Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn báo cáo hoạt động của VCPMC.
Tổng số tiền hơn 83 tỷ đồng sau thuế (trước thuế là trên 90 tỷ đồng), tăng 13% so với năm 2016 là con số ấn tượng mà CPVMC đã đạt được.Trong đó, số tiền Trung tâm tiến hành nhập liệu phân phối là gần 79 tỷ đồng, số tiền sau khi trích hành chính phí và chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm cả nhạc Việt Nam và Quốc tế) là hơn 60 tỷ đồng.Tỷ lệ phân phối thành công là hơn 90%.
Theo báo cáo tổng kết của VCPMC thì cùng với những thuận lợi từ sự trợ giúp, phối kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương, qua đó, nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đã tin tưởng ủy thác cho Trung tâm đại diện khai thác và bảo vệ, số lượng thành viên VCPMC đều tăng hàng năm, đặc biệt là các tác giả trẻ. Các tác giả đã tìm hiểu một cách đầy đủ hơn các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, thực hiện đúng hơn các nội dung ủy thác quyền theo hợp đồng và có ý thức trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm của mình đang bị xâm phạm trên thị trường, phát hiện và thông báo cho Trung tâm cùng phối hợp xử lý. Trường hợp tác giả ủy quyền cho các tổ chức/cá nhân khác trong khi đã ký hợp đồng ủy quyền với Trung tâm đã được khắc phục và giảm đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm trong việc bảo vệ và khai thác tối đa quyền, lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Các nhạc sĩ là thành viên của VCPMC.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc VCPMC - Giám đốc khu vực phía Nam cho rằng: Mặc dù hệ thống pháp luật Việt Nam khá hoàn thiện và tương đồng với các Công ước quốc tế, song cũng còn đó những kẽ hở khiến nhiều đơn vịsử dụng tìm cách né, lách, không xin phép và trả tiền bản quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, nhất là điều kiện công nghệ 4.0 ngày một phát triển. Điều này đã gây ra không ít những khó khăn cho VCPMC. Việc cấp phép cho các hoạt động kinh doanh cũng như kiểm soát tần suất sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên môi trường số, hay truyền hình đang là một thách thức vô cùng lớn đối với VCPMC.Đặc biệt, sau quá trình dài đàm phán, thảo luận với các Đài thuộc lĩnh vực truyền hình cáp, kỹ thuật số và về tinh cùng sự tham gia của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ thông tin và truyền thông, Cục bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, đến nay, Trung tâm vẫn chưa thống nhất được mức tiền sử dụng quyền tác giả với một số Đài Truyền hình cáp như: SCTV, HTVC, VTV Cab, K+, VTC…
Tình trạng vi phạm về quyền tác giả ở các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ … vẫn còn diễn ra phổ biến, tràn lan; đến nay vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đang sử dụng số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên của Trung tâm nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả âm nhạc, mặc dù Trung tâm đã nhiều lần gửi văn bản, liên hệ, làm việc. Hành vi đó không những xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền mà còn thể hiện ý thức thiếu tôn trọng pháp luật, gây nên sự bất bình không chỉ của các tác giả mà còn của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghiêm túc quy định về quyền tác giả trong suốt thời gian qua.
Đăng ký ủy thác để đảm bảo tác quyền của chủ sở hữu tác phẩm.
Theo thống kê đến hết năm 2017, VCPMC có 3.749 người, đối với thành viên tác giả nhạc quốc tế, thông qua việc ký kết hợp tác song phương với nhiều tổ chức quản lý tập thể, cũng như cam kết bảo hộ quyền tác giả giữa các tổ chức thành viên của CISAC (Liên minh quốc tế các hiệp hội nhà soạn Nhạc và Lời thế giới), số lượng thành viên nhạc quốc tế là trên 2 triệu tác giả thuộc 239 hiệp hội ở 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Song song với việc tìm kiếm thông tin, liên hệ và hướng dẫn các tác giả ký hợp đồng ủy thác, Trung tâm tăng cường cập nhật, xác minh tên tác giả, tác phẩm để bổ sung vào phần mềm lưu trữ tác phẩm, đồng thời huy động mọi kênh thông tin trong quá trình tìm kiếm tác giả, chi trả (phân phối) tiền bản quyền. Tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm trên các mạng xã hội như Youtube, Facebook và các website, các ứng dụng nghe nhạc, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ nếu không thực hiện quyền tác giả. VCPMC đã tiến hành đàm phán, thoả thuận với các website lớn như: Google (Youtube), Keeng, ZingMp3, Nhaccuatui, Spotify. Đối với lĩnh vực Ứng dụng nghe nhạc trên các nền tảng thiết bị thông minh (smart phone, máy tính bảng…)
Hiện nay, VCPMC tiếp tục rà soát các ứng dụng (app) trên các hệ điều hành Android, IOS, để yêu cầu các đơn vị trả tiền sử dụng nhạc theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu Google, Apple gỡ bỏ các ứng dụng không thực hiện quyền tác giả hoặc các ứng dụng không xác định chủ sở hữu. Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn tình trạng nhiều ứng dụng (app) như: app ZingMp3; app NhacCuaTui, app Xmusic Premium, app Chia sẻ nhạc, và nhiều chương trình video trên một số kênh trực tuyến vi phạm quyền tác giả như: Sen Vàng Entertainment, Vân Sơn Entertainment...
Việc sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ quốc tế Cisnet và phần mềm lưu trữ châu Á Mis@asia, đồng thời đăng ký thông tin thành viên IPI (Interested Parties Information) lên SUISA- Trung tâm IPI đặt tại Thụy Sỹ. Đây là các hệ thống phần mềm tương tác giúp Trung tâm cập nhật, lưu trữ, tra cứu dữ liệu tác phẩm/tác giả Việt Nam và quốc tế, là cơ sở giúp cho các tổ chức bản quyền trên thế giới tra cứu, tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm âm nhạc Việt Nam trong quá trình cấp phép sử dụng và phân phối tiền cho tác giả.
Năm 2018, Trung tâm đã sử dụng công nghệ đo đếm tác phẩm âm nhạc trên truyền hình do Công ty Aibiz cung cấp, qua đó bước đầu tự động hóa việc xác định tác phẩm âm nhạc sử dụng trên môi trường truyền hình phục vụ công tác đàm phán cấp phép cũng như phân phối tới các tác giả được nhanh chóng, chính xác hơn.
Việcđẩy mạnh hoạt động của bộ phận pháp chế, nhằm hỗ trợ công tác cấp phép đảm bảo chỉ tiêu doanh thu; xử lý vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định của pháp luật, lập hồ sơ khởi kiện một số trường hợp xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả, cố ý né tránh, không xin phép và trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương để đảm bảo việc thực thi quyền tác giả trên địa bàn được đồng bộ và triệt để hơn. Kiện toàn nhân sự, tuyển dụng và đào tạo các nhân sự có trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ mới, thực hiện hiệu quả các mặt công tác trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.
Liên quan đến việc nhạc sĩ Phó Đức Phương nghỉ hưu và những ồn ào quanh sự việc này, tại Lễ tổng kết hoạt động của VCPMC năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, nhạc sĩ Phó Đức Phương đọc bức “tâm thư” của mình gửi đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam và toàn bộ hội viên của VCPMC. Ông cho rằng: “Trong 16 năm qua, Trung tâm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là những sóng gió trên mặt báo. Đụng chạm đến quyền lợi của bất cứ một ai đều sẽ vấp phải phản ứng. Nhưng, những gì chúng tôi tin là đúng, cùng với sự kiên trì, nhẫn nại, kiên quyết trên tinh thần hiểu biết đến tận cùng luật pháp, thì dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục.
Chia sẻ với báo Dân Việt, Nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm sự, 18 năm qua ông đã dành quá nhiều thời gian cho hoạt động của VCPMC nên không còn thời gian để sáng tác và nghỉ ngơi. Mặc dù hoạt động của VCPMC có lúc thăng, lúc trầm nhưng chưa bao giờ ông chịu bất kỳ áp lực nào. Nhiều người bảo ông là “thần kinh thép” nhưng giải pháp của ông chính là không nghe những ý kiến vụn vặt, không phải ở cái độ tuổi được người ta khen mới làm, được người ta chê thì hoang mang. Và dù không giữ chức vụ Giám đốc nữa nhưng ông vẫn sẽ cố gắng trợ giúp Trung tâm trong một trách nhiệm phù hợp để Trung tâm phát triển vững chắc.
Trong năm 2018, VCPMC sẽ khẩn trương sắp xếp nhân sự, phân công trách nhiệm và chuẩn bị các kế hoạch và điều kiện hoạt động sau khi Giám đốc Phó Đức Phương nghỉ. Với sự điều hành mới (theo đề cử là ông Đinh Trung Cẩn), Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bản quyền tại Việt Nam.
=>XEM CLIP: Nhạc sĩ Phó Đức Phương phát biểu: