Dân Việt

Chúng Huyền Thanh, Cát Tường khóc nghẹn khi xem Xuân không màu 2

Sơn Mai 23/01/2018 13:01 GMT+7
Vào tối qua (22.1), Chúng Huyền Thanh và "bà mối" Cát Tường đã đồng loạt đăng đàn “khóc hết nước mắt” khi xem clip ngắn Xuân không màu 2, phim ngắn Tết triệu view đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội mấy ngày qua.

Có vẻ như “cuộc chiến” ăn Tết nội - Tết ngoại bấy lâu nay vẫn rất căng thẳng và chưa phân thắng bại. Trong mỗi gia đình, cuộc chiến ấy dường như khốc liệt hơn mỗi khi tết đến xuân về. Khi chưa lấy chồng thì thong dong tự tại, chẳng có tết nào vắng bóng trong căn nhà tràn đầy yêu thương, nơi có bố, có mẹ, có các anh chị em, bạn bè, hàng xóm. Lấy chồng rồi hội chị em chỉ còn biết nhà chồng, đầu tắt mặt tối chăm chồng, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Mong muốn được về ngoại đón Tết dường như chỉ có trong mơ. Điều cô gái nào cũng muốn thực hiện nhưng chẳng ai dám mở lời giống như nàng dâu trong đoạn phim ngắn "Xuân không màu 2" vậy. Đoạn phim ngắn nói về tâm sự của người phụ nữ lấy chồng xa và mong mỏi một lần được về ăn Tết cùng bố mẹ đẻ nhưng không dám nói cho chồng biết.

img

Giới chị em công sở đang "phát sốt" với phim ngắn "Xuân không màu 2"

Phim ngắn “Xuân không màu 2” kể về câu chuyện của một mái ấm, nơi người chồng đảm nhận công việc đi tìm kiếm ước mơ thật sự của những người phụ nữ nhưng dường như lại quên mất nỗi lòng của chính vợ mình. Và thậm chí, đến lúc được nói lên tiếng nói của chính mình, người phụ nữ ấy cũng không dám ghi hình vì sợ ai đó biết được. Hóa ra, nguyện vọng của cô chỉ đơn giản là: Tết này được ăn tết nhà ngoại.

Nhờ đánh trúng tâm lý phụ nữ, phim ngắn “Xuân không màu 2” đã tạo thành cơn sốt, đạt 1 triệu view chỉ sau hơn 1 ngày đăng tải. Bộ phim ngắn đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả, đặc biệt là chị em phụ nữ.

img

Người mẫu Chúng Huyền Thanh

"Tôi chấp nhận hy sinh để chồng phát triển sự nghiệp nhưng tình cảm gia đình thì nhất định không" - Chúng Huyền Thanh thổ lộ.

img

Trên trang cá nhân, Chúng Huyền Thanh viết:

"Chào cả nhà, sắp Tết rồi mọi người nhỉ? Cả nhà đang làm gì vậy? Còn Thanh thì, từ hôm qua đến giờ, thấy mọi người chia sẻ phim Tết “Xuân không màu 2” nhiều quá nên Thanh cũng vô xem, ai dè xem có mấy phút thôi mà khóc miết à, chồng thấy vậy cứ tủm tỉm cười bảo vợ mít ướt quá, ai đâu vừa xem phim vừa sụt sùi thế kia!

Nhưng phải nói là phim quá hay, quá ý nghĩa, lại xem đúng lúc mình mới lấy chồng, Tết thì đang tới gần, biểu sao mà xúc động quá trời, nhất là lúc cô vợ tâm sự mong muốn của mình dịp Tết là muốn một lần được về đón tết với bố mẹ đẻ, nhưng giấu không dám nói với chồng vì sợ gây thêm áp lực cho chồng mình. Thanh đã khóc sướt mướt đoạn này, biết là diễn viên đấy mà vẫn thương quá là thương.

Có lẽ là quan niệm “dâu con rể khách” đã ăn sâu vào tâm trí nhiều thế hệ, vô hình “trói buộc” người phụ nữ, đến nỗi một mong muốn quá là chính đáng là được về với ba mẹ đẻ để đón 1 cái Tết ấm cúng, được rửa cho mẹ lá bánh chưng, rồi cùng mẹ đi chợ Tết, thắp hương ông bà tổ tiên… cũng trở thành một mong ước xa vời...”

img

Nữ diễn viên Cát Tường

Cùng dòng tâm trạng, bà mối Cát Tường đã không giấu nổi những giọt nước mắt khi xem phim ngắn Xuân không màu 2, cũng bởi: “Tường nhìn thấy Mẹ của Tường trong film này, rõ mồn một luôn”.

img

Với Cát Tường, mẹ là số 1. Câu chuyện mà cô chia sẻ trên mạng xã hội tối qua thực sự khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. “Mẹ Tường vốn là một cô gái Huế, lấy chồng Sài Gòn, trong suốt những năm tháng làm dâu, bà luôn mong muốn một lần về Huế ăn Tết cùng ông bà ngoại. Nhưng bà nội không đồng ý, coi đó là truyền thống gia đình không thay đổi được, nên mẹ chỉ biết câm nín chờ đợi. Cũng có những năm, Tường thấy ba mẹ có tranh luận về việc về đón Tết với bà ngoại, mẹ Tường cũng khóc, cũng cự nự, nhưng bản chất của phụ nữ Huế là nhẫn nhịn, chịu đựng, hi sinh nên cuối cùng thì mẹ vẫn “nuốt trọn nước mắt vào trong, hẹn xuân sau về” như cô vợ trong clip này. Mãi đến năm ngoái, bà nội mất, Tường quyết định tự đặt vé đưa cả nhà về quê ngoại ở Huế đón Tết. Đó cũng là cái Tết đầu tiên của mẹ Tường ở quê ngoại sau gần 40 năm đi lấy chồng. Tuy nhiên, dù đạt được mong muốn mà bà đã đấu tranh gần 40 năm, nhưng niềm hạnh phúc của mẹ đã không còn trọn vẹn, bởi bà ngoại Tường cũng đã không còn".