Dân Việt

Thuộc cấp lên tiếng “bênh” bị cáo Phạm Công Danh

Hữu Ký 23/01/2018 15:38 GMT+7
Thuộc cấp của bị cáo Phạm Công Danh cho rằng, trong vụ án này, Danh bị thiệt hại nặng nhất bởi sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh phải dùng tài sản gồng gánh trả nợ và hôm nay trở thành bị cáo tại phiên tòa này.

Ngày 23.1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị cáo phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại các ngân hàng: VNCB, Sacombank, TPBank và BIDV tiếp tục với phần tranh luận.

Đáng chú ý trong phần này, một số bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh đã lên tiếng nói giúp cho Danh liên quan đến các hành vi gây thiệt hại cho VNCB. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) đã đưa ra câu hỏi: "Bị cáo Phạm Công Danh được gì từ khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn?". Bị cáo Khương chia sẻ, khi đó, ngân hàng âm 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng này đang nợ 22.000 tỷ đồng nên bị cáo Danh phải dùng tất cả nguồn lực của mình để duy trì hoạt động VNCB.

Bị cáo Khương nêu thời điểm đó, Ngân hàng Đại Tín không thể huy động được vốn nên Phạm Công Danh đứng ra huy động và ôm khoản nợ 22.000 tỷ đồng. Cũng theo bị cáo Khương, sau khi nhận nợ bị kiểm soát đặc biệt, không cho tăng trưởng tín dụng, hàng năm ngân hàng phải trả lãi hơn 2.000 tỷ đồng.

img

Bị cáo Danh được cho là bị thiệt hại nhiều sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín.

Riêng về khoản tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ, khi Ngân hàng Nhà nước buộc tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, số tiền này do 22 cổ đông đóng góp nhưng bị cáo Khương cho biết, thực chất tiền đó là của Phạm Công Danh. Thời điểm năm 2013, VNCB đã âm vốn nên ông Danh dùng giấy đất cầm cố nhằm tăng vốn điều lệ giữ ngân hàng. “Con số mà CB Bank nêu ra là gộp chung, cần tách bạch mới rõ ràng được. Huy động vốn dân 9%, cho vay 14%, vì vậy việc ông Danh làm là có lợi cho VNCB. Nay CB Bank cho rằng đã dùng hết là sai, không đúng. Tổng số tiền phải chăm sóc trên 4.000 tỷ (trả Dr.Thanh 2.760 tỷ, trả bà Phấn trên 3.000 tỷ). Ông Danh đã bỏ tiền của mình trên 20.000 tỷ để duy trì VNCB nhưng không được vì nhiều nguyên nhân, mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét bối cảnh”, bị cáo Khương nêu.

Trước đó, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) cho rằng, trong giai đoạn 1 hay giai đoạn 2, bị cáo thấy có nhiều điểm không phù hợp trong số liệu. Thứ nhất là số liệu về tài chính của ngân hàng CB (trước đây là VNCB) do ngân hàng đưa ra. Bản thân bị cáo không hiểu số liệu về khoản âm vốn điều lệ của VNCB vì theo con số cuối cùng bị cáo biết có sự khác biệt lớn. Còn nhiều khoản treo từ thời của Mai lại không thấy trong số liệu…Ngoài ra, với số tiền gửi trên thị trường giai đoạn 2, Mai cho rằng, số liệu khác với số liệu bị cáo được biết trước đó, đồng thời cho rằng không biết vì sao vốn điều lệ lại âm nhanh như vậy.

Về khoản tiền 4.500 tỷ, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, số tiền đó đã quay về Ngân hàng Xây dựng và nếu không trả về cho cổ đông, cần phải làm rõ vì nó đã ở trong VNCB. Về khoản tại TPBank, Mai cho biết, lúc đó VNCB có ý định đầu tư trái phiếu. Bị cáo cũng nghĩ rằng, lúc đó đầu tư trái phiếu sẽ mang lại lợi ích cho ngân hàng. Còn khoản tại BIDV, do lúc đó Ngân hàng Xây dựng chưa được tăng trưởng tín dụng nên mới sử dụng phương án để BIDV cho vay các doanh nghiệp. Bị cáo Mai tiếp tục xin HĐXX xem xét cho các bị cáo ở các ngân hàng khác, bị cáo ở các công ty thành viên khác do họ vô tình mà phạm tội, họ không biết câu chuyện thực ở VNCB.

Trong khi đó, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh xảy ra vụ án để đánh giá toàn diện. Các luật sư cũng cho rằng, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án cho một số bị cáo là quá nặng cần xem xét lại, đồng thời luật sư đưa ra nhiều thông tin xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo bởi gia đình khó khăn, có công cách mạng… Một số bị cáo như Mai Hữu Khương, Phạm Việt Thép, Lê Đài, Nguyễn An Vinh cũng cho rằng, VKS đề nghị mức án quá nghiêm khắc nên mong HĐXX xem xét lại.