Dân Việt

Siết chặt việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc

P.V 26/01/2018 17:24 GMT+7
Cục Quản lý Dược vừa cho biết, trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch, đề xuất triển khai, giám sát và ban hành các quy định mới về siết chặt việc sản xuất,, kinh doanh, nhập khẩu thuốc nhằm đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh.

Theo Cục Quản lý Dược, các giải pháp tăng cường quản lý chất lượng thuốc nhằm đảm bảo sức khoẻ và quyền lợi của người bệnh trong thời gian tới như sau:

img

Ảnh minh họa

Hoàn thiện hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật:

- Để hoàn thiện hệ thống văn bản Quy phạm pháp luật, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực quản lý chất lượng thuốc, đăng ký thuốc, quản lý giá và đấu thầu thuốc, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc …

- Phối hợp với các ban ngành liên quan trong việc sửa đổi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ xử phạt hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế xử phạt nặng, nghiêm minh đối với các hành vi sản xuất, nhập khẩu buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, mua bán thuốc không có hoá đơn chứng từ hợp pháp.

Triển khai xây dựng chương trình quản lý thuốc nối mạng cả nước

Đối với các cơ sở bán lẻ như nhà thuốc, quầy thuốc: đang tiến hành thử nghiệm và sẽ triển khai chương trình quản lý thuốc nối mạng đến năm 2020. Tác dụng của công tác trên là sẽ kịp thời quản lý được đường đi của thuốc, truy xuất nguồn gốc, kịp thời phát hiện thuốc giả. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông tin và thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng; cũng triển khai cho việc nối mạng của hệ thống kiểm nghiệm trong cả nước để kịp thời thông tin về diễn biến tình hình thuốc.

Tiếp tục tăng cường công tác tiền kiểm, hậu kiểm:

- Duy trì việc kiểm tra sự tuân thủ và tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm cả cơ sở xuất thuốc nước ngoài tập trung vào các nước, các cơ sở có tỷ lệ thuốc vi phạm lớn.

- Tiếp tục thực hiện kiểm tra chất lượng thuốc nhập khẩu và chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm lấy mẫu trọng tâm, trọng điểm.

- Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý của hệ thống các cơ quan quản lý dược.

- Tăng cường chức năng của các tổ chức đơn vị chuyên trách: phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công An), Tổng Cục Hải quan xây dựng các thoả thuận về phối hợp đấu tranh chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong ngành y tế và các cơ quan liên quan, giữa trung ương với đại phương xây dựng và triển khai kế hoạch thanh kiểm tra về chất lượng thuốc.

- Thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành chủ trọng những đạo bàn thuốc các tỉnh giáp biên, các thành phố lớn. Ngăn chặn việc nhập lậu, lưu hành thuốc bất hợp pháp, phòng, chống thuốc giả, kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ.

- Xác lập cơ chế phối hợp, tiếp nhận và trao đổi thông tin liên ngành với các cơ quan Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an để tiến hành thanh kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm nghiệm bao gồm cả các Trung tâm kiểm nghiệm:

Nâng cao năng lực của hệ thống kiểm nghiệm thuốc. Triển khai dự án nâng cấp 02 Viện và thành lập 05 Trung tâm vùng. Nâng cao năng lực của các Trung tâm thủ nghiệm tương đương sinh học.

Tăng cường thông tin hợp tác quốc tế, tuyên truyền cho các đơn vị sản xuất kinh doanh liên quan đến thuốc giả, thuốc kém chất lượng:

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, ghi nhãn hàng hoá để kịp thời phát hiện thuốc bị làm giả; chủ động tham gia phát hiện, thông báo và cung cấp thông tin để hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc giám định thuốc.

- Phối hợp với Bộ trông tin và truyền thông và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền sự nguy hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Xây dựng kênh thông tin để kịp thời tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về các trường hợp nghi ngờ.

- Tăng cường công tác hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin với các nước trong khu vực ASEAN. Phối hợp chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới, các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông trong các công tác phòng chống thuốc giả.