhận diện địa vị pháp lý của Ủy ban. Nó sẽ là một cơ quan ngang Bộ hay nằm dưới Bộ? Nếu Ủy ban nằm dưới Bộ, thì Bộ khác có thể tác động lên nó. Ngược lại, nếu Ủy ban là một cơ quan ngang Bộ, nghĩa là chúng ta lại “đẻ” thêm một Bộ khác trong khi đang cần tinh giản biên chế. Ngoài ra, Ủy ban không thể nằm trên Bộ được bởi không một thể chế nào cho phép như vậy.

Một cách khác là chuyển bớt các Cục, Vụ có chức năng quản lý vốn, tài sản tại DNNN sang Ủy ban. Nhưng làm như vậy thì vẫn là con người cũ, bộ máy cũ, tư duy cũ. Vậy hiệu quả của cơ quan này lúc đó sẽ như thế nào?

Nói như vậy, việc ra đời siêu uỷ ban quản lý vốn Nhà nước, nếu muốn không tăng thêm biên chế sẽ phải điều chuyển một số người của các cục vụ liên quan ở một số bộ ngành về. Như vậy vẫn là tư duy cũ, và khó tránh khỏi tình trạng “bình mới, rượu cũ”. Ông nghĩ thế nào?

Về cơ cấu tổ chức, vẫn tồn tại đại diện của các Bộ trong Ủy ban. Tức là chúng ta chưa xóa bỏ được lợi ích của Bộ, ngành vì đại diện Bộ, ngành trong Ủy ban phải đại diện cho lợi ích của họ.

Chúng ta vừa muốn các DNNN thoát ly khỏi các Bộ, ngành nhưng vẫn muốn níu vai trò quản lý ngành của các Bộ trong Ủy ban. Đó là sự mâu thuẫn. Rõ ràng chúng ta không dứt khoát.

Nếu chúng ta muốn loại bỏ trục trặc 3 trong 1 nêu trên thì không nên có đại diện của Bộ, ngành trong Ủy ban. Muốn thoát ly cần con người mới, bộ máy mới, tư duy mới và trách nhiệm độc lập.

img

12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương (Ảnh: TTX)

Vấn đề ở đây là phải tìm con người mới bởi đại diện Bộ, ngành trong Ủy ban dễ dẫn tới va chạm lợi ích, không thể thống nhất để đưa ra bất kỳ quyết định nào. Không có con người mới với tư duy đột phá thực sự, thì thực chất câu chuyện lập siêu uỷ ban chỉ là “bình mới, rượu cũ” thôi. “Bình mới” là một Ủy ban, nhưng “rượu cũ” là những con người trong bộ máy cũ đó.

Chúng ta chưa có cơ chế sử dụng người tài bên ngoài. Còn người cũ thì chúng ta chưa chắc đã tìm được một người đủ năng lực. Đó là một sự trục trặc khác.

"Bây giờ các DN cổ phần hóa chuyển sang cho người mới, công việc nặng nề, tồn đọng, rồi họ sợ trách nhiệm. Phải xem xét, rà soát quá trình cổ phần hóa để tránh sai sót. Như vậy là làm chậm quá trình cổ phần hóa.

Phải xử lý dứt điểm các DN, dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Nhưng việc xử lý nằm ở các Bộ, ngành. Giờ đưa các DNNN về “siêu ủy ban”, nhưng Ủy ban đâu thể làm thay vai trò của các Bộ, ngành.

Phải rất cẩn trọng, sinh ra một bộ máy thì dễ, nhưng khi bộ máy hoạt động không hiệu quả hay kết thúc sứ mệnh của nó, rất khó để giải tán nó. Thậm chí, còn phải nghĩ tới việc xử lý nhân sự ở đó như thế nào?”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn

Có một điều dư luận băn khoăn đó là những sai phạm tại các DNNN, 12 dự án thua lỗ đang đắp chiếu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu chuyển sang Uỷ ban thì sẽ xử lý thế nào?

Đúng là có một điều đáng lo, đó là dễ xảy ra tình trạng “Cha chung không ai khóc”. Để DNNN ở các Bộ, ngành dễ có trục trặc, nhưng đã ràng buộc trách nhiệm rõ ràng, sẽ dễ hơn. Đơn giản như 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương, Bộ này phải chịu trách nhiệm.  

Nhưng bây giờ những dự án đầu tư yếu kém đó, sau khi đưa về Ủy ban vẫn yếu kém thì quy trách nhiệm cho ai? Giờ là một Ủy ban với rất nhiều thành viên trong đó, Bộ Công Thương có thể cho rằng đó không còn là trách nhiệm của riêng Bộ, mà là của cả tập thể. Đó là trục trặc có thể nảy sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu hành lang pháp lý cho Ủy ban hoạt động. Quy chế, tổ chức, xác lập trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban và cách thành viên, chức danh bên trong Ủy ban, quan hệ của Ủy ban với các Bộ, ngành… chúng ta đều thiếu. Trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, dễ dẫn tới dùng dằng lợi ích.

Ai có đủ năng lực quản lý khối tài sản 5 triệu tỷ đồng?

Ông đánh giá thế nào về khả năng quản lý vốn Nhà nước tại DNNN của Uỷ ban?

Mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ cho Ủy ban cũng chưa rõ ràng. Chúng ta gọi là Ủy ban quản lý, nhưng nội hàm của từ “quản lý” là gì?

Nếu là Cục Quản lý Công sản, hay đơn giản hơn là một người thủ kho có nhiệm vụ cân, đo, kiểm, đếm tài sản trong kho thì rất đơn giản. Nhưng trách nhiệm quản lý của Ủy ban là bảo toàn vốn và tài sản hay tối đa hóa giá trị tài sản, hoặc quản lý cổ phần hóa?

SCIC đã không thành công vì không xác định được mục tiêu rõ ràng. Vậy nội hàm của từ “quản lý” ở đây là gì?

Nếu là bảo toàn vốn và tài sản thì chỉ cần tìm ngân hàng để bỏ vốn, tài sản vào đó. Còn tối đa hóa giá trị tài sản thì Sabeco, Vinamilk đang sinh lời, vì sao phải cổ phần hóa những DN này? Thậm chí, còn phải tìm mua thêm những công ty, cổ phiếu tăng trưởng tốt nữa. Chắc chắc, Ủy ban không thể làm những việc đó được.

img

12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương (Ảnh; TTX)

Nội hàm của từ “quản lý” ở đây rất quan trọng. Nếu lặng lẽ làm với mục tiêu không để thất thoát tài sản, không bị đi tù còn hiệu quả thì chưa chắc. Còn nếu làm tối đa hóa giá trị tài sản thì thoái vốn không phải mục tiêu. Vậy thì mục tiêu ở đây là gì?

Trong khi một số người cho rằng phải làm cho DN nhỏ lại để dễ quản lý nhưng nhỏ lại không hiệu quả. Nhỏ lại khi DN cổ phần hóa, bán bớt vốn ra thị trường. Nhưng chỉ có thể cổ phần hóa được các DN tốt, sao có thể bán hàng kém chất lượng được. Phải bán hàng có chất lượng thì cuối cùng lại là quản lý ngược. Chúng ta giữ những DN yếu kém ở lại, đẩy những DN tốt đi thì mục tiêu của chúng ta là gì?

Với tổng tài sản của DNNN mà siêu uỷ ban này sẽ quản lý là 5 triệu tỷ đồng, đây là khối tài sản có quy mô lớn. Vậy ai sẽ đủ năng lực để quản lý hiệu quả số vốn này? Liệu có quá sức với người đứng đầu uỷ ban hiện nay?

5 triệu tỷ đồng là một lượng tài sản quá lớn. Đó là sự thách thức về năng lực quản trị đối với Ủy ban. Việt Nam liệu đã có nhà quản trị nào đủ sức quản lý lượng tài sản này một cách hiệu quả?

Hơn nữa, số vốn này đâu chỉ tập trung trong một ngành, chúng nằm ở rất nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dầu khí, diện lực… Liệu người đứng đầu có đủ hiểu biết và năng lực chuyên môn để quản lý không? Đó mới là vấn đề.

Ở Việt Nam, không tính khu vực Nhà nước, để tìm được 1 người xuất sắc đủ sức quản trị một doanh nghiệp đã là khó. Ngay cả những tỷ phú giàu nhất Việt Nam cũng chỉ quản lý lượng tài sản bằng 1/10, 1/15 con số khổng lổ nêu trên đã gặp vấn đề rồi.

Giờ giao cho một người xưa nay làm công tác lãnh đạo chính trị sang quản lý 5 triệu tỷ đồng tài sản liệu có đủ sức quản lý không?

Trước đẩy trách nhiệm quản lý thuộc riêng từng Bộ. Bộ Công Thương mới chỉ quản lý một phần của con số 5 triệu tỷ đồng này còn chưa làm hiệu quả. Giờ gom cả tài sản của các Bộ khác, cả SCIC về thì làm sao có thể quản lý nổi?

“Một vấn đề nữa là quản trị DN và trách nhiệm giải trình. Cần tuyển một người có năng lực kỹ trị, am hiểu về kinh tế thị trường, chiến lược DN, quản trị DN. Điều này hệ thống của chúng ta chưa làm được. Góc nhìn của người làm chính trị khác với người làm kinh doanh”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Một vấn đề tôi quan tâm là cơ chế, chính sách, chế độ lương, thưởng vẫn theo chế độ Nhà nước. Với vị trí lãnh đạo cấp cao, tôi nghĩ sẽ có chế độ lương thưởng theo cơ chế thị trường với mục đích khuyến khích.

Nhưng bộ máy thừa hành phía dưới cũng rất quan trọng, phải có chế độ khuyến khích. Nếu áp dụng hệ thống lương của Nhà nước thì không ổn. Còn nếu theo chế độ lương, thưởng như các DN tư nhân thì phải tính trên hiệu quả làm việc.

Vậy mục tiêu, hiệu quả của Ủy ban là gì? Phía trên tôi đã phân tích là chúng chưa rõ ràng. DN nếu hoạt động có lợi nhuận sẽ thưởng nhằm khuyến khích giám đốc điều hành, nhân viên mang về thật nhiều lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận tài chính rất dễ hạch toán, còn “siêu ủy ban” có rất nhiều DN, có DN mang về hiệu quả tài chính, có DN mang về hiệu quả xã hội. Vậy phải lượng hóa thành tiền như thế nào để tính lương?

Sứ mệnh của “siêu Uỷ ban” nên tồn tại trong bao lâu?

Vậy Chính phủ nên có những giải pháp gì để đạt được mục tiêu quản lý vốn Nhà nước hiệu quả?

Thứ nhất, chúng ta phải tư duy lại một cách mạch lạc vai trò của kinh tế Nhà nước, DNNN. Chừng nào vẫn giữ tư duy kinh tế Nhà nước là chủ đạo, DNNN là đầu tàu thì không cách này lại bằng cách khác, chúng ta vẫn sẽ bơm tiền, nguồn lực, giành ưu đãi cho nó.

Phải xóa bỏ tư duy xem DNNN là công cụ quản lý vĩ mô, công cụ quản lý vĩ mô vì nó không phù hợp với nhận thức về kinh tế thị trường. Công cụ quản lý kinh tế vĩ mô là chính sách tài khóa, tiền tệ, ngoại thương, cơ cấu… DNNN chỉ là một thực thể kinh tế. Do vậy, nó chịu ảnh hưởng bởi cách chính sách điều tiết vĩ mô chứ không thể là công cụ điều tiết vĩ mô.

Muốn ổn định giá cả phải dựa vào chính sách tài khóa, điều tiết cung tiền phù hợp với lượng cầu chứ không thể yêu cầu DNNN ổn định giá cả qua việc bán hàng bình ổn giá. Như vậy là phá bỏ vai trò của chính sách tài khóa, tiền tệ.

Kinh tế Nhà nước chỉ nên thực hiện những gì tư nhân không muốn làm, không thể làm, không được phép làm thay thị trường, không được phép làm những gì kinh tế tư nhân có thể làm và muốn làm.

Trong Quyết định 58 của Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN sẽ thấy rất nhiều DNNN mà chúng ta không tìm thấy lí do, cơ sở gì để duy trì vai trò sở hữu của Nhà nước cả. Việc chuyển DNNN từ Bộ sang Ủy ban khác nào chuyển từ tay phải sang tay trái, vẫn nằm trong tay của Nhà nước.

Thứ hai, sau tư duy mạch lạc, phải đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn. Đó là biện pháp tốt nhất, đi đến cùng của cải cách. Phải giải phóng nguồn lực khỏi bàn tay Nhà nước, để bàn tay thị trường làm. Phải đẩy nhanh cổ phần hóa, không thể vì khó làm mà đưa qua Ủy ban.

"Nếu lập ra Ủy ban, phải xác lập quyền hạn, trách nhiệm, trách nhiệm giải trình. Trước khi trao quyền, phải kiểm soát quyền. Khi đưa ra một quy định, nghĩa là đang trao quyền cho một, hoặc một nhóm người có trách nhiệm thực thi quy định đó. Vậy nên trao quyền cũng đồng thời phải giao trách nhiệm giải trình.

Một DNNN làm ăn kém hiệu quả, người được trao quyền phải có trách nhiệm giải trình trước ai. Trước đây thuộc Bộ Công Thương thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm, giờ nếu về Ủy ban thì ai là người chịu trách nhiệm? Và giải trình trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội hay ai?", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn.

Bởi giải trình trách nhiệm trước ai nghĩa là đại diện lợi ích cho đối tượng đó. Trong trường hợp của Ủy ban, khi phải giải trình trách nhiệm trước Chính phủ nghĩa là họ nhân danh lợi ích của Chính phủ, lúc này trục trặc 3 trong 1 vẫn tồn tại.

Thứ ba, phải độc lập khỏi cách vấn đề chính trị. Ở Singapore, Công ty Temasek kinh doanh vốn và tài sản của Nhà nước rất thành công vì làm được điều này. Công ty này chịu trách nhiệm giải trình độc lập, chỉ chịu sức ép về vốn và hiệu quả kinh doanh.

Song điều này rất khó vì Chủ tịch Ủy ban là một Ủy viên Trung ương, khó mà độc lập khỏi vấn đề chính trị.

Thứ tư, phải xác định mục tiêu rõ ràng là bảo toàn giá trị tài sản, tối đa hóa giá trị tài sản, thúc đẩy cổ phần hóa hay xử lý dự án yếu kém. 

Thứ năm, xây dựng cơ chế khuyến khích phù hợp, lấy hiệu quả làm thước đó. Đồng thời, gắn với trách nhiệm giải trình của bộ máy quản trị.

Thứ sáu, nâng cao năng lực kỹ trị của lãnh đạo, áp dụng chuẩn mực quản trị DN hiện đại.

Thứ bảy, phải có cạnh tranh. Đây là chất xúc tác mang lại hiệu quả. Điển hình là trường hợp cạnh tranh trên thị trường viễn thông giữa Viettel, MobiFone, VinaPhone. Việc lập một Ủy ban tập trung sẽ khó mang lại sự cạnh tranh.

Ông nghĩ sao khi chức năng của SCIC và Uỷ ban quản lý vốn khá tương đồng nhau. Vậy có nên hay không sự tồn tại của SCIC và sứ mệnh của Uỷ ban quản lý vốn nên kéo dài bao lâu?

SCIC là một công ty kinh doanh vốn và tài sản Nhà nước, Ủy ban có thể quản lý hoạt động của SCIC. Bản thân SCIC đã gặp khá nhiều vấn đề, khi thuộc quản lý của Ủy ban, trách nhiệm sẽ được đẩy về cho đơn vị này. Nó sẽ làm giảm vai trò độc lập, sự năng động của SCIC đi.

Khi SCIC về đây, chức năng của công ty có thay đổi không cũng là một vấn đề. Nếu giữ nguyên chức năng hiện tại, họ cũng không cần thiết phải về ủy ban.

Quản lý chặt chẽ vốn và tài sản Nhà nước tại các DN là cần thiết. Nhưng trong xu hướng hội nhập chung, chúng ta đang đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Vậy Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại DN nên hoạt động theo hình thức nào và chúng ta nên duy trì Ủy ban trong bao lâu?

Nhiều ý kiến nhận định, khi các DNNN vốn thuộc quản lý của Bộ chủ quản được chuyển về Ủy ban, lợi ích nhóm của các Bộ sẽ bị tước đi. Ông có lo lắng các bộ ngành sẽ gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi không?

Chắc chắn là có. Quá trình chuyển đổi sẽ có sự dùng dằng, muốn níu giữ lợi ích.

Trong quá trình bàn giao, những DNNN yếu kém thuộc Bộ quản lý dễ bị cắt lại để tránh đùn đẩy trách nhiệm cho Ủy ban. Nhưng Bộ lại muốn đẩy những DN này đi để tránh chịu trách nhiệm với các DN này.

Còn về lợi ích, các Bộ sẽ không dễ dàng buông. Họ sẽ tìm cách duy trì lợi ích của họ.

Xin cám ơn ông!