Thưởng tết dao động 1 tháng lương
Mặc dù Bộ LĐTBXH chưa có công bố chính thức về tình hình lương, thưởng tết năm 2018 nhưng nhiều địa phương đã rục rịch công bố con số này. Đáng tiếc bên cạnh những con số thưởng tết cao chót vót lên tới cả tỷ đồng, đại bộ phận người lao động vẫn nhận mức thưởng khá khiêm tốn. Bức tranh lương thưởng tết vì thế cũng chẳng khá hơn nhiều so với các năm trước.
Nhiều ý kiến cho rằng công bố thưởng tết là nguyên nhân của các vụ đình công. Ảnh: Nguyệt Tạ
Ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, năm 2017 Chương trình Tết sum vầy các cấp công đoàn đã chăm lo cho 3,3 triệu đoàn viên với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, trao tặng hàng trăm nghìn vé xe cho người lao động về quê đón tết, tặng quà “Mái ấm công đoàn” cho 1.138 công nhân, lao động... Dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2018, các hoạt động chăm lo tết cho công nhân lao động sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, mục tiêu phấn đấu số lượng quà bằng hoặc cao hơn năm 2017”. |
Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, về cơ bản mức thưởng tết năm 2018 cũng chỉ giao động trong khoảng 4-5 triệu đồng, cao hơn thì vài chục triệu đồng. Con số 1 tỷ thực ra có nhưng chưa chắc là thật. Có thể doanh nghiệp (DN) cũng chỉ vì muốn quảng cáo nên mới công bố mà thôi.
“Phần đông các DN sẽ ngại công bố lương, thưởng tết vì lo ngại tâm lý so sánh của người lao động. Sợ lao động phân bì thưởng cao thấp sẽ nảy sinh tâm lý ức chế đình công. Chính vì vậy, một số DN từ chối công bố thưởng tết hoặc lấy lý do DN khó khăn chỉ thưởng lấy lệ, còn ra năm sẽ chi trả tiền thưởng tết. Số khác thì chia đều thưởng tết này ra thành khoản tiền thưởng ở tất cả các tháng trong năm” - ông Thọ nói.
Cùng chung nhận định này ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng, bức tranh lương thưởng năm 2018 cũng sẽ không cao hơn nhiều so với tết năm 2017. Nếu có nhích hơn cũng bởi tiền lương tối thiểu vùng tăng, cộng theo sự khởi sắc của nền kinh tế.
Sợ công bố thưởng tết...
Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố tại hội nghị giao ban cuối năm 2017 cho thấy, cả nước xảy ra 314 cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn 36 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể chủ yếu liên quan đến tiền lương và thưởng tết tập trung vào những tháng đầu năm.
Việc doanh nghiệp thưởng tết bằng ô tô không phải chuyện lạ (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Đặc biệt, chỉ trong tháng 1.2017 đã tăng đột biến với 86 cuộc, tăng 40 cuộc so với cùng kỳ năm 2016 với các lý do là DN không chi trả thưởng tết hoặc chi trả thưởng tết ít hơn cam kết, thưởng tết không công bằng cho các đối tượng khác nhau. Riêng năm 2018, chưa đầy nửa tháng (tính từ ngày 12.1) trên phạm vi toàn quốc đã xảy ra 5 cuộc đình công liên quan đến lương, thưởng tết, như vậy trung bình cứ 2,5 ngày lại xảy ra một cuộc đình công. Và các cuộc đình côngsẽ tiếp tục diễn ra cho tới thời điểm Tết Nguyên đán là điều khó tránh khỏi.
Trước tình hình này, một số ý kiến đặt ra vấn đề “có nên công bố lương thưởng tết hay không?” khi mà năm nào cũng vậy cứ sau khi công bố lương, thưởng tết là người lao động lại đình công, biểu tình.
Theo ý kiến cá nhân ông Thọ, việc công bố lương, thưởng tết là hành động cần thiết thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp ban ngành, DN tới người lao động. Tuy nhiên, DN có thể tính toán lại phương pháp thưởng tết và thời gian thưởng tết, tránh để công nhân so sánh, bức xúc dẫn tới đình công.
Viện trưởng Viện Công nhân, Công đoàn cũng nhấn mạnh, việc thưởng tết thực chất là mức lợi nhuận của DN trong năm đó chia cho công nhân chứ không phải phần lợi nhuận trong thời điểm tết. Do đó, các DN cần phải giải thích rõ để người lao động, hiểu, chia sẻ vì trong mấy tháng trước tết nếu không có hợp đồng, không có gì đột biến thì lấy đâu ra lợi nhuận để thưởng tết? Ngoài ra, các DN cũng nên dải đều phần thưởng trong cả năm để vừa giảm áp lực cho ngân hàng,vừa giảm áp lực, bức xúc của người lao động.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Minh Huân cho rằng: “Làm gì thì làm, vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đảm bảo có chút quà chăm lo cho người lao động đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Quan trọng hơn, DN phải xem thưởng Tết là động lực để người lao động yên tâm chăm lo sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN còn bản thân lao động phải hiểu được rằng thưởng Tết chỉ là món quà có giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất và là sự nỗ lực của DN mong muốn được chăm lo cho người lao động”.
Mức thưởng cao nhất 3 tỷ đồng “Tính đến ngày 18.1, theo tổng hợp của Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, tại khu vực này, DN trong nước thưởng tết cao nhất lên tới 950 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài là gần 354 triệu đồng. Đặc biệt, Công ty CP Đầu tư Vạn Khang Phát - đơn vị kinh doanh địa ốc trên địa bàn thành phố đã công bố thưởng tết một chiếc ôtô Mercedes E300, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Đây được xem là mức thưởng tết năm 2018 khủng nhất tới thời điểm hiện nay”. Ông Trần Công Khanh - Trưởng phòng lao động Ban quản lý Ghi nhận sự cố gắng của người lao động “Tết cổ truyền là nét đẹp truyền thống của dân tộc mà ai cũng háo hức, chờ đón. Cũng như vậy, tâm lý chung của người lao động sau một năm vất vả chỉ chờ đến cuối năm được nhận một phần quà, lương, thưởng tết của chủ DN. Lương, thưởng có thể là không nhiều nhưng đây là sự ghi nhận về thành quả sau một năm cố gắng phấn đấu của người lao động. Mặt khác nó cũng là cách để thể hiện “sức khoẻ” tài chính của DN từ đó lao động có thêm động lực, niềm tin để gắn bó. Một năm làm ăn vất vả, cuối năm ai cũng mong muốn có thêm chút tiền thưởng để lo cho gia đình và bản thân, mong muốn có một cái tết no đủ. Chính vì những điều này, theo tôi vẫn nên duy trì việc thưởng tết, còn công bố hay không thì tùy cơ quan quản lý và DN”. Bà Nguyễn Lan Hương - chuyên gia lao động, việc làm |