"La bàn định hướng" cho bà Merkel
Thủ tướng Đức Angela Merkel có tên khai sinh là Angela Dorothea Kasner, con gái lớn của mục sư Horst Kasner. Năm 1954, khi cô bé Angela mới được vài tuần tuổi, mục sư Kasner đưa cả gia đình vượt qua giới tuyến phân chia Đông và Tây Đức để di cư sang phía đông - Cộng hòa Dân chủ Đức - trong khi hàng nghìn người khác đổ theo hướng ngược lại, tức CHLB Đức.
Sở dĩ ông Horst Kasner phải đưa cả gia đình di cư sang CHDC Đức là theo yêu cầu của Tổng giám mục giáo xứ Hamburg Hans-Otto Wolber. Chính vì hành động "ngược dòng" này mà các chức sắc trong Giáo hội Lutheran CHLB Đức đặt cho mục sư Horst Kasner biệt danh "Kasner đỏ".
Ông Horst Kasner.
Năm 1957, gia đình mục sư Horst Kasner định cư ở thị trấn nhỏ Templin thuộc vùng nông thôn Brandenburg, cách Berlin khoảng 80km, là vùng nông thôn yên bình có những con sông uốn lượn giữa những trang trại bạt ngàn. Nhiệm vụ của vị mục sư là tham gia xây dựng Giáo hội Tin lành Đông Đức.
Ở Templin, mục sư Horst Kasner không chỉ lãnh đạo một Chủng viện (chuyên đào tạo môn thần học cho tất cả mục sư ở Berlin và Brandebourg) mà còn trông coi một cư xá cho người tàn tật về tâm thần, nằm sát bên ngôi nhà của ông. Nơi đây, Hosrst Kasner từng dạy dỗ 200 học sinh bị khuyết tật tâm thần hay thể chất trong khu nội trú Waldhof. Mẹ của Angela Merkel, bà Herlind, là giáo viên Anh ngữ nhưng bà không được đi dạy học, vì ngôn ngữ này ở đây ít được sử dụng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí năm 1991 sau khi được bầu vào Quốc hội Đức, bà Merkel nhấn mạnh: "Tôi chưa bao giờ cảm nhận CHDC Đức là quê hương tự nhiên của tôi. Nhưng nơi đó đã cho tôi nhiều cơ hội tôi có thể tận dụng". Là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, bà Merkel không bao giờ cao giọng khi nói đến quan điểm tôn giáo của mình, nhưng rõ ràng là vị thế của cha bà ở trong giáo hội đã có một ảnh hưởng sâu sắc tới bà và tạo ra một "la bàn định hướng" về đạo đức.
Những gia đình sùng đạo như gia đình Kasner mặc nhiên là những đối tượng cần phải "để mắt" của chính quyền khi ấy, nhưng người cha trí thức của Angela vẫn quyết định rằng, ba người con của ông phải có được học vấn cao.
Bà Merkel kể rằng, bố bà là một vị mục sư cần mẫn, luôn bận rộn nghiên cứu thần học và chăm dạy con chiên những điều như "Chúa trời, cha chúng ta, mẹ chúng ta, bạn bè chúng ta". Ông luôn nghiêm khắc đòi hỏi Merkel và hai cô em gái phải "trật tự và hoàn hảo".
Bà Merkel kể lại: "Là người đứng đầu giáo xứ nhưng cha tôi vẫn luôn cho rằng, giáo dục quan trọng hơn lòng ngoan đạo. Tuy mấy chị em chúng tôi đã có những ngã rẽ khác nhau trong cuộc đời nhưng vẫn còn nhiều thứ kết nối chúng tôi. Những giá trị Cơ đốc giáo và cái nhìn rộng mở đối với thế giới của gia đình tôi đã hình thành nên con người tôi". Werner Foth, người hàng xóm lâu năm của gia đình Kasner cho biết: "Ông ấy là một nhân vật gây ấn tượng sâu sắc cho người đối diện, rất bướng bỉnh nhưng cũng khá phóng khoáng".
Templin, thành phố thời thơ ấu của bà Angela, nằm bên phần đất Đông Đức cũ.
Chính bố mẹ bà với cái nhìn tiến bộ về thời cuộc đã khuyến khích các con mình gia nhập tổ chức đoàn thanh niên ở nơi họ theo học nhằm phát triển những kỹ năng cần thiết cho con đường chính trị. Khác với những học sinh xuất thân từ các gia đình mục sư khác, Angela Merkel tích cực tham gia sinh hoạt tập thể, gia nhập Đội thiếu niên và sau đó là Đoàn thanh niên tự do Đức (FDJ). Bà từng làm Phó Bí thư đoàn trường phổ thông. Vì học rất giỏi và tích cực tham gia những hoạt động xã hội nên năm lớp 10, bà Angela Merkek được thưởng Huy chương bạc Lessing.
Trong một hoạt động ủng hộ Việt Nam do FDJ nhà trường tổ chức, Angela Merkel, khi đó là Phó Bí thư FDJ đã hát bài "Quốc tế ca" bằng tiếng Anh (hồi đó bị coi là tiếng của kẻ thù) và đọc bài thơ của Christian Morgenstein với nội dung nói lên ước vọng vượt qua giới hạn của bức tường Đông - Tây. Cũng vì hành động này mà cô học trò Angela Merkel suýt bị đuổi học nếu không có ông bố mục sư vì có quan hệ tốt với chính quyền ngỏ lời xin cho con gái.
Người phản biện
Theo những người quen biết mục sư Horst Kasner thời kỳ sau năm 1954, "gốc gác Tây Đức" là một yếu tố có lợi hơn là có hại cho bản thân ông và gia đình khi sống ở CHDC Đức. Vì là người gốc phương Tây nên Chánh sở Horst Kasner được tiếp cận với những thông tin, bài viết của những người "phản động", và gia đình ông được cấp 2 chiếc ôtô (gia đình khác không được như thế).
Angela Kasner (ở giữa, hàng thứ 2) trong bức ảnh chụp cùng lớp phổ thông ở Templin, Đức năm 1971.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh gia tăng căng thẳng, các lãnh đạo nhà thờ ở CHDC Đức lo sợ nhà thờ bị sáp nhập vào các cơ quan của nhà nước. Theo nhà nghiên cứu tôn giáo Detlef Pollack tại Đại học Munster, căng thẳng đã xảy ra trong những thập niên 50-60 của thế kỷ XX, nhưng đến thập niên 70 thì các lãnh đạo nhà thờ công nhận rằng "mục tiêu chính là xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Bố của bà tôn trọng cuộc sống ở CHDC Đức, cố gắng làm trung gian giữa tôn giáo và chính trị, không để tôn giáo can thiệp chính trị nhưng cũng không muốn các chính sách của nhà cầm quyền tác động tiêu cực đến hoạt động tôn giáo. Chánh sứ Horst Kasner đi theo mục tiêu này bởi vì ông là người trung thành với lý tưởng chủ nghĩa xã hội. Ông tham gia vào Hội nghị Hòa bình Thiên Chúa giáo diễn ra tại Prague, Tiệp Khắc, cũng như nhóm công tác Weissenseer. Đây đều là những tổ chức đánh giá Hội thánh Tin lành là "hội thánh trong chủ nghĩa xã hội".
Thời thơ ấu của bà đã được định hình bởi cuộc Chiến tranh Lạnh. Bố của bà từng tổ chức các cuộc họp mặt về chính trị tại nhà thờ của ông và khi bà lớn lên, các cuộc tranh luận mạnh mẽ thường vang lên xung quanh bàn ăn. Thế nhưng, bố của bà thường dặn dò: "Chớ có kể với bạn bè hay thầy cô của các con những gì chúng ta nói nơi bàn ăn ở nhà". Thuở niên thiếu, bố mẹ bà luôn hướng các con mình theo kiểu sống ngăn nắp và có khoa học. Angela Merkel từng dành hai tháng để sưu tầm thiệp và lên kế hoạch cho Lễ Giáng sinh.
"Tôi luôn muốn biết mình sẽ phải đối mặt với chuyện gì dù đó chỉ là sự bất lợi nhỏ. Tôi coi trọng việc tổ chức và tránh sự xáo trộn", bà nói. Angela Merkel trưởng thành, học xong đại học, đi làm một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm khoa học. Nhân sinh nhật thứ 30 của Merkel, ông Horst Kasner đến thăm con gái, nhìn thấy nơi ở khiêm tốn của Angela Merkel, ông nhận xét: "Thế là con vẫn chưa thể tiến xa trong cuộc đời".
Bà Angela Merkel cùng cha mẹ khi mới lên làm Thủ tướng Đức.
Ngày bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất (tháng 10.1990), nhưng thời gian đầu đã diễn ra tình trạng rối loạn chính trị. Các cuộc trò chuyện ở các quán cà phê đã trở thành những cuộc biểu tình ngoài đường phố, các phong trào đã trở thành các đảng phái.
Angela Merkel hăng hái tham gia đảng Dân chủ Thức tỉnh, sau đó sáp nhập với đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CD). Mẹ của Merkel, bà Herlind, theo đảng Dân chủ Xã hội (SD), còn em bà theo đảng Xanh (Greens). Như vậy là gia đình có ba người tham gia chính trị thì cả ba đều theo các đảng phái là đối thủ của nhau. Riêng ông Kasner, Angela Merkel cho rằng thật khó xác định niềm tin chính trị của ông.
Khi nước Đức thống nhất, mục sư Kasner đã băn khoăn với câu hỏi, "liệu chủ nghĩa tư bản có thể hòa hợp với nhà thờ không?". Và ông quyết định tiếp tục ở lại làm Chánh sở nhà thờ Tin lành Templin. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ngôi giáo đường của ông Kasner đã phải di dời, và trong thập niên 90 thế kỷ XX, ông đã phải dành phần lớn thời gian để tu sửa ngôi giáo đường cổ có từ thế kỷ XVIII ở Waldhof, ngoại ô Templin. Gia đình ông trú ngụ trong một căn phòng ở tầng trên của khu nhà dành cho học sinh trường dòng. Bà Herlind vừa đi dạy học vừa làm vườn.
Ông qua đời năm 2011, 6 năm sau khi chứng kiến con gái lớn (bà Merkel) trở thành người Đông Đức đầu tiên làm Thủ tướng nước Đức thống nhất, mãn nguyện khi nhìn thấy con gái thành công tột đỉnh trong cuộc đời như ông mong muốn. Bà mẹ của bà, năm nay đã 88 tuổi, vẫn còn sống ở Templin và cách đây 2 năm bà vẫn còn dạy các lớp tiếng Anh cho người lớn tuổi. Năm 2014, Thủ tướng Đức Angela Merkel trở lại thăm ngôi Thánh đường Templin, nơi xưa kia bà được rửa tội và bố bà làm Chánh sở, để nói chuyện với giáo dân về đức tin của bà.
Thị trấn Templin ngày nay vẫn xinh đẹp và yên bình như xưa, được chăm chút từng li từng tí, với những mảng lớn còn lại của những bức tường quanh thành phố được xây dựng vào thế kỷ XIV vẫn còn nguyên vẹn. Trong chuyến vận động tranh cử đầu tiên của kỳ bầu cử năm nay, bà đã chọn một cơ sở cũ của STASI để làm diễn đàn vận động cử tri. Bà nói: "Chúng ta chỉ có thể hình thành được một tương lai tốt đẹp nếu chúng ta chấp nhận quá khứ".