Dân Việt

Cảnh sát London điều tra lại vụ sát hại họa sĩ truyện tranh nổi tiếng Naji al-Ali

Nguyên Khang 27/01/2018 10:33 GMT+7
Cách đây đúng 30 năm, Naji al-Ali, họa sĩ biếm họa chính trị nổi tiếng người Palestine bị bắn chết khi đang trên đường đến chỗ làm việc là văn phòng tại London của tờ báo Al-Qabas của Kuwait. Cảnh sát London đã không tìm được hung thủ dù có nhân chứng mô tả được nhân dạng kẻ thủ ác.

Ngày 29.8 vừa qua, nhân dịp 30 năm xảy ra vụ việc, cảnh sát đô thành London đã thông báo mở lại cuộc điều tra và phát lời kêu gọi mọi người dân cung cấp thông tin, chứng cứ để truy tìm hung thủ.

Theo hồ sơ cảnh sát, họa sĩ Naji al-Ali bị bắn một phát đạn vào phía sau gáy khi ông đi bộ đến nơi làm việc vào buổi sáng ngày 22.7.1987. Ngay sau đó, ông được mọi người đưa đến bệnh viện điều trị. Hơn một tháng sau, ngày 29.8.1987, al-Ali không qua khỏi, đã trút hơi thở cuối cùng. Cảnh sát London khi đó đã không thể điều tra ra được ai đã ra tay sát hại họa sĩ al-Ali cũng như ai đã thật sự đứng đằng sau.

Trong thông cáo hôm 29.8, cảnh sát London đưa ra phác họa chân dung hai kẻ tình nghi là hung thủ. Kẻ trực tiếp cầm súng bắn chết họa sĩ al-Ali là một người đàn ông có ngoại hình là người Trung Đông, thời điểm năm 1987 khoảng 20 tuổi. Nhân chứng nhìn thấy ông ta đi theo sau họa sĩ al-Ali trên tay cầm khẩu súng hãm thanh trước khi nổ súng và bỏ chạy. Kẻ tình nghi thứ hai là một người đàn ông trung niên cũng có ngoại hình là người Trung Đông, được nhìn thấy rời khỏi khu vực hiện trường vụ án trên chiếc xe hiệu Mercedes màu bạc.

img

Họa sĩ Naji al-Ali.

Cảnh sát London tin rằng, người đàn ông này chính là người đã vứt bỏ khẩu súng gây án, là loại súng ngắn Tokarev cỡ nòng 7.62. Hai năm sau, cảnh sát mới tìm thấy khẩu súng tang vật bị vứt tại một khu đất trống được triển khai dự án xây dựng nhà ở.

Họa sĩ Naji al-Ali sinh khoảng năm 1938 tại ngôi làng Al-Shajara thuộc miền Bắc Palestine. Những năm thiếu thời, cuộc sống của al-Ali rất bấp bênh. Kể từ khi xảy ra cuộc chiến lập quốc Israel năm 1948, al-Ali và gia đình phải lưu lạc từ Palestine sang Liban và liên tục chuyển chỗ ở trong các trại tị nạn người Palestine trên đất Liban.

Đến năm 19 tuổi, al-Ali được chứng nhận tay nghề thợ sửa xe ôtô và đi đến Arập Xêút làm việc được 2 năm. Năm 1959, al-Ali trở về Liban và tham gia tổ chức Phong trào Dân tộc Arập (AMM), nhưng chỉ trong vòng một năm đã bị tổ chức này trục xuất đến 4 lần do tính vô kỷ luật, liên tục vi phạm kỷ luật của tổ chức.

Trong giai đoạn 2 năm 1960-1961, al-Ali bắt đầu nghề làm báo. Ông đã cùng với một số anh em chiến hữu trong AMM biên soạn và xuất bản tờ báo chính trị (viết tay) Al-Sarkba (Tiếng thét) với nội dung phản ánh tình cảnh của người Palestine bị chiếm đất, chiếm làng.

Cũng trong năm 1960, al-Ali vào học ở Học viện Mỹ thuật Liban, nhưng không thể học hết khóa do bị bỏ tù vì hoạt động chính trị. Sau khi ra tù, al-Ali đến Tyre dạy học môn vẽ trong trường Ja'fariya College.

Đến giai đoạn này, al-Ali đã có nhiều tác phẩm biếm họa gây chú ý. Nhà văn và nhà hoạt động chính trị Ghassan Kanafani đã nhìn thấy một số tác phẩm tranh biếm của al-Ali khi ông đến thăm trại tị nạn Ain al-Hilweh, nơi al-Ali cư ngụ, và quyết định mang đi in những tác phẩm đầu tiên của ông kèm theo một bài báo đăng trên tờ Al-Hurriya số ra ngày 25.9.1961.

Sau bước khởi đầu đó, al-Ali di chuyển đến Kuwait với niềm hy vọng kiếm đủ tiền để đi học mỹ thuật tại Cairo hoặc Rome. Ông vào làm việc cho tờ báo Al-Tali'a có quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Ông làm đủ thứ việc, từ biên tập viên, họa sĩ tranh, nhà thiết kế cho đến nhà sản xuất. Từ năm 1968 trở đi, al-Ali chuyển sang làm việc cho tờ báo Al-Siyasa. Trong giai đoạn này, al-Ali vài lần quay trở về Liban.

img

Bức họa chân dung một kẻ tình nghi đã sát hại họa sĩ Naji al-Ali.

Năm 1974, ông bắt đầu làm việc cho tờ báo Al-Safir của Liban, và nhờ làm việc cho tờ báo này nên ông được phép trở về Liban trong thời gian lâu hơn. Trong thời kỳ Israel xâm chiếm Liban từ năm 1982, ông bị cơ quan chức trách Israel bắt giam cùng với một số người sống trong trại tị nạn Ain al-Hilweh. Năm 1983, al-Ali trở lại Kuwait một lần nữa để làm việc cho tờ báo Al-Qabas, và năm 1985 ông được tờ báo cử đến văn phòng tại London làm việc cho phiên bản quốc tế của tờ báo cho đến khi bị ám sát chết.

Trong cả sự nghiệp của al-Ali, ông đã sáng tác tổng cộng hơn 40.000 tác phẩm tranh truyện, tranh châm biếm chính trị, và đã xuất bản được 3 quyển sách tranh vào các năm 1976, 1983 và 1985.

Thời điểm bị sát hại, ông đang chuẩn bị cho ra mắt quyển sách tranh thứ tư. Trong sự nghiệp vẽ tranh biếm chính trị của al-Ali, Handala là nhân vật truyện tranh nổi bật nhất, một tác phẩm điển hình nhất của nét cọ tài hoa, đồng thời là biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc Palestine cháy bỏng trong con người al-Ali. Nhân vật truyện tranh Handala lần đầu xuất hiện trên tờ báo Al-Siyasa ở Kuwait vào năm 1969. Ông mô tả nhân vật Handala là một đứa trẻ 10 tuổi nhưng "có nhận thức mang tầm vóc quốc gia dân tộc và tầm nhìn nhân văn toàn cầu".

Trong nhiều tác phẩm tranh chính trị của al-Ali, cậu bé Handala luôn đứng ở góc tranh, lưng quay về phía người đọc, tay chắp sau lưng, lặng lẽ chứng kiến những sự phẫn nộ chính trị được thể hiện trên trang giấy. Handala luôn luôn là một cậu bé 10 tuổi, chưa bao giờ trở thành người lớn trong tranh của al-Ali.

Tác phẩm tranh của ông chủ yếu phản ánh cuộc sống, hoàn cảnh bi thương của người Palestine phải sống lưu vong trong các trại tị nạn trên đất Liban và những quốc gia khác trong khu vực Trung Đông. Ông đặc biệt căm ghét và phản đối sự chiếm đóng của Israel trên đất của người Palestine, cũng như căm ghét các nhà nước Arập xung quanh, kể cả ban lãnh đạo Palestine giai đoạn đó, vì đã không có hành động gì đối với việc Israel chiếm đất của người Palestine. Ông là người phản đối gay gắt việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine, và điều này đã được thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm tranh biếm của ông.

Chính vì thế mà tác phẩm tranh của ông luôn mang sắc thái châm biếm chính trị gay gắt, không những nhằm vào chính quyền Israel mà còn cả một số chính quyền các nước Arập trong khu vực Trung Đông. Nhưng không như nhiều nghệ sĩ vẽ biếm họa chính trị cùng thời, al-Ali không thể hiện hình tượng con người chính trị gia, hay nhà lãnh đạo cụ thể nào, mà ông chỉ thể hiện thông qua ý tưởng, nhân sinh quan về giai cấp, về hoàn cảnh và hiện thực cuộc sống của con người.

Al-Ali được giới bình luận đánh giá là họa sĩ tranh biếm chính trị có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong thập niên 80 thế kỷ XX, đặc biệt là tác phẩm của ông không những được độc giả phương Tây quan tâm mà còn rất được ưa thích trong các quốc gia Arập Hồi giáo. Al-Ali là họa sĩ duy nhất có tác phẩm được các tờ báo của tổ chức Muslim Brotherhood chọn đăng.

img

Bức họa nổi tiếng với nhân vật cậu bé Handala.

Ở Beirut, Liban, hầu như tất cả các cộng đồng tôn giáo, sắc tộc, tư tưởng khác nhau đều có thể xem và yêu thích những tác phẩm biếm họa chính trị của ông. Nhưng là một nhà tư tưởng độc lập, không thiên về phía nào cả, tranh của ông đả kích tất cả các chính quyền, lãnh đạo quốc gia, như một biểu hiện của sự phản kháng, của tinh thần đấu tranh chống áp bức của người Palestine. Vì thế, cơ quan cảnh sát điều tra về cái chết của ông cho rằng rất khó xác định hung thủ và thành phần nào đứng sau cái chết của ông, bởi hầu như phía nào ở Trung Đông cũng bị tranh của ông châm biếm, vì thế họ đều có thể có động cơ để sát hại ông.

Suốt 30 năm qua, đã từng có nhiều lời đồn đoán rằng có thể có động cơ chính trị trong vụ sát hại họa sĩ al-Ali. Nhưng vấn đề là động cơ chính trị đó đến từ phía nào, nhóm người nào, đảng phái nào, quốc gia nào trong mớ bòng bong chằng chịt ở Trung Đông?

Theo thông tin từ cảnh sát London, trong vài năm trước khi bị sát hại ông al-Ali đã nhận được "một số lời dọa giết", nhưng cảnh sát vẫn chưa thể xác định được động cơ thật sự của kẻ thủ ác. Vài năm sau cái chết của họa sĩ al-Ali, cảnh sát London đã bắt được một kẻ tình nghi tên là Ismail Sowan, một nhà nghiên cứu Palestine tại Đại học Hull, sinh ra ở Jerusalem.

Khám xét căn hộ của Sowan, cảnh sát đã phát hiện cả một kho vũ khí được cho là chuẩn bị sẵn để thực hiện hành vi khủng bố khắp châu Âu. Ban đầu, Sowan bị nghi là thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), nhưng rốt cuộc chỉ bị buộc tội tàng trữ chất nổ, một tội danh quá nhẹ cho Sowan.

Về sau, Sowan khai nhận rằng, ông ta làm việc cho PLO và cả Cơ quan tình báo khét tiếng MOSSAD của Israel. Đáng chú ý, một nghi can thứ hai bị Sở cảnh sát Scotland Yard bắt giữ cũng khai nhận là điệp viên hai mang.

Sau đó, cảnh sát Anh điều tra ra được rằng có hai điệp viên hai mang trà trộn trong các đội sát thủ của PLO ở London và các điệp viên này đã biết trước thông tin về âm mưu sát hại họa sĩ al-Ali nhưng MOSSAD không thông báo cho cảnh sát London biết để ngăn chặn. Chính vì hành động không chia sẻ thông tin tình báo này mà Cơ quan tình báo MOSSAD đã mất sự tin tưởng và cảm tình từ phía các đồng nghiệp tình báo và cả chính phủ Anh.

Kết quả trước mắt là chính phủ Anh khi đó do bà Margaret Thatcher lãnh đạo đã ra lệnh trục xuất 3 nhà ngoại giao Israel để trả đũa, trong đó có một nhà ngoại giao làm tùy viên trong Đại sứ quán Israel tại London được cho là người quản lý 2 điệp viên hai mang nêu trên. Chưa hả giận, bà Thatcher còn ra lệnh đóng cửa một căn cứ của MOSSAD ở London (đặt tại Palace Green, quận Kensington).

Bên cạnh MOSSAD, một tổ chức khác tên là Force 17 cũng bị quy trách nhiệm trong vụ sát hại họa sĩ al-Ali. Tuy nhiên, cáo buộc này cho đến nay vẫn chưa được xác nhận cụ thể.

Cái chết của họa sĩ al-Ali được nhiều người nhìn nhận như một biểu trưng cho cuộc đấu tranh chưa bao giờ đạt được mục tiêu của người Palestine. Nó là hình tượng cay đắng của cuộc đấu tranh giữa ngòi bút, nét cọ và súng gươm. Các chuyên gia về Palestine ở phương Tây gọi al-Ali là "một người hy sinh vì sự nghiệp của Palestine".

Để tưởng nhớ cuộc đấu tranh bằng ngòi bút của họa sĩ al-Ali, người ta đã dựng một bức tượng ông bằng sợi thủy tinh to bằng người thật tại cửa vào phía bắc của trại tị nạn Ain al-Hilweh. Không lâu sau khi được khai trương, bức tượng bị hư hỏng một phần do bị một kẻ khủng bố vô danh đặt bom và bị bắn vào mắt trái. Sau đó, bức tượng được sửa chữa và khôi phục lại như cũ.