Dân Việt

Khi U23 Việt Nam là “thương hiệu Quốc gia” bị... tận dụng quá đà

Minh Khoa 29/01/2018 11:22 GMT+7
Chiến tích của U23 Việt Nam trở thành một hiện tượng xã hội và các doanh nghiệp, các nhà makerting chuyên nghiệp đã không bỏ lỡ “cơ hội vàng” này. Tuy nhiên cũng có những màn PR “quá đà” khiến dư luận bức xúc.

PR bằng… tiền thưởng

Khi đội tuyển U23 chiến thắng, cùng với niềm phấn khích của người hâm mộ thì các doanh nghiệp lớn nhỏ đều đưa ra những mức thưởng khủng bao gồm tiền và hiện vật.

img

U23 Việt Nam đã trở thành một thương hiệu tầm cỡ quốc gia nhưng cũng đang bị một số người lợi dụng. Ảnh: T.L

Đơn cử như một số ngân hàng, doanh nghiệp lớn nhanh chóng đưa ra mức thưởng cho thầy trò Park Hang-seo khoản tiền thưởng từ 1 tỉ trở lên.

Một số nhãn hàng khác thì không quên tặng thưởng hiện vật gắn với “sản phẩm, đặc sản” của mình. Ví dụ Công ty C. tặng mỗi cầu thủ một bộ điều hòa, Trung tâm tiếng Anh tặng gói học tiếng Anh, một công ty công nghệ tặng gói sản phẩm Blockchain. Ngoài ra những công ty du lịch, lữ hành cũng không ngần ngại tuyên bố thưởng những chuyến du lịch ở Maldiver, Phú Quốc, Vũng Tàu…

Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ hơn, thậm chí doanh nghiệp tư nhân cũng tận dụng cơ hội này khi có chuỗi cửa hàng hải sản tuyên bố “bao” cả đội tuyển một bữa hải sản hạng sang. Thậm chí một cửa hàng chuyên chụp ảnh cưới cũng tuyên bố miễn phí toàn bộ cho chú rể có tên… Quang Hải - trùng tên cầu thủ xuất sắc của U23 Việt Nam.

Theo các chuyên gia makerting thì việc tung ra những khoản tiền thưởng vào dịp này là một cách làm hiệu quả khi nhãn hàng của họ được gắn với thương hiệu U23 mặc dù khi thưởng tiền, các doanh nghiệp hầu như không đưa ra điều kiện gì cả.

Theo phân tích của các chuyên gia về thương hiệu, thì có 4 mức độ về thương hiệu là nhãn hiệu (trademark), thương hiệu (brand), tin hiệu (trustmark), và thương hiệu được yêu mến (lovemark). Trong đó, lovemark là đỉnh cao. Trên thế giới chỉ một vài thương hiệu có được cấp độ này.

U23 Việt Nam là một “lovemark” trong trường hợp này và các nhãn hiệu khác sẵn sàng “thơm lây” khi gắn hình ảnh của mình với một hình ảnh U23 Việt Nam được “mặc định” là kiên cường, quả cảm và thể hiện mức độ cao tinh thần dân tộc.

Không chỉ gắn với U23, những cái tên Tiến Dũng, Quang Hải, Văn Thanh cũng được nhiều nhãn hàng gắn tên. Thêm chí một thương hiệu… bao cao su cũng ngay lập tức đổi slogan của mình “Mạnh mẽ thẳng TIẾN - cản phá anh Dũng”.

Một số chuỗi cửa hàng nhanh chóng “bắt sóng” U23 bằng cách tung ra chiến lược giảm giá 23%, hoặc bán đồng giá 23k cũng được đánh giá cao.

Nhiều màn “ăn theo” U.23 phản cảm

Đầu tiên cần phải lên án trào lưu “ăn theo” U23 Việt Nam của một số cô gái bằng cách khoe thân trên mạng xã hội hoặc trong lúc ăn mừng chiến tích của đội tuyển U23. Thậm chí có những cô gái tự “PR” bản thân bằng kiểu chiêu dụ rẻ tiền như hiến thân với người lạ trùng tên với một số cầu thủ nổi tiếng của U23. Mục đích của việc ăn theo này để để nổi tiếng hoặc bán hàng online.

Trong sự hào phóng của những doanh nghiệp, người ta dường như nhận ra sự quá đà. Ví dụ lãnh đạo một hãng hàng không trong lúc cao hứng đã tuyên bố sẵn sàng sơn hình ảnh toàn bộ đội U23 lên thân máy bay. Điều này thì không có vấn đề gì nếu hãng hàng không dùng tiền của mình và nhận được sự đồng ý của chính các cầu thủ lẫn HLV.

Và trong ngày hôm qua, một hãng hàng không tỏ ra hào phóng khi dùng chuyên cơ chở toàn bộ đội U23 từ Thường Châu - Trung Quốc về Việt Nam. Hành động của hãng này sẽ được tuyên dương nhiều hơn nếu như không có màn biểu diễn hở hang của những người mẫu ngay trên chuyến bay khiến dư luận và người hâm mộ bức xúc. Rõ ràng, doanh nghiệp có quyền dùng cơ hội của mình để PR, làm makerting nhưng phương thức như trên tạo ra cảm giác lố bịch, khó chịu...

Flycam cảnh xe buýt chở U23 Việt Nam bị vây kín trên cầu Nhật Tân. Clip: Zing