Tạm biệt giấc mơ vi vu trên đường phố Jakarta bằng xe gắn máy đi thuê, taxi là phương tiện đầu tiên tôi sử dụng để đến trung tâm báo chí lấy thẻ tác nghiệp.
Bác Ramsi sau “chuyến đi bão táp”. |
Đón tôi là bác lái taxi đã có tuổi, nom đứng đắn lắm, bác tên Ramsi. Xe chạy một lát, khi tôi đưa địa chỉ, bác Ramsi nhớn nhác nhìn sang vệ đường, hình như... ngắm gái. Mà đúng thế thật, ngay đầu con đường chúng tôi sắp rẽ vào có dăm chị đứng cạnh đường rồi giơ tay ra vẫy vẫy.
Chết thật! SEA Games đến nơi, làm ăn bậy bạ thế này thì chết mà lại giữa ban ngày ban mặt. Bác Ramsi thì chẳng nói chẳng rằng, tấp vào ngoắc một chị lên xe mặc cho tôi đau khổ gào lên: “No girl, no sex”. Chị chàng to béo ngồi huỵch lên xe làm tôi ngỡ ngàng.
Tôi gọi ngay cho cậu học sinh Việt Nam du học bên này cầu cứu: “Ông taxi tự dưng gọi gái lên xe của anh, làm sao giờ? Cậu sinh viên cười ngằn ngặt: Không như anh nghĩ đâu, cái đường anh chuẩn bị đi vào người ta cấm xe ô tô chở dưới 3 người, những chị “đứng đường” ấy ngồi xe thuê để cánh lái xe tránh bị phạt thôi”. Hết hồn!
Thì ra, Jakarta có những tuyến đường huyết mạch đã hạn chế số xe lưu thông trên đường bằng cách ra cái luật kỳ khôi kia. Tuy kỳ khôi nhưng vô cùng có lý, số người lưu thông trên đường sẽ được tăng lên mà lượng xe không tăng, ai không đáp ứng đủ điều kiện có đủ số người thì xin mời đi đường khác, đường càng rộng.
Giá tiền thì như mặc định, dù xa hay gần thì cánh lái xe cũng cứ phải “boa” cho mấy chị “đứng đường” 5.000 rupi (cỡ 13.000 đồng Việt Nam), cái này đương nhiên khách phải trả, việc ấy cũng giải quyết được khối “công ăn việc làm” cho cái thành phố 30 triệu dân này.
Công nhận các anh lái xe Jakarta mát tính thật! Tắc đường mà họ vẫn cười như không, thủng thẳng, trật tự đi sau xe khác, không có cảnh lao bừa, phóng ẩu như mấy “tay đua công thức một” bên xứ ta khiến sự tắc lại càng thêm tắc.
Vì có đội bóng của Indonesia vừa đi tập về, dân tình xem đông quá nên đám tắc đường dễ cũng phải đến nửa tiếng mới tan. Cũng may đến trung tâm báo chí vẫn kịp giờ, xuống xe, bác Ramsi nhã nhặn đưa tôi cái hóa đơn, chuyện nhỏ, 6km mất 25.000 rupi (cỡ hơn 60.000 đồng).
Cảm ơn rồi dợm bước đi thì bác tài ngoắc tay lại đưa cho cái hóa đơn thứ hai, những 50.000 rupi, nhìn hoa cả mắt. Hóa ra, đó là hóa đơn tính giờ. Để tránh thiệt hại vì tốn xăng, thời gian do tắc đường, taxi Jakarta vừa tính tiền cước quãng đường, vừa tính tiền cước thời gian, thảo nào những lúc nước sôi lửa bỏng, các bác tài vẫn mát tính thế.
Biết thế này thì đi xe ôm hay Bajar (như kiểu xe lam) cho gọn. Nhưng không ngờ, xe ôm, xe Bajar ở Jakarta cũng lại có cái nhiêu khê của nó...
Nam Hải