Dân Việt

Nhiều triển lãm kỷ niệm 50 năm Tết Mậu Thân 1968

Lý Tín 31/01/2018 06:59 GMT+7
Hàng loạt tranh ảnh, tác phẩm mỹ thuật về hoạt động chiến đấu, nổi dậy của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968 được trưng bày ở nhiều nơi có đông khách tham quan tại trung tâm TP.HCM.

Theo ghi nhận của Dân Việt, tại Nhà Văn hóa thanh niên, hai bên tường các hành lang đều trưng bày hình ảnh từ công cuộc chuẩn bị, đến những ngày tiến công oanh liệt của quân, dân miền Nam và sự thất bại, tháo chạy tại nhiều thành phố lớn của quân Mỹ - Sài Gòn. Tất cả hình ảnh đều được chú thích rõ ràng về địa điểm, nội dung và thời gian bằng tiếng Việt và tiếng Anh phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Tại công viên 30/4, phía trước Hội trường Thống Nhất (trước đây là Dinh Độc Lập), là triển lãm hình ảnh, tư liệu mang tên “Hào khí Xuân Mậu Thân - 1968 - Mãi mãi sáng ngời”. Hình ảnh đa số là cuộc tiến công của quân giải phóng vào Sài Gòn - đầu não của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bên cạnh đó là hình ảnh đền ơn đáp nghĩa xuyên suốt nhiều năm về cuộc tiến công Tết Mậu Thân.

img

Những hình ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 được trưng bày tại công viên 30/4. Ảnh: Lý Tín

Triển lãm có 3 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt: “Khúc ca mùa xuân Mậu Thân 1968” của nhóm điêu khắc trẻ - Hội mỹ thuật TP.HCM nhằm ca ngợi, biết ơn những liệt sĩ Biệt động hy sinh trong cuộc tiến công vào Sài Gòn; “Kết nối quá khứ” của nhóm sắp đặt Đại học Văn Lang; “Nữ dân công hỏa tuyến Xuân Mậu Thân - 1968”.

img

Ảnh tư liệu được trưng bày trong triển lãm. Ảnh: Lý Tín

Ngoài ra, tại công viên 30/4, mô hình bức phù điêu “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” được trưng bày nhằm phục vụ du khách. Bức phù điêu thật sẽ xây dựng bên trong Hội trường Thống Nhất có kích thước dài 81m, cao 9m. Chất liệu dự kiến là đồng đỏ ốp trên tường bê tông. Ngôn ngữ thể hiện kết hợp thể loại chạm lọng với nửa tượng tròn.

Nội dung tư tưởng chủ đạo: “Việt Nam là một đất nước thân thiện và mến khách với tình cảm hữu nghị chân thành” được soi sáng bằng “truyền thống tự trọng, nhân ái, vượt qua thù hận, vị tha, và hướng tới tương lai của cha ông trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng”, nên trong toàn bộ bức phù điêu hoàn toàn không đào xới về hận thù hoặc nỗi đau quá khứ, mà chỉ khắc ghi những chiến công và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968.

img

Mô hình phù điêu “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968” được trưng bày ở công viên 30/4 phục vụ du khách. Ảnh: Lý Tín

Bố cục bức phù điêu: Ở trung tâm là 4 hình tượng tiêu biểu đang xung phong về phía trước gồm hình ảnh Dân công hỏa tuyến, hình tượng chiến sĩ Biệt động thành, hình tượng quần chúng nhân dân Sài Gòn - Gia Định, hình tượng chiến sĩ Giải phóng quân và 3 chương khác với nội dung chủ yếu là cuộc tiến công vào trung tâm Sài Gòn. Tác giả bức phù điêu là Nguyễn Hoàng Ánh.

Theo đó, để tổ chức Lễ kỷ niệm “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968”, Hội trường Thống Nhất đã tạm ngừng đón khách tham quan từ ngày 30-31.1 nhằm đảm bảo tốt hoạt động dựng sân khấu, hậu cần và đảm bảo an ninh.

Một số du khách nước ngoài hào hứng chụp hình với những hình ảnh của cuộc triển lãm tại công viên 30/4.

img

Một du khách nước ngoài hào hứng chụp hình tại triển lãm. Ảnh: Lý Tín

Bên trong Hội trường Thống Nhất đã hoàn tất các khâu từ khán đài sân khấu, hậu cần để thực hiện Lễ kỷ niệm “50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968” diễn ra vào ngày 31.1.2018.