Dân Việt

Tổng tiến công Mậu Thân ở Huế qua hồi ức hai vị tướng

An Sơn 30/01/2018 19:00 GMT+7
Đã 50 năm trôi qua nhưng hai vị tướng trực tiếp chỉ đạo nhiều trận đánh tại Huế trong cuộc Tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng.

Liệt 2 chân vẫn giúp bộ đội chuyển vũ khí

Đã 90 tuổi nhưng thiếu tướng Nguyễn Văn Thu - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông kể vanh vách chi tiết nhiều trận đánh tại TP.Huế dịp Xuân Mậu Thân 1968. Sau khi Bộ Chính trị có lệnh chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Thu được Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên phân công làm Chỉ huy trưởng cánh Bắc TP.Huế. Thời điểm đó Huế là một địa bàn chiến lược rất quan trọng, nhiều vị trí ở kinh thành Huế như cửa Hữu, cửa Đông Ba, sân bây Tây Lộc… bị địch chiếm đóng, chốt chặn, bao vây. 

img

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên.

Thiếu tướng Thu kể: "Trong thời gian hơn 1 tháng trước khi nổ ra cuộc tổng tiến công ở Huế, lực lượng vũ trang của ta với sự giúp đỡ nhân dân đã chuẩn bị chu đáo từ quân số, cơ sở vật chất, vũ khí… Bộ đội ta bí mật cắt các hàng rào thép gai được địch rào chắn ngầm ở các vị trí hiểm yếu. Khi chuẩn bị xong xuôi tất cả các khâu này thì đã đạt khả năng thắng lợi đến 50%.  

Đến rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân, các lực lượng của ta đồng loạt đánh vào các đồn cảnh sát Mỹ - ngụy và đánh chiếm các điểm quan trọng của địch ở cánh Bắc như sân bây Tây Lộc, cửa Hữu, cửa Thượng Tứ, cửa Đông Ba, Đại Nội, cống Hắc Báo. Với chiến thuật đánh từng ngõ hẻm, từng góc phố, từng khu vực, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ đồng loạt tấn công các mũi, quân ta đã chiếm toàn bộ cánh bắc TP.Huế. Ở cánh Nam, quân ta đánh vào Trung đội xe tăng, Dinh tỉnh trưởng. Đến rạng sáng mùng 2 Tết ta làm chủ thành phố. Khoảng 6h30 ngày mùng 2 Tết Mậu Thân, bộ đội ta đã treo cờ giải phóng ở cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu TP.Huế được giải phóng".

Theo thiếu tướng Thu, một trong những yếu tố then chốt giúp ta làm chủ TP.Huế trong 26 ngày đêm chính là sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. “Là chỉ huy trưởng cánh Bắc TP.Huế, hình ảnh quần chúng nhân dân, thanh niên và lực lượng sinh viên Huế hết long nuôi dưỡng thương binh, tải thương, tiếp tế lương thực cho bộ đội, cơ sở liên lạc… khiến tôi rất xúc động. Nếu không có quần chúng nhân dân đứng dậy chỉ đường thì lực lượng vũ trang khó hoàn thành được công việc” - ông Thu nhận định.

Trong nhiều câu chuyện về sự tiếp sức của quần chúng nhân dân mà ông Thu kể, nổi bật là chuyện người đàn ông tên Điền. Ông Điền là người bị bại liệt cả 2 chân nhưng hàng ngày vẫn mưu sinh bằng việc chèo thuyền câu cá trên sông Hương. Khi biết ta chuẩn bị cho trận đánh vào đầu Xuân Mậu Thân, bộ đội bọc vũ khí trong bao nilon rồi buộc vào dây thả xuống sông để vận chuyển qua phía Bắc sông Hương, ông Điền đã giúp vận chuyển vũ khí bằng cách dùng dây buộc súng ống vào chiếc thuyền câu của ông rồi vờ chèo thuyền đi câu để kéo qua sông giao cho bộ đội ta…

Thắng lợi nhờ bí mật tuyệt đối

Trong các ngày 24 và 25.1 vừa qua, tại TP.Huế, Ban liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên - Huế tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Hơn 700 tướng lĩnh, cựu chiến binh đại diện cho hàng vạn nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên và mặt trận Huế Xuân 1968 đã gặp gỡ để ôn lại những ký ức lịch sử hào hùng. Trong cuộc gặp gỡ xúc động đó, chúng tôi được dịp trò chuyện với thiếu tướng Võ Văn Chót - nguyên Phó Tư lệnh, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 4, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên.

img

Cựu chiến binh Quân khu Trị Thiên - Huế trao đổi tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Theo thiếu tướng Võ Văn Chót, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 của quân và dân ta đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo nên bước ngoặt lịch sử mới giúp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc ta đi đến thắng lợi. Riêng tại TP.Huế, sau 4 ngày chiến đấu quyết liệt với địch, quân và dân ta đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: Dinh Tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, các khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang, sân bay Phú Bài…

Ông Chót xúc động kể về sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ Tiểu đoàn K8 (thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 324B) tại vùng Phước Yên (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Lúc đó, ông Chót là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 - người chỉ huy tiểu đoàn mở đường máu giải thoát cho Tiểu đoàn K8. Tiểu đoàn K8 được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh địa bàn, kìm chân địch, bảo vệ lực lượng ta rút khỏi TP.Huế, bảo vệ vùng giải phóng. Từ ngày 28.4 đến 1.5.1968, trong vòng vây của địch, cán bộ, chiến sĩ K8 phối hợp với du kích và nhân dân địa phương chiến đấu ngoan cường, bất khuất. Hơn 500 cán bộ, chiến sĩ K8 và 200 bộ đội địa phương đã nằm xuống trên mảnh đất Phước Yên.

Thiếu tướng Chót nhấn mạnh rằng, có được thắng lợi ở mặt trận Huế trong Xuân 1968 là nhờ sự tiếp sức to lớn của quần chúng nhân dân. Đông đảo nhân dân Huế đã nổi dậy, dẫn đường cho bộ đội, đào hầm, dựng chiến lũy, tiếp tế, chăm sóc thương binh… và thành lập chính quyền cách mạng ở nhiều khu vực. Hàng ngàn thanh niên đã gia nhập các đội du kích, tự vệ, các đội công tác. 

Sau 25 ngày đêm chiến đấu và làm chủ TP.Huế, quân và dân ta đã diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã hàng chục ngàn tên địch; bắn rơi và phá hỏng nhiều máy bay, tàu chiến, xe quân sự; giải phóng 210.000 dân, 20 xã, 271 thôn, thành lập chính quyền ở 200 thôn. Vì vậy, quân dân Trị Thiên - Huế vinh dự được Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng 8 chữ vàng  “Tiến công - Nổi dậy - Anh dũng - Kiên cường”.

Một yếu tố nữa dẫn đến thắng lợi ở mặt trận Huế trong Tết Mậu Thân 1968 theo thiếu tướng Chót là nhờ ta giữ bí mật tuyệt đối, ta đánh vào TP.Huế mà địch hoàn toàn không hay biết gì. “Trong suy nghĩ của địch, dịp Xuân Mậu Thân 1968  ta tập trung đánh vào Đường 9 hoặc trên đường 1 để phá hoại giao thông, cho nên ở các vị trí này, địch tổ chức chốt chặn nhiều quân lính nhằm đối phó với ta. Chính vì vậy mà địch bất ngờ về thời gian, lực lượng, cách đánh của ta, bất ngờ tất cả các mục tiêu, bởi cùng một lúc ta đánh từ thành phố đến đồng bằng và cả các vùng ven đô” - ông Chót kể.