Phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm là phiên toà có nhiều cái nhất từ trước đến nay ở nước ta kể từ thời lập quốc. Đó là người có địa vị cao nhất, một nguyên uỷ viên Bộ Chính trị. Đó là nhiều người đứng đầu và có học vị rất cao là tiến sỹ khoa học.
Trong phần các bị cáo được nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng khóc và xin Toà được về ăn cái Tết cuối cùng bên gia đình. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (lại cũng khóc) xin lỗi Tổng bí thư và còn xin sau khi Toà kết thúc được sang Đức để được sống cùng vợ con vì họ không biết ngoại ngữ.
Bị cáo Đinh La Thăng đọc lời cuối trước khi tòa nghị án. Ảnh TTXVN.
Theo bộ luật Tố tụng hình sự, chuyện tại ngoại chỉ khi đang trong quá trình điều tra, xét thấy không nguy hiểm cho xã hội. Các luật sư cho rằng trường hợp của ông Đinh La Thăng, đang xét xử và sẽ tuyên án thì khó được tại ngoại vì sẽ thi hành bản án khi Toà tuyên.
Hơn nữa ông Thăng bị Viện Kiểm sát khởi tố với tội danh: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 165 bộ luật Hình sự năm 1999. Do vi phạm tội nghiêm trọng về kinh tế, có ảnh hưởng đến chính trị đất nước.
Còn việc Trịnh Xuân Thanh xin HĐXX sau khi kết thúc phiên toà được sang Đức sinh sống còn ảo tưởng hơn. Toà sẽ tuyên án và ông Thanh sẽ phải thi hành án tại Việt Nam.
Như vậy, với tội danh bị truy tố và để đảm bảo cho bản án sau này được thi hành thì việc ông Thăng được Hội đồng xét xử xem xét cho tại ngoại và ông Thanh xin được sang Đức sống cùng vợ con chắc không thể có.
Bị cáo Đinh La Thăng đã đề nghị được tại ngoại để "ăn cái Tết cuối cùng với gia đình". Ảnh TTXVN.
Nhưng có gì đó cũng thật khó hiểu. Có bị cáo tự bào chữa đã làm cho dư luận, nhất là trái chiều được thể tung hô.
Trong phần tranh luận của Viện kiểm sát về cách hiểu của ông Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu xuất phát từ Kết luận 41 của Bộ Chính trị về chủ trương xây dựng tập đoàn PVN, rằng thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam...
Đại diện VKS cho rằng hiểu như vậy là không đúng, là lẩn tránh trách nhiệm. Kết luận 41 của Bộ Chính trị không đề cập đến việc cho PVN chỉ định thầu. Chính phủ cũng không có văn bản đồng ý cho Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu.
Ngay cả cách hiểu về hợp đồng 33, điểm xuất phát để từ đó dẫn đến nhiều sai phạm nghiêm trọng sau này, đại diện VKS cũng đặt vấn đề: Các bị cáo có biết hay thiếu trách nhiệm nên để hợp đồng 33 và hợp đồng 4194 thiếu cơ sở pháp lý và dẫn đến việc tạm ứng tiền trái quy định?
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm. Ảnh TTXVN.
Trong bài viết Một góc nhìn khác về hiện tượng Đinh La Thăng, từ những năm 2011 khi đó ông Thăng vừa mới làm Bộ trưởng được xem như một hiện tượng, người viết bài này cho rằng ông Thăng đúng là quyết liệt, đúng là nhiệt huyết song với cương vị của một quan chức "đứng trên vạn người" thì mỗi việc làm, mỗi lời nói đều phải "bảy lần đo, một lần cắt" như một câu ngạn ngữ của Nga. Ở đây không phải đến mức sợ không dám nói, không dám làm mà là nói và làm như thế nào.
Vụ án sẽ đến hồi kết, tuy nhiên một vụ án khác lại sắp mở ra. Những gì diễn ra tại toà đem lại cho người theo dõi những cảm xúc khác nhau. Có nhiều giọt nước mắt đã rơi. Có nhiều lời thương cảm...
Tuy nhiên đã là luật pháp, đã là kết tội theo luật thì tự nó đã là sự công bằng, sự nhân văn. Bởi suy cho cùng, thực thi luật pháp, nhận thức và làm theo luật pháp, bản thân nó đã đem lại cho xã hội nói chung và từng cá nhân nói riêng sự bình đẳng, công bằng và nhân văn sâu sắc.