Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó. Nhà tôi trước kia nghèo đến mức bố mẹ tôi phải ở trong một ngôi nhà đắp đất đơn sơ, khi gió mạnh hay mưa to, ngôi nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Thời gian trôi đi, cuộc sống của mọi người dần đã khá giả hơn nhưng cái không thể mất đi được đó chính là chất quê trong con người tôi.
Tôi rất buồn vì cách nghĩ của vợ. (Hình minh họa)
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định ở lại thành phố để sống và làm việc. Tôi cưới một cô gái khác quê, nhà cô ấy cách quê tôi 100km. Trước khi cưới tôi, vợ tôi cũng nhận được nhiều lời chê bai, chỉ trích từ mẹ, các thím, các dì của tôi. Có lẽ vì như thế vợ tôi cảm thấy mặc cảm, thậm chí ác cảm với họ hàng ở quê của tôi.
Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Chạp hàng năm, gia đình tôi thường làm giỗ cho ông ngoại tôi. Năm đầu, vợ tôi rất phấn khởi vì lần đầu được tôi đưa về giới thiệu với họ hàng. Nhưng càng năm sau, em càng thấy hốt hoảng, sợ hãi vì đám giỗ nào nhà tôi cũng thịt lợn, làm 20-25 mâm cỗ khiến em sấp ngửa bưng bê, nấu nướng, rửa bát, phụ bếp từ sáng tới khuya. Vậy là cứ đến ngày giỗ ông ngoại tôi, vợ tôi toàn tìm kế để về quê thật muộn và đi thật sớm để trốn việc.
Em nói rằng: “Em ở thành phố, chưa bao giờ phải làm nhiều việc như thế. Ngày giỗ ở nhà em cũng rất đơn giản, chỉ mời những người trong gia đình chứ không đến mức như thế này. Gần đây, đến ngày giỗ mọi người nhà em cũng thuê nguời làm từ A-Z rồi. Về nhà nhìn thấy mâm bát ngổn ngang, xoong chảo nấu nướng, em chỉ muốn khóc.”
Tháng trước, khi thấy mẹ tôi thông báo ngày giỗ ông ngoại, vợ tôi tối sầm mặt, chắc cô ấy đang tưởng tượng ra viễn cảnh nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát đến tận khuya và cái nhìn soi mói của mọi người. Tôi phải nịnh nọt, động viên mãi thì em mới gật đầu cùng tôi về quê trước ngày giỗ một ngày.
Ai ngờ, nửa tháng nay, đội tuyển U23 Việt Nam liên tiếp giành những chiến thắng vang dội trong giải đấu U23 châu Á. Vợ tôi kể từ lúc đó như người mất hồn, ngày đêm tưởng tượng, đọc báo rồi kể chuyện về các tuyển thủ trẻ. Vợ tôi hết khen ngợi các cầu thủ đá hay, tinh thần thi đấu quật cường, lại khen các em đẹp trai, đáng yêu, hình thể nổi bật…chẳng bù cho tôi. Vào trang cá nhân của vợ, tôi thấy hàng chục bài đăng về độ đáng yêu, tài năng của các cầu thủ chứ chẳng có ảnh của bố con tôi như trước.
Biết được lịch đá chung kết và thời gian các tuyển thủ sẽ từ Trung Quốc trở về Việt Nam, vợ tôi suốt mấy hôm đã mua đủ băng rôn, cờ, đề can, áo để đi cổ vũ. Em cũng nhất định ở lại Hà Nội để đêm thứ 7 thì đi “bão” với lũ bạn, còn sáng chủ nhật thì đi ra sân bay Nội Bài đón các cầu thủ. Vợ tôi bảo: “Anh cứ bảo cả nhà là em bị sốt vi rút, không về ăn giỗ được. Giỗ ông thì năm nào chả giỗ nhưng không phải năm nào đội tuyển Việt Nam mới chiến thắng vang dội như thế này.”
Mặc tôi nói nặng, nói nhẹ thế nào, vợ tôi quyết ở lại Hà Nội để đi cổ vũ và đón các cầu thủ. Bực tức quá tôi bảo: “Cô muốn đi đâu thì đi”.
Sáng hôm đó, bố con tôi đành lếch thếch bắt xe về quê. Về đến quê, tôi nóng mặt khi gặp họ hàng ai cũng hỏi: “Vợ đâu, sao có 2 bố con về?”, tôi phải trả lời cho qua rằng vợ bận.
Chiều chủ nhật, khi cả nhà vừa dọn dẹp xong, cả nhà đang ngồi nói chuyện thì chị họ tôi bảo: “Ơ, thím Hậu (mẹ tôi) ơi, con dâu cô đăng ảnh mặt tươi rói đi đón đội tuyển Việt Nam này.”
Mẹ tôi ghé nhìn thấy bức ảnh, mặt tối sầm và mắng tôi một trận vì không biết dạy vợ. Cả nhà tôi cũng được thể bình luận rồi nói vợ tôi chỉ ham chơi, không biết phép tắc. Tôi nhắn tin kể hết sự việc với vợ thì cô ấy còn lớn tiếng nói rằng nếu tôi và mọi người trong nhà còn nói nữa, từ giờ cô ấy không về quê tôi bất cứ dịp nào nữa.
Từ sáng đến giờ, tôi suy nghĩ nhiều quá, không biết phải làm sao với cô vợ ham chơi, vô tâm này.