Dân Việt

Bầu Kiên đang ở tù thưởng tiền cho U23 Việt Nam, có sai không?

Đình Thiên 26/01/2018 13:22 GMT+7
Có nhiều tranh luận xung quanh việc bầu Kiên đang chấp hành án phạt tù, vẫn có thể thưởng cho U23 Việt Nam.

Bà Đặng Ngọc Lan, vợ của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) người đang chấp hành hình phạt tù đã tặng thưởng 500 triệu đồng cho đội tuyển U23 Việt Nam vì thành tích xuất sắc ở giải U23 Châu Á, nhiều người đặt câu hỏi, nếu đây là tiền của bầu Kiên tặng thưởng thì có hợp pháp? 

Người đang chấp hành hình phạt tù có được thưởng cho U23 VN không, họ bị hạn chế những quyền gì so với công dân bình thường?

Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) về vấn đề pháp lý đang gây nhiều tranh luận.

Theo ông, giả sử trong trường hợp này không phải là tiền cá nhân bà Lan, vợ bầu Kiên tặng cho đội U23 Việt Nam mà tiền thưởng của bầu Kiên thì theo ông việc tặng thưởng cho U23 Việt Nam của một cá nhân đang chấp hành hình phạt tù có hợp pháp?

- Hiện cần phải xác định rõ bà Lan tặng hay là ông Kiên tặng cho U23 Việt Nam, từ đó có thể phân tích hai tư cách chủ thể tặng cho tài sản khác nhau xem quyền của họ đối với việc này có khác nhau hay không.

Tuy nhiên, trường hợp ông Kiên đang chấp hành hình phạt tù nhưng không phải bị tước bỏ hết các quyền công dân. Ông Kiên, hay với bất kỳ người bị kết án nào cũng chỉ bị tước một số quyền so với công dân bình thường trong một thời hạn nhất định.

img

Luật sư Lê Cao cho rằng bầu Kiên có quyền tặng thưởng U23 Việt Nam. Ảnh Đình Thiên

Theo Bộ luật hình sự, người đang chấp hành án phạt tù bị cấm ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, làm việc trong một số cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan, cấm thành lập doanh nghiệp hoặc là có một số hạn chế về cư trú, xuất nhập cảnh …

Còn lại, họ vẫn có các quyền công dân khác một cách bình thường khi đang chấp hành hình phạt tù, họ có thể kết hôn, ly hôn, tặng cho tài sản, lập di chúc, bán nhà, trả nợ, mua xe …

Vì vậy, nếu có việc tự ông Kiên, dù đang chấp hành hình phạt tù  tặng đội tuyển U23 Việt Nam số tiền 500 triệu đồng chẳng hạn thì chẳng có gì là không được. Đây là quyền của ông Kiên.

Theo Bộ luật dân sự, việc tặng cho tài sản này được thực hiện bởi một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì hợp pháp, không có ai cấm việc này cả.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, trường hợp ông Kiên chưa chấp hành án xong, chưa khắc phục xong các thiệt hại vật chất, chưa thi hành án xong phần bồi thường thiệt hại, phạt tiền thì có được mang tài sản đi cho người khác không?

- Theo pháp luật về thi hành án dân sự, đối với trách nhiệm phải thi hành án liên quan đến tài sản, hiện nay Luật thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan có quy định có một số giao dịch dân sự của người phải thi hành án bị cấm vì lo sợ việc tẩu tán tài sản.

"Theo tôi được biết thì thực tế, bầu Kiên đã khắc phục xong phần trách nhiệm dân sự từ cuối năm 2017. Do đó nên chúng ta cũng không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề này".

Ví dụ, hiện người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án là 5 tỷ đồng, nhưng tài sản sở hữu chỉ còn 500 triệu đồng, mà không dùng 500 triệu đồng này để thi hành án mà mang tài sản này đi tặng cho thì pháp luật ngăn cấm hành vi này, pháp luật quy định để ưu tiên phải dùng số tiền này cho việc thi hành án.

Nếu người phải thi hành án thực hiện giao dịch tặng cho tài sản trong trường hợp tổng tài sản mà họ có không đủ để đảm bảo cho việc thi hành án thì theo yêu cầu của các bên liên quan, Tòa án có thể tuyên giao dịch đó là vô hiệu.

img

Bầu Kiên từng tuyên bố sẽ bỏ kinh doanh để chuyên tâm cho bóng đá.

Tuy nhiên, dù ông Kiên đang bị chấp hành án cả trăm tỷ đồng, nhưng ông Kiên có nhiều tài sản, có khả năng thi hành án với số tiền đó, việc tặng cho tài sản 500 triệu đồng không ảnh hưởng đến khả năng thi hành án, tài sản còn lại của ông Kiên vẫn đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì pháp luật không cấm việc này, giao dịch tặng cho tài sản của ông Kiên không bị xem là vô hiệu.

Như vậy, dù đang chấp hành hình phạt tù, nhưng có tài sản riêng không bị kê biên, không bị phong tỏa và tài sản đó đủ điều kiện để thực hiện giao dịch theo luật định thì người chấp hành hình phạt tù vẫn được quyền thực hiện tặng cho tài sản một cách bình thường như bất kỳ người nào khác.

Cũng lưu ý là, trường hợp nếu là tài sản riêng cá nhân của bà Lan, bà Lan không có nghĩa vụ thi hành án theo luật định thì bà Lan có toàn quyền quyết định tặng cho tài sản của mình.

Đó là về mặt luật định. Tuy nhiên, theo tôi được biết thì thực tế, bầu Kiên đã khắc phục xong phần trách nhiệm dân sự từ cuối năm 2017. Do đó nên chúng ta cũng không cần phải lo lắng nhiều về vấn đề này.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 22.1, trao đổi với PV, ông Lê Quang Tiến - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa thu hồi nốt số tiền trên 25 tỷ đồng còn lại mà ông Nguyễn Đức Kiên-nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (thường gọi là “Bầu” Kiên) phải thi hành trong bản án về phần dân sự.

Bản án số 570/2014 của Toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Kiên y án sơ thẩm 30 năm tù và phải nộp trên 75 tỷ đồng về hành vi trốn thuế để sung công quỹ nhà nước.

Để đảm bảo thi hành án phần dân sự, cơ quan điều tra đã kê biên nhà đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên ông Kiên và vợ là bà Đặng Ngọc Lan gồm: Nhà đất tại số 5 Hồ Biểu Chánh (phường 12 quận Phú Nhuận, TPHCM có diện tích 360 m2); nhà đất tại số 22 Hoàng Dư Khương (phường 12 quận 10 TPHCM có diện tích hơn 265 m2); nhà đất tại số 78/6 Bình Lợi (phường 13 quận Bình Thạnh, TPHCM) có diện tích hơn 2.420 m2. Tổng số tiền cơ quan thi hành án thu hồi được từ việc bán 3 bất động sản này là trên 49 tỷ đồng.

Theo ông Lê Quang Tiến, lẽ ra Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội sẽ tiến hành kê biên bất động sản của “Bầu” Kiên ở Hà Nội rồi tiến hành bán đấu giá để thu hồi số tiền trên 25 tỷ đồng còn lại. “Nhưng gia đình họ đã chủ động nộp tiền. Đến nay việc thi hành án phần dân sự với ông Kiên là xong rồi”- ông Tiến nói.

(Theo Thế Kha/Dân Trí)