Dân Việt

Cô giáo kể chuyện chấm "bài văn lạ"

08/11/2011 13:49 GMT+7
“Tôi bắt đầu chấm bài văn của Hiếu lúc 22g30. Những câu văn chân thành của Hiếu khiến tôi không thể cầm được nước mắt. Khó có thể diễn tả thành lời tâm trạng của tôi lúc đó”.

Cô Đặng Nguyệt Anh, giáo viên dạy văn lớp 11A1 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhớ lại thời điểm mình tiếp cận với bài viết của cậu học trò gầy nhỏ.

Yêu thương lan tỏa

“Tôi nhìn đồng hồ. Còn 5 phút nữa là 23 giờ đêm. Nhưng tôi không thể kìm lòng và đã nhắn tin cho cô Đào Phương Thảo, cô giáo chủ nhiệm lớp 11 chuyên lý. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất lâu trong sự xúc động mãnh liệt. Tôi cũng gọi chồng tôi khi đó đang ngủ trở dậy để đọc bài. Hai vợ chồng ngồi im lặng rất lâu vì quá xúc động. Hai ngày sau, tôi vẫn không thoát khỏi trạng thái bần thần”- cô Nguyệt Anh kể lại.

img
Đó là bài văn điểm 9 của Nguyễn Trung Hiếu (ảnh), học sinh lớp 11 chuyên lý Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Cô giáo dạy văn cho lớp chuyên lý đã lập tức trao đổi về những gì cô biết với ban giám hiệu Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và công đoàn trường để quan tâm hơn đến Hiếu. Một cách khéo léo, khi đề nghị Hiếu ra ngoài làm một việc khác, cô đã đọc bài văn cho cả lớp nghe. Hiếu không hề biết rằng gần như cả lớp chuyên lý đã khóc. Nhưng cô giáo và các bạn đã cố gắng tránh gây tổn thương bằng cách chỉ lặng lẽ chia sẻ với Hiếu bằng nhiều cách khác nhau, không bình luận, không trao đổi ồn ào.

Là một trong những giáo viên thường lựa chọn ra đề kiểm tra theo hướng mở, cô Nguyệt Anh giải thích: “Tôi không muốn dạy học văn là chỉ dạy văn bản trong sách giáo khoa, mà tạo điều kiện cho học sinh bộc lộ suy nghĩ, tình cảm, quan niệm về các vấn đề trong cuộc sống. Đề văn càng gần gũi với học sinh, càng khơi dậy hứng thú của các em. Đó là một “kênh” để hiểu và chia sẻ thêm với học sinh của mình”.

“Bài văn này tôi cho học sinh làm ở nhà. Trong khi các em đều sử dụng máy tính để viết bài thì Hiếu viết bằng tay. Sau này, tôi mới biết nhà Hiếu không có máy tính để làm bài”- cô Nguyệt Anh kể.

Trong phần văn nghị luận của lớp 11, khi yêu cầu học sinh làm bài tập kiểm tra ở nhà, cô Nguyệt Anh lựa chọn cách ra đề mở “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”. “Thật ra, đề tài này đã được tôi hẹn trước với học sinh từ năm lớp 10. Học sinh có thể có những cách nghĩ khác nhau về đồng tiền. Việc yêu cầu học sinh như vậy cũng là cách để có thể gián tiếp tác động đến suy nghĩ, cách sống của học sinh” - cô Nguyệt Anh cho biết.

Sự đồng cảm của nhiều học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam qua bài văn trên chứng tỏ các em đã không thờ ơ, đã biết cảm thông và trân trọng Hiếu, chứng tỏ nghị lực của Hiếu đã chạm đến trái tim nhiều học sinh. Đây là nhận xét của một số thầy cô giáo ở Trường Hà Nội - Amsterdam.

“Chúng tôi không sốc...”

“Không phải đợi đến khi báo chí đăng bài văn của Nguyễn Trung Hiếu, nhà trường, các thầy cô và nhiều bạn bè của Hiếu đã biết trước về cảnh ngộ của em”- thầy Phạm Văn Đại, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Hiếu là một trong những trường hợp học sinh được thầy cô, ban đại diện phụ huynh rất quan tâm. Nhưng Hiếu là cậu bé rất nhạy cảm, giàu lòng tự trọng. Hiếu đã nhiều lần từ chối sự giúp đỡ vật chất từ người khác. “Chính vì vậy, khi biết chuyện của Hiếu, tôi, cô giáo chủ nhiệm, bạn bè trong lớp rất thận trọng. Đây là điều lý giải vì sao Hiếu chỉ chấp nhận “vay tiền của thầy cô giáo, khi nào thành đạt sẽ xin trả lại” mà không muốn nhận sự giúp đỡ vật chất trực tiếp” - cô Nguyệt Anh nói.

“Chúng tôi không sốc vì biết rõ hoàn cảnh của Hiếu và cả cá tính của em. Nhà trường giúp đỡ Hiếu như giúp đỡ nhiều em học sinh khác, nhưng chúng tôi rất thận trọng tránh những tổn thương, mặc cảm”- cô Nguyệt Anh chia sẻ khi đề cập đến phản ứng của thầy cô, bạn bè Hiếu sau khi câu chuyện về Hiếu được nhiều người biết tường tận.

“Em có thể tự lo”

Sau một ngày bỗng dưng được quá nhiều người quan tâm, Nguyễn Trung Hiếu tâm sự: “Em cảm ơn và trân trọng tình cảm của mọi người. Nhưng số tiền mà mọi người gửi đến giúp đỡ, em chỉ dành phần nhỏ để thuốc thang cho mẹ, còn lại sử dụng để giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn khác thông qua chương trình “Thắp sáng bản em” mà em đang tham gia làm tình nguyện, xây dựng tủ sách cho trẻ em Mường Tè. Chắc chắn bố mẹ sẽ hiểu vì bố mẹ sống vì em. Em vui vì đem lại niềm vui cho người khác thì bố mẹ sẽ ủng hộ. Riêng bản thân em, em có thể tự lo được cho mình. Em sẽ cố gắng học tốt, sống tốt để không phụ lòng tốt của mọi người”.

Theo Tuổi trẻ