Dân Việt

Quan hệ Nga - Việt đơm hoa, kết trái

Năm 2001, LB Nga và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và năm 2012, mối quan hệ đó được nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Và nay, quan hệ song phương nhộn nhịp trên mọi phương diện đang ngày càng đơm hoa, kết trái.
Việt Nam- trụ cột tin cậy của Nga

Trong học thuyết đối ngoại mới của LB Nga (tháng 2.2013) và sắc lệnh của Tổng thống V.Putin về triển khai chính sách đối ngoại (tháng 5.2012), Việt Nam được nhắc đến như là một trụ cột tin cậy trong chính sách châu Á – Thái Bình Dương của LB Nga.

Tổng thống Nga V.Putin duyệt đội danh dự khi thăm chính thức Việt Nam tháng 11.2013.
Tổng thống Nga V.Putin duyệt đội danh dự khi thăm chính thức Việt Nam tháng 11.2013.

Ngay trước thềm chuyến thăm lần thứ ba tới Việt Nam (12.11.2013), Tổng thống V.Putin khẳng định: “Tình hữu nghị giữa Nga và Việt Nam đã vững vàng vượt qua được những thử thách nảy sinh từ nhiều sự kiện bi thương của thế kỷ XX, cũng như những biến đổi kỳ vĩ trên thế giới và ở hai đất nước chúng ta.

Song có một điều còn mãi không bao giờ thay đổi – đó là quan hệ tôn trọng lẫn nhau, là truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Là biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác không khi nào phản bội… Đó chính là sự đảm bảo tính kế thừa và sự bền vững cho mối quan hệ hướng đến tương lai”.

Trên nền tảng vững chắc đó, quan hệ hợp tác Việt – Nga ngày càng phát triển toàn diện, được đẩy mạnh cả về chiều sâu và bề rộng. Trong 2 năm qua, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga đã đạt được những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, đào tạo và nhân văn.

Quan hệ chính trị không ngừng được củng cố với độ tin cậy cao thông qua cơ chế trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên. Đặc biệt trong 2 năm qua đã tiến hành trao đổi 6 đoàn cấp cao nhất và tăng cường tiếp xúc, trao đổi hằng năm gần 200 đoàn trên tất cả các kênh Quốc hội, Đảng, bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, địa phương. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin, kinh nghiệm trên tinh thần tin cậy trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Diễn đàn APEC, ARF…

Lập trường mang tính thực chất của Nga trong vấn đề Biển Đông là sự ủng hộ thiết thực những nỗ lực của ta trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, DOC và hướng tới xây dựng COC.

Sẽ có nhiều “ngọn cờ đầu” như Vietsovpetro


Quan hệ hợp tác thương mại, năng lượng gồm dầu khí và điện hạt nhân, triển khai các dự án đầu tư chiến lược đạt được những kết quả ấn tượng, góp phần cũng cố nền tảng vật chất, kỹ thuật vững chắc cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt- Nga. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 10 lần so với những năm 1990 và đạt mức 4 tỷ USD năm 2013. Hai bên đang nỗ lực đàm phán và sớm ký Hiệp định Thương mại tự do FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan, mở ra bước đột phá mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng kim ngạch lên 7 tỷ USD năm 2015 và trên 10 tỷ USD năm 2020.

Hợp tác kỹ thuật lĩnh vực quân sự vẫn là lĩnh vực truyền thống của hai bên và không ngừng phát triển, trở thành đối tác chính, quan trọng và tin cậy nhất của ta. Nga giúp ta đào tạo nguồn nhân lực và cung cấp vũ khí, khí tài phục vụ công cuộc hiện đại hóa quân đội, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của ta.

Vai trò then chốt trong sự phát triển quan hệ hợp tác song phương về công nghiệp và đầu tư vẫn thuộc về lĩnh vực năng lượng và dầu khí. Ở đây, ngọn cờ là Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro đã tích lũy được kinh ngiệm quý báu và nâng khối lượng khái thác lên mức 206 triệu tấn dầu, với tổng lợi nhuận to lớn phuc vụ cho lợi ích của cả hai bên.

Liên doanh Rusvietpetro đang hoạt động hiểu quả tại khu tự trị Yamalo-Nenetsky và nâng sản lượng khai thác hàng năm lên mức 3 triệu tấn. Gazprom và Rosneft đang triển khai các dự án khai thác dầu khí, hiện đại hóa những cơ sở lọc hóa dầu tại Việt Nam, cung cấp khí tự nhiên, hóa lỏng từ vùng Viễn Đông của Nga sang ta.

Sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng không chỉ hạn chế ở khai thác dầu khí. Nga đang giúp đỡ xây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới – công nghiệp nguyên tử. Tập đoàn Rosatom triển khai xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tiến độ, hai tổ máy dự kiến sẽ được khởi động lần lượt vào năm 2023 và 2024. Hai bên cũng đang hợp tác và xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.

Những năm gần đây, xu hướng người Nga sang Việt Nam du lịch tăng cao. Trong năm nay sẽ có khoảng 250 nghìn khách du lịch Nga đến Việt Nam.

Trong 5-10 năm tới, Nga sẽ thực sự là đối tác hàng đầu của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực chính trị, an ninh, mà cả trong phát triển kinh tế và hợp tác đầu tư. Sẽ có nhiều dự án hợp tác có quy mô lớn đóng vai trò là đầu tàu, như ngọn cờ đầu Vietsovpetro trong nhiều thập kỷ qua…