Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Ngọc Thoa ghi dấu ấn với hình ảnh bà mẹ hiền hậu, tảo tần trên màn ảnh Việt. Ở tuổi 77, nữ nghệ sĩ chọn cách sống tự lập, không phụ thuộc con cái trong ngôi nhà số 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Bà gọi đó là chốn về bởi căn nhà lưu giữ kỷ niệm suốt 60 năm của gia đình, nhất là với chồng quá cố - NSƯT Dương Viết Bát.
Gương mặt của NSƯT Ngọc Thoa đã quá quen thuộc với khán giả.
Nhắc đến chồng, giọng bà nghẹn lại, đôi mắt ngân ngấn: “Trời ban cho tôi người bạn đời hết sức tốt. Thời gian đầu ông ấy mất, tôi chỉ muốn chết. Nhưng vì thương con mà cố sống”. Nỗi đau mất chồng xảy đến tròn 20 năm nhưng lời tâm sự nghẹn ngào, khó nên câu của nghệ sĩ như thể mọi chuyện mới diễn ra hôm qua.
Ngày phát hiện chồng mắc bệnh, Ngọc Thoa như chết lặng. Biết thời gian sống của NSƯT Dương Viết Bát chỉ còn tính bằng tháng, bà bỏ toàn bộ lịch quay, vai diễn để ở nhà chuyên tâm săn sóc chồng. Những tháng cuối đời, ông động viên, giục vợ nhanh chóng trở lại công việc khi biết đạo diễn Đỗ Thanh Hải chọn cho bà vai diễn trong Của để dành. Ngọc Thoa mắng chồng: ‘Anh buồn cười nhỉ, làm sao em phải đi". Đến giờ nghĩ lại, bà thấy bản thân quyết định đúng vì chỉ ba tháng sau, NSƯT Dương Viết Bát qua đời.
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thoa và cháu ngoại.
Ngọc Thoa là người nặng lòng với kỷ niệm. Bà gìn giữ mọi kỷ vật về chồng một cách ngăn nắp, không muốn thay đổi hay làm xáo trộn. Ngọc Thoa không thôi bận lòng với hai tủ sách của chồng bị mọt xông tại nhà cũ. Nhìn tủ sách, bà như thấy lại hình ảnh của ông ngày nào cặm cụi, dành trọn đam mê tìm tòi ý tưởng qua con chữ. Thời sống bao cấp, mỗi lần có cơ hội đi công tác, tích được đồng nào, vợ chồng Ngọc Thoa - Dương Viết Bát lại mua sách. Nhiều người gặp chồng bà thắc mắc: "Người ta mua bàn là, máy khâu, ông mang đống sách này về thì ăn bằng gì".
Thời trẻ, khi Nhà hát kịch Việt Nam về Hải Phòng công diễn vở kịch "Luba" - vở diễn với sự dàn dựng của nghệ sĩ Liên Xô đã khiến Ngọc Thoa mê mẩn và quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật.
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thoa.
Lớn lên ở Thành phố Hải Phòng song bà Thoa lại luôn được giao đảm nhận những vai diễn phụ nữ nông thôn. Khi được hỏi, vì sao có thể làm tất cả công việc nhà nông một cách "ngọt" như thế, bà chỉ cười rồi bảo nhờ thói quen quan sát.
NSƯT Ngọc Thoa là 1 trong số ít nghệ sĩ để lại dấu ấn ở cả ba lĩnh vực: Sân khấu, phim truyện nhựa và phim truyền hình. Với phim truyền hình, bà "lấy lòng" khán giả qua rất nhiều bộ phim: Mẹ chồng tôi, Canh bạc, Thương nhớ đồng quê, Chơi vơi, Tết này ai đến xông nhà, Người cầu may, Mây trắng bay về, Chỉ là giấc mơ, Người đàn bà tóc trắng, Hai phía chân trời…
Thường xuyên vào vai người mẹ, người bà hiền hậu, dịu dàng hết lòng thương con thương cháu song bà Thoa lại tự nhận mình là 1 người mẹ tồi. Bởi, cả cuộc đời bà đã dành rất nhiều thời gian cho nghệ thuật, cho những chuyến công diễn khắp nơi. Bà luôn tự trách mình đã để các con "lớn lên như cây dại" vì không có nhiều thời gian chăm lo cho con.
Nghệ sĩ Ngọc Thoa rất hay được mời vào vai bà nội, bà ngoại của các bộ phim truyền hình.
Bà Thoa có 2 người con gái, cả hai đều phương trưởng dù bà không thường xuyên có mặt bên cạnh để chỉ dạy. Bà vẫn luôn tự cảm thấy may mắn vì dù thiếu bàn tay mẹ, cả 2 cô con gái vẫn được ăn học đầy đủ, lớn lên vẫn có địa vị trong xã hội.
Vài tháng trước, nghệ sĩ mắc bệnh zona thần kinh. Ốm dậy, bà lại bắt tay ngay vào công việc. Gần đây, Ngọc Thoa góp vai trong dự án Tình khúc Bạch Dương. Trên màn ảnh, bà luôn nhận được nhiều sự mến mộ của khán giả bởi gương mặt đôn hậu, hòa nhã.
Với NSƯT Ngọc Thoa, may mắn lớn nhất trong cuộc đời không phải là chuyện bà nổi tiếng ra sao, tham gia nhiều phim như thế nào mà là ở việc bà đã có 1 ông chồng hết lòng thấu hiểu và cảm thông. Biết bà đam mê nghệ thuật, ông không cấm cản, không trách móc. Thậm chí, ông còn sẵn sàng chăm sóc mẹ vợ để bà yên tâm công tác. Chính vì thế, dù ông vắng bóng 20 năm qua, trong tim bà vẫn chưa lúc nào nguôi nỗi nhớ thương về người chồng mà mình rất mực yêu thương và trân trọng.