Dân Việt

Chương trình môn học mới không hề giảm tải?

Tùng Anh (ghi) 23/01/2018 12:22 GMT+7
Giảm áp lực học tập cho học sinh là điều rất nhiều phụ huynh, học sinh mong chờ ở chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, sau khi dự thảo các môn học trong chương trình mới được công bố, nhiều người đã thất vọng.

Góp ý cho chương trình mới, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên khoa giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Khi dự thảo chương trình phổ thông tổng thể được công bố, rất nhiều ý kiến cho rằng chương trình không hề giảm tải so với chương trình cũ. Cá nhân tôi đồng ý với những ý kiến này”.

Đã giảm tải ở chỗ nào?

Đồng ý với một số đổi mới về dung lượng, bà Hương cho rằng,chương trình mới đã có hướng tăng tải một cách hợp lý về phổ rộng kiến thức.

img

TS Vũ Thu Hương.

Cụ thể, các mảng kiến thức được đề cập đến phạm vi thế giới thay vì bó hẹp trong biên giới đất nước như trước kia. Điều này cho phép học sinh có cái nhìn rộng hơn, tổng thể hơn, dễ dàng so sánh giữa Việt Nam và các nước trên thế giới để có những định hướng phù hợp với sự phát triển đất nước trong tương lai và yêu cầu hội nhập.

Cũng theo bà Hương, việc tăng tải về phổ rộng kiến thức sẽ khiến lượng bài tập giảm sút do giáo viên không thể chú trọng vào một mảng nào để tạo ra những khối lượng bài tập khổng lồ, khống chế thời gian và công sức làm việc của trẻ. Điều này cũng góp phần làm cho việc học thêm dần trở nên không cần thiết với học sinh, tạo điều kiện cho sự giảm tải thật sự diễn ra.

“Khi kiến thức phổ rộng, chính giáo viên cũng cần phải có sự trau dồi kiến thức và kĩ năng dạy học. Điều này sẽ khiến giáo viên dễ dàng chấp nhận những ý kiến thông minh đôi khi vượt tầm giáo viên của các học sinh bởi những kiến thức rộng này các em có thể thu nhận từ các nguồn khác nhau ngoài nhà trường. Điều này sẽ tạo ra thế công bằng tốt hơn trong trường học, tạo ra những ngôi trường thật sự dân chủ” – bà Hương nói.

Học bán trú là... tăng tải

Ở khía cạnh khác, TS Vũ Thu Hương cho rằng, mặc dù đã cố gắng giảm tải cho học sinh, nhưng quy định cứng về việc học 2 buổi/ ngày là chưa phù hợp và góp phần tăng áp lực học tập.

img

Điều kiện cơ sở vật chất nhiều nơi chưa đáp ứng với việc học bán trú. Ảnh minh họa: IT.

Chương trình khuyến khích việc học bán trú ở cấp 1 và cả cấp 2 khi điều kiện nhà trường chưa cho phép. Các học sinh còn phải ăn ngủ trưa trong điều kiện chật chội, thiếu an toàn về nhiều mặt.

“Ở nhiều nước trên thế giới, học sinh không học bán trú. Nếu có bán trú thì chắc chắn không có chuyện học sinh phải ngủ trưa trên chính bàn học của mình. Dùng bàn học để ngủ trưa thì làm sao đảm bảo chất lượng giấc ngủ?.

Hơn nữa, mỗi lớp sĩ số lên tới 50 – 60 học sinh, ngày nào cũng phải sinh hoạt, học tập đến gần 10 tiếng trong không gian lớp học chật trội. Các con sẽ học được kỹ năng gì ở đó? Ngược lại rất có thể sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng bệnh trầm, khó khăn trong việc giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại ở học sinh ” – bà Hương phân tích.

Theo TS Hương, nếu học 1 buổi, phòng học sẽ được sử dụng 2 lần trong ngày cho 2 lớp khác nhau, điều này tương ứng với việc số học sinh sẽ giảm đi ½ trong mỗi buổi, giảm áp lực lên cơ sở vật chất, giảm áp lực cho giáo viên và đặc biệt là giảm áp lực lên chính việc học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường mà không phải mất kinh phí xây dựng cơ sở vật chất.

“Tại sao gia đình và học sinh không thể được phép lựa chọn việc học tập 1 buổi hay 2 buổi trên ngày? Có rất nhiều gia đình tam đại/tứ đại đồng đường, có đủ điều kiện chăm sóc con ở buổi thứ hai mà vẫn phải đi học bán trú theo quyết định của bộ giáo dục. Phải chăng chúng ta nên để họ có sự lựa chọn phù hợp với điều kiện của gia đình?” – bà Hương đặt câu hỏi.

"Ngành giáo dục vẫn khẳng định việc học bán trú là giảm tải và giúp học sinh học tập tốt hơn, điều này không hề đúng. Đã có rất nhiều trường học lợi dụng buổi học thứ hai để ép học sinh học thêm ngay trong nhà trường khiến học sinh và phụ huynh vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, trong dự thảo chương trình, môn học mới, việc quy định học 2 buổi/ ngày cần xem xét lại một cách nghiêm túc và hợp lý hơn” – Bà Thu Hương